| Hotline: 0983.970.780

Rà soát các 'điểm nóng' giết mổ để ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm

Thứ Ba 26/03/2024 , 08:18 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT vừa có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai, yêu cầu chỉ đạo tăng cường ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ đầu năm 2024 đến nay, chưa phát sinh ổ dịch mới nào trên gia súc gia cầm. Ảnh: Minh Sáng.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ đầu năm 2024 đến nay, chưa phát sinh ổ dịch mới nào trên gia súc gia cầm. Ảnh: Minh Sáng.

Theo nội dung công điện, thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam.

Đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta, gây ra dịch bệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.

Để chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần chỉ đạo ngay các Sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và địa phương, ngành chăn nuôi, thú y tỉnh Đồng Nai đã sớm chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và duy trì các vùng chăn nuôi an toàn được các địa phương tập trung thực hiện.

Tại “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai có mật độ chăn nuôi cao, nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn nên áp lực về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên các địa phương trong tỉnh vẫn phát triển tốt đàn gia súc, gia cầm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, việc phân vùng nguy cơ với dịch bệnh cúm gia cầm, toàn tỉnh có 7/14 huyện, thành phố có nguy cơ thấp, chỉ có 4 huyện nguy cơ cao nhưng tình hình dịch cúm gia cầm tại các địa phương này vẫn được kiểm soát tốt.

Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay ở các địa phương trên cũng chưa xảy ra ổ dịch mới nào. Đồng thời, công tác tiêm phòng vacxin vẫn luôn được các địa phương chú trọng và tỉnh Đồng Nai cũng tiếp tục duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.

Tăng cường cao độ vấn đề phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn. Ảnh: TG.

Tăng cường cao độ vấn đề phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn. Ảnh: TG.

Ông Lê Văn Thọ (chủ trại gà công nghiệp ở xã Long Đức, huyện Long Thành) chia sẻ, việc chủ động phòng ngừa, thực hiệu tốt công tác tiêm vacxin phòng bệnh dịch đóng vai trò rất quan trọng. Đồng thời, xây dựng trại lạnh nuôi theo quy trình khép kín cũng sẽ góp phần đảm bảo an toàn sinh học.

Cùng với hệ thống cho ăn uống hoàn toàn tự động, vật nuôi ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh. Cần phải kiểm soát kỹ trong quá trình nuôi không để một con ruồi muỗi nào vào trong chuồng sẽ rất dễ gieo mầm bệnh.

Theo một số chủ trại chăn nuôi gia cầm tại huyện Vĩnh Cửu, thời gian qua, tình hình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì giá sản phẩm chăn nuôi thường ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại luôn ở mức cao. Tuy nhiên, có những nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ ở địa phương nhưng lại quan tâm ứng dụng đệm lót sinh học, chất thải trong chăn nuôi được xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây trồng theo quy trình tuần hoàn khép kín.

Anh Nguyễn Xuân Hùng (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Trang trại của gia đình tôi dần chuyển sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, với việc chuẩn hóa quy trình tiêm phòng vacxin được chúng tôi rất chú trọng. Trang trại cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh, giúp cho sức đề kháng của đàn gà khỏe hơn, giảm tỷ lệ hao hụt vì dịch bệnh, chất lượng trứng, thịt ngon hơn, được thị trường chấp nhận tiêu thụ với giá cao”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, hiện chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chiếm hơn 90% tổng đàn nuôi. Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đa số chấp hành tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh.

Công tác giám sát lưu hành virus giúp phát hiện sớm mầm bệnh, chủ động trong việc phòng dịch bệnh và làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất tổ chức tiêm phòng ở khu vực nguy cơ cao. Công tác tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh của nhiều địa phương được triển khai nhanh, vượt kế hoạch đề ra.

Một số địa phương xảy ra ổ dịch đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống và khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai đa số chấp hành tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh. Ảnh: Minh Sáng.

Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai đa số chấp hành tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho biết: “Sau khi có chỉ đạo từ Bộ NN-PTNT, ngành chăn nuôi, thú y Đồng Nai chúng tôi cũng đã thông báo cụ thể cho các trạm và phòng kiểm dịch trên các địa bàn để tiến hành kiểm tra lại tất cả thông tin và ra soát các “điểm nóng” giết mổ để chấn chỉnh ngay nếu phát hiện có sai phạm.

Chi cục cũng đã chỉ đạo tăng cường cao độ vấn đề phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn, đồng thời cho kiểm soát lại rất kỹ việc xuất nhập phải có nguồn gốc theo đúng quy định. Đặc biệt, nếu có vấn đề gì sai phạm sẽ báo cấp lãnh đạo để phối hợp với địa phương xử lý, cần thiết tăng cường công tác liên ngành kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ không phép...”.  

Theo ông Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên phạm vi toàn tỉnh khá ổn định, không phát sinh ổ dịch mới nào. Chăn nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, giúp giảm hao hụt đàn nuôi vì dịch bệnh là giải pháp được các doanh nghiệp, chủ trang trại rất chú trọng nhằm giảm giá thành sản xuất và đây chính là giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tình trạng nhập khẩu thịt giá rẻ tràn lan, các cơ sở, điểm bán thịt đông lạnh xuất hiện khắp nơi cũng là nguồn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh. Theo đó, các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt an toàn chăn nuôi và vệ sinh dịch bệnh.

Ngoài ra, việc kiểm soát chặt, hạn chế giết mổ lậu không chỉ góp phần rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh lây lan, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, tất cả các vấn đề này rất cần thiết phải được giải quyết để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất