| Hotline: 0983.970.780

Quyết tâm bảo vệ rừng trong mùa khô

Chủ Nhật 26/12/2021 , 10:00 (GMT+7)

AN GIANG Hiện nay đang bước vào mùa khô, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đang được tỉnh An Giang tập trung triển khai, nhất là chủ động phương án "4 tại chỗ".

Thời điểm này, nhiều cánh rừng tại khu vực Bảy Núi gồm 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang đang vào mùa khô hanh, nguy cơ cháy rừng là rất cao, nhất là các khu vực như núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn thuộc huyện Tịnh Biên; khu vực Núi Sam (TP Châu Đốc); núi Giài, Núi Tượng, Núi Cô Tô, Núi Nam Quy… và một số diện tích rừng tràm vùng đồng bằng trên địa bàn tỉnh An Giang đã trải qua nhiều ngày nắng nóng, không có mưa, làm cho thảm thực bì khô, nỏ, gia tăng vật liệu cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Ngành kiểm lâm An Giang đang tập trung triển khai các biện pháp PCCR ở khu vực Bảy Núi trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành kiểm lâm An Giang đang tập trung triển khai các biện pháp PCCR ở khu vực Bảy Núi trong mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Hồ Văn Minh, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 3 ở ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên cho biết, tổ của ông có 9 người, bảo vệ khoảng 200 ha rừng. Thời điểm này đang bước vào mùa nắng nóng kéo dài, ông và các thành viên của tổ luôn phải có ý thức và cảnh giác cao trong việc phòng chống cháy rừng. Vì vậy hàng ngày, tổ chia thành 3 nhóm, thường xuyên tuần tra các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy.

“Chúng tôi chia ra nhiều đợt đi tuần, 3 người một đội, đi tuần từ đây xuống dưới rồi lại trở về. Đeo bình nước đi như vậy vừa phòng chống cháy, vừa phòng chống người chặt củi. Về công tác phòng cháy, chúng tôi có các bình nước, bồn nước đầy đủ và chứa đầy nước để sẵn sàng phòng chống cháy rừng” ông Minh nói.

Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn cho biết, Hạt quản lý địa bàn rộng, với tổng số diện tích rừng cần bảo vệ hơn 5.500 ha, trong đó diện tích rừng khu vực núi là gần 3.800 ha, rừng thuộc đồng bằng hơn 1.800 ha.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết vào mùa nắng nóng, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm, Hạt đã triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy đối với các điểm có nguy cơ cháy cao, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng trong những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa.

Để đảm bảo công tác PCCR, ngoài việc lỗ lực của các lực lượng chức năng, đòi hỏi ý thức của người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để đảm bảo công tác PCCR, ngoài việc lỗ lực của các lực lượng chức năng, đòi hỏi ý thức của người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lý Vĩnh Định cho biết thêm, mùa khô năm nay đến sớm do mưa dứt sớm, sau tết, vùng núi này nhiệt độ có lúc lên đến 35 - 37 độ C, mực nước ngầm ở các mương, ao xuống rất thấp nên nguy cơ cháy rừng rất là cao.

Chính vì vậy, Hạt luôn trong tâm thế sẵn sàng không chủ quan, luôn thực hiện trang bị các dụng cụ PCCR đưa xuống các vùng trọng điểm, nhất là tăng cường các ban chỉ huy PCCR của các xã, tăng cường phối hợp kiểm tra thường xuyên. Khi có báo động cháy, ban chỉ huy mục tiêu của xã phải báo lên huyện để tiếp ứng, nếu không được thì báo lên tỉnh để huy động lực lượng, với phương châm phòng là chính, chủ động hực hiện phương châm "4 tại chỗ”.

Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết: Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh gần 17.000 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Năm nào cũng có khoảng 5-7 ngàn ha rừng nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tập trung ở các huyện như Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc… cần được bảo vệ PCCR.

Hàng năm, ngành chức năng nơi đây luôn túc trực và phối hợp thường xuyên với các lực lượng chức năng địa phương tổ chức triển khai hàng chục phương án PCCR từ cấp huyện đến cấp xã, quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

“Hiện đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, nhiệt độ đang ngày một tăng cao, độ ẩm thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để đảm bảo công tác PCCR hiệu quả, ngoài nỗ lực của các lực lượng chức năng, đòi hỏi ý thức của người dân, từ đó mới có thể hạn chế được nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay” ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang nói.

An Giang bào vệ rừng theo phương châm '4 tại chỗ'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang bào vệ rừng theo phương châm "4 tại chỗ". Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đáng mừng từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn An Giang chỉ xảy ra 9 vụ cháy rừng quy mô nhỏ (giảm 4 vụ so với năm 2020) với diện tích các đám cháy chỉ 5 ha. Các vụ cháy đều được phát hiện, chữa cháy kịp thời, chủ yếu là cháy lò ảng, vườn tầm vông, le, chỉ cháy lướt dưới tán nên không ảnh hưởng đến rừng trồng.

Về vi phạm trong công tác bảo vệ rừng, ngành chức năng An Giang đã phát hiện 27 vụ vi phạm (giảm 42 vụ so với cùng kỳ năm 2020) và đã ngăn chặn kịp thời ngoài bìa rừng khi đối tượng chuẩn bị xâm nhập vào rừng. 

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ bước vào cuối mùa mưa từ tháng 12 trở đi sang tháng 4 - 5 năm sau, ngành kiểm lâm luôn tập trung cao độ đẩy mạnh nhiều phương án nhằm bảo vệ PCCR và phát triển đất rừng đem lại hiệu quả cao nhất có thể.

Để công tác phát triển rừng và sử dụng rừng trên địa bàn An Giang hiệu quả, mới đây UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt 2 Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) và rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành xây dựng phương án quản lý bền vững rừng phòng hộ và đặc dụng vùng đồi núi tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2030.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất