Tỉnh Đồng Tháp có 212 HTX, trong đó thành lập mới 22 HTX, giải thể 14 HTX đạt 100% kế hoạch. Hiện nay có 198 HTX đang hoạt động và 14 HTX không hoạt động. Doanh thu bình quân của HTX là 3,6 tỷ đồng, lãi bình quân của 1 HTX 365 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 65 triệu đồng.
Để hỗ trợ HTX phát triển, trong năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về tín dụng nội bộ, tín dụng nông thôn, tổ chức tham quan thực tế, tham dự diễn đàn, hội nghị cho thành viên HTX nông nghiệp, Hội quán.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ cho 6 HTX mua máy móc, thiết bị với tổng kinh phí 1,49 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho HTX “Dệt Choàng Long Khánh” và đăng ký mã số mã vạch cho HTX nông nghiệp số 2 Định An.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2020, tỉnh phấn đấu hỗ trợ thành lập mới 57 HTX, 100% HXT hoạt động theo đúng Luật HTX 2012. Nâng tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ, trung cấp trên 80%, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trên 10%. Về ngành nghề, tiếp tục hỗ trợ, phát triển các HTX nông nghiệp các HTX công nghiệp - tiểu thủ công, ưu tiên phát triển các HTX hoạt động trên các mặt hàng có tiềm năng ngoài lúa như: cá tra, xoài, nhãn, quýt, sen, hoa kiểng và rau an toàn.
Đặc biệt thời gian gần đây, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, chính vì vậy nhiều HTX ở Đồng Tháp bắt đầu hoạt động xuất khẩu nông sản được kết nối trở lại đã giúp cho nhiều HTX nông nghiệp giảm bớt áp lực khi xuất khẩu nông sản…
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp cho biết: Gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản được kết nối trở lại, phần nào giúp cho hợp tác xã nông nghiệp giảm bớt áp lực, nhất là xuất khẩu gạo, giá bán xoài và một số nông sản khác tăng dần lên.
Từ năm 2018, HTX Tân Bình, huyện Thanh Bình đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh thông qua việc thành lập cánh đồng lớn. Trong đó, HTX tập hợp những hộ thành viên có nhu cầu sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng chủng loại giống để tạo ra sản lượng lớn thu hút doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua.
Ông Phan Công Chính, giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cho biết: Qua 3 năm thực hiện chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ, hiệu quả mang lại khá rõ đó là đầu ra nông sản ổn định, giá lúa cao hơn thị trường từ 75- 500 đồng/kg. Từ đó giúp nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Tuy nhiên, khó khăn của HTX hiện nay là tỷ lệ hộ dân tham gia chuỗi liên kết chỉ chiếm 20% tổng số hộ HTX. Nguyên nhân là do phần lớn nông dân vẫn còn tư tưởng sản xuất theo truyền thống, việc liên kết chưa tạo sự hấp dẫn các thành viên.
Thro ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp, về hoạt động Liên minh HTX tỉnh, trong năm đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, vận động thành lập HTX, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của HTX, tư vấn, hỗ trợ, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã. Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay hàng chục tỷ đồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.112 tổ hợp tác, với 50.150 thành viên, so với cùng kỳ năm 2019 số tổ hợp tác tăng 20,3%, số thành viên tăng 4,8%. Trong 9 tháng đầu năm có khoảng 10 HTX thành lập mới, đạt 65,5% so với kế hoạch, giải thể 10 HTX không hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 212 HTX, vốn điều lệ trên 298 tỷ đồng.