| Hotline: 0983.970.780

Phát triển HTX nông nghiệp chuyển biến mạnh ở Thái Nguyên

Thứ Ba 01/12/2020 , 08:26 (GMT+7)

Chủ trương phát triển HTX nông nghiệp đã bắt mạch và trúng tủ với đòi hỏi thực tiễn tại Thái Nguyên.

Cùng với chú trọng phát triển số lượng, Thái Nguyên tạo các điều kiện tối ưu để nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động cho các HTX nông nghiệp. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Cùng với chú trọng phát triển số lượng, Thái Nguyên tạo các điều kiện tối ưu để nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động cho các HTX nông nghiệp. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Đi liền với hiệu quả hoạt động

Thực hiện Đề án phát triển HTX nông nghiệp, từ năm 2018 đến nay, Thái Nguyên có 134 HTX mới được thành lập đạt 167,5% kế hoạch. Trong đó, phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 39 hợp tác xã, bằng 130% kế hoạch. Công nghệ được ứng dụng như tưới phun, có hệ thống điều khiển bán tự động; Ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động; ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm có hệ thống điều khiển bán tự động; ứng dụng công nghệ thâm canh  và quản lý cây trồng tổng hợp (IPM); công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...

Tổng số HTX nông nghiệp đến nay là 331 đơn vị, tăng 65 HTX so với đầu năm 2018. Theo lĩnh vực, HTX dịch vụ nông nghiệp, tổng hợp là 136, trồng trọt là 128, chăn nuôi là 57, lâm nghiệp 5, thủy sản 4 và nước sạch nông thôn 1. Các HTX đã thu hút 20.548 thành viên và người lao động vào làm việc.

Với đà phát triển nhanh chóng, toàn bộ 137/137 xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có ít nhất 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nhiều xã còn có từ 3-5 HTX nông nghiệp cùng hoạt động. Về quy mô thành viên, trung bình, các HTX có từ 5 - 20 thành viên. HTX có số lượng thành viên đông nhất là HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Liên Sơn, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên với 1.224 thành viên. Theo đánh giá của Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, qua các năm, số HTX hoạt động hiệu quả luôn chiếm khoảng 50% tổng số HTX.

Năm 2020 dự kiến có 150 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tăng 57 hợp tác xã so với năm 2017. Trong giai đoạn 2018-2020, các hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại, đăng ký lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; HTX có quy mô nhỏ hoạt động không hiệu quả đã được chuyển sang hoạt động theo mô hình tổ hợp tác; số hợp tác xã được thành lập mới tăng. Một số HTX nhanh chóng thích ứng với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, nổi bật là nhóm hợp tác xã mới thành lập theo Luật HTX năm 2012. Một số mô hình HTX phát huy hiệu quả do áp dụng một số công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho HTX và các thành viên.

Thái Nguyên hiện có 2 liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 19 HTX thành viên. Dự kiến năm 2020 sẽ thành lập mới 1 liên hiệp HTX dịch vụ tổng hợp (trồng trọt, chăn nuôi, du lịch cộng đồng...). Các Liên hiệp HTX tuy mới hình thành và đi vào hoạt động, song đã thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ tốt hơn cho các hợp tác xã thành viên tiếp cận với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Kích ứng

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết, mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang chiếm ưu thế về số lượng và giữ vai trò quan trọng, thu hút và đem lại lợi ích cho hàng chục ngàn thành viên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn, trực tiếp góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia NTM.

Các HTX nông nghiệp đã bước đầu xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, một số HTX đã có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp lớn, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 40 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chè, 18 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi gà đồi, thỏ, lợn và 15 HTX tham gia các chuỗi sản phẩm trồng trọt, chế biến nông sản khác như: Miến, mỳ gạo, rau củ quả, nấm, cây dược liệu...

Về chiến lược, ông Dương Văn Toản (Chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cùng với chú trọng thành lập mới các HTX nông nghiệp, Chi cục tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Thái Nguyên tạo điều kiện hỗ trợ để nâng tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả và gia tăng chất lượng, quy mô.

Theo đó, công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ được tăng cường để nâng cao hiệu quả của việc phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và coi đó là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện tối ưu về chính sách và tư liệu cho các HTX, hiện Thái Nguyên đã quy hoạch 3.900 ha vùng sản xuất chè, 500 ha vùng sản xuất rau, 970 ha vùng sản xuất cây ăn quả, 30 ha sản xuất hoa và 700 ha chăn nuôi.

Sản xuất miến dong tại HTX Việt Cường, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Đồng Thưởng

Sản xuất miến dong tại HTX Việt Cường, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Đồng Thưởng

Những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ là bản doanh của các HTX nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và quy hoạch tổng thể phát triển ngành.

Mục tiêu phát triển HTX của Thái Nguyên đến năm 2025: Vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển thêm khoảng 120 HTX nông nghiệp; 100% huyện, thành phố, thị xã có mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến bền vững. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong THT, HTX tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2020. Ít nhất 20 HTX được hỗ trợ xây dựng theo mô hình HTX kiểu mới, có sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Đến năm 2030: Có khoảng 600 HTX nông nghiệp; phát triển khoảng 50 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm hàng hóa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.