Huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương có tổng đàn chó, mèo tương đối lớn, trên 4.700 con, được nuôi tại 2.169 hộ.
Thời gian qua, mặc dù nhân viên thú y cơ sở đã rất cố gắng trong công tác tiêm phòng dại. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt trên dưới 30%, tương đương khoảng 1.000 liều, chưa đạt so với kế hoạch 3.000 liều đã đề ra.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, công tác tiêm phòng vacxin ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo tại địa phương hiện đang gặp khó.
Nguyên nhân, do đa số hộ nuôi là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, một số hộ vẫn còn nuôi theo hình thức thả rông gây ảnh hưởng đến tiến độ.
Từ hạn chế này, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng tổ chức các đợt ra quân bắt chó, mèo thả rông. Biện pháp này vừa tạo tính răn đe cao, vừa giúp người dân chủ động hơn trong công tác tiêm phòng dại cho động vật nuôi.
Để ngăn chặn nguy cơ phát sinh bệnh dại từ chó, mèo thả rông, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị nhấn mạnh, tiêm phòng là giải pháp căn cơ nhất.
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng như hiện nay, ngành chuyên môn khuyến cáo hộ nuôi thực hiện công tác kê khai động vật nuôi đầy đủ để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tiêm phòng của địa phương.
Đồng thời, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi, không thả rông động vật. Trường hợp khi đưa chó ra nơi công cộng, phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ và có người dẫn dắt.
Đặc biệt, chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi tại gia đình. Nếu phát hiện động vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác phải thực hiện cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.
Tại huyện Mỹ Tú, sau hơn một tháng triển khai chiến dịch tiêm phòng dại, toàn huyện đã tiêm được 919 con/4.231 tổng đàn, chiếm khoảng 27% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ông Phạm Minh Tú, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú cho biết, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại, bao gồm tổ chức thống kê tổng đàn chó, mèo hiện có làm cơ sở xây dựng kế hoạch và tiêm phòng.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện tiêm phòng cũng lồng ghép tuyên truyền phòng, chống bệnh dại qua tờ rơi để người dân hiểu, biết và thực hiện.
Chủ vật nuôi cũng được nhắc nhở thực hiện đăng ký tiêm phòng cho chó mèo mỗi năm 1 lần. Đặc biệt là ngành chuyên môn đến tận hộ nuôi để thông tin rõ về các biểu hiện lâm sàng khi vật nuôi mắc bệnh, nhằm ứng biến kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn, người dân địa phương cũng rất ý thức và có sự chủ động trong công tác phòng ngừa, nhất là trong bối cảnh bệnh dại đang có những diễn biến phức tạp.
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại trên vật nuôi, hay trường hợp người dân bị chó, mèo nhiễm virus dại cắn phải.
Không vì vậy mà chủ quan, ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết, ngành đang tích cực triển khai một loạt các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã xây dựng và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại. Ưu tiên mua vắc xin, cung ứng kịp thời và tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo đồng loạt, cùng một thời điểm.
Bên cạnh đó, cán bộ thú y cũng sát sao trong công tác rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.
Trong công tác phối hợp với địa phương, ngành cũng thường xuyên kiểm tra, xác minh và xử lý triệt để khi phát hiện có chó, mèo nghi mắc bệnh dại.
Ngày 14/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ: NN-PTNT, Y tế, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Theo công điện này, ngoài đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các địa phương phải đảm bảo tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.