| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi hiệu quả dưới điện mặt trời áp mái

Thứ Bảy 19/08/2023 , 10:00 (GMT+7)

Nhận thấy lợi ích và hiệu quả của năng lượng tái tạo, chị Trần Thị Hạnh ở Tây Ninh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà dưới hệ thống điện mặt trời áp mái.

Nằm ở xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành (Tây Ninh), trang trại gà công nghiệp quy mô gần 100.000 con của chị Trần Thị Hạnh được xem là một trong những trang trại nuôi gà dưới mái điện năng lượng mặt trời lớn và hiện đại bậc nhất tại địa phương.

Theo chị Hạnh, khu vực trang trại của chị khá xa trung tâm nên điện áp thiếu ổn định, trong khi nuôi gà quy mô công nghiệp cần rất nhiều điện để ấp trứng, sưởi ấm cho gà con và làm mát cho gà trưởng thành.

Trang trại đã giải quyết được cả 3 vấn đề lớn: giảm chi phi xây dựng chuồng trại, không tốn kinh phí bảo trì, không phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại đã giải quyết được cả 3 vấn đề lớn: giảm chi phi xây dựng chuồng trại, không tốn kinh phí bảo trì, không phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Để khắc phục khó khăn này, chị đã cân nhắc giữa việc đầu tư trạm biến áp riêng và lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời. Theo đó, nếu xây dựng trạm biến áp riêng chi phí đầu tư lớn, chưa kể tiền duy tu, bảo dưỡng hàng năm.

Nhận thấy Tây Ninh có giờ nắng và lượng bức xạ cao, hệ thống điện năng lượng mặt trời sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội như: chủ động được nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, thay thế hoàn toàn các vật liệu làm mái truyền thống như bê tông, tôn, nhựa có khả năng cách nhiệt, giúp chuồng trại mát mẻ hơn, giảm chi phí sản xuất... nên chị quyết định đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất gần 100KW để nuôi gà dưới mái.

“Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn (gần 2 tỷ đồng), nhưng điều khiến chị Hạnh tâm đắc nhất khi sử dụng điện mặt trời là rất phù hợp với điều kiện các trang trại ở xa khu dân cư, giải quyết được cả 3 vấn đề lớn: giảm chi phi xây dựng chuồng trại, không tốn kinh phí bảo trì, không phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới nên đảm bảo chủ động trong sản xuất, nhất là mùa mưa bão.

"Sử dụng từ đầu năm 2020 đến nay, mỗi tháng trang trại của gia đình tôi tiết kiệm được gần 100 triệu đồng tiền điện. Ngoài ra, cứ sau mỗi lứa, trang trại ngừng chăn nuôi 10 - 15 ngày để khử trùng trang trại có thêm một khoản tiền nhờ bán điện cho bên điện lực. Tôi đang tiếp tục đầu tư thêm 3 trang trại tương tự để mở rộng quy mô sản xuất”, chị Hạnh chia sẻ.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 110 dự án điện mặt trời áp mái được triển khai trên 83 dự án nông nghiệp. Phần lớn các dự án nông nghiệp là dự án trồng nấm, trồng cây đinh lăng và một số ít dự án chăn nuôi heo, gà, bò bên dưới hệ thống điện mặt trời.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, đặc điểm vị trí, địa lý, điều kiện tự nhiên của Tây Ninh có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo so với các địa phương lân cận. Theo đó, Tây Ninh là khu vực có lượng bức xạ cao, dao động từ 4.750 - 5.250w/m2 so với mặt bằng chung của cả nước, cùng với tổng số giờ nắng trên 2.400 giờ/năm.

Nhờ điện năng ổn định, đàn gà nhà chị Hạnh sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ điện năng ổn định, đàn gà nhà chị Hạnh sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, địa phương còn quỹ đất tự nhiên tương đối lớn, đứng thứ 4 trong 8 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đất đai bằng phẳng, ít đồi núi, thuận lợi cho việc xây dựng trang trại chăn nuôi.

Hiện tại, Tây Ninh có tiềm năng phát triển 2 nguồn năng lượng tái tạo chính, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Trong đó, điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao nhất (99%). Tây Ninh đang tập trung phát triển 2 loại hình đầu tư điện mặt trời gồm: nhóm dự án điện mặt trời thuộc quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch phát triển điện của tỉnh và nhóm dự án điện mặt trời áp mái quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Để phát triển ứng dụng năng lượng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, Tây Ninh đang xây dựng lộ trình ứng dụng, hỗ trợ người dân trong việc chứng minh tính phù hợp và tiềm năng của các loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn khi sử dụng kết hợp với điện năng lượng mặt trời áp mái trong điều kiện sinh thái nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ tài chính cần thiết để khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 4] Nông hộ 'hụt hơi', doanh nghiệp chiếm sân chơi

Khi nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ 'hụt hơi', chỉ riêng năm 2024, Bình Định thu hút 7-8 dự án chăn nuôi lợn, quy mô mỗi dự án từ 24.000-36.000 con lợn thịt/lứa

Hai trường hợp tử vong ở Đồng Nai liên quan tới bệnh dại

Trước tình hình dịch bệnh dại tăng cao, gây tử vong ở người, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo xử lý triệt để dịch bệnh dại trên địa bàn.

Tương lai sáng dâu tằm tơ miền núi phía Bắc [Bài 3]: Hồi sinh sau thiên tai

YÊN BÁI Vựa dâu tằm tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên đang tiếp tục nhân rộng diện tích, đổi mới kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kén tằm.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Doanh nghiệp mong Nghị quyết 57 sớm đi vào cuộc sống

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 57 được kỳ vọng là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu nhà nước, càng triển khai sớm càng đem lại hiệu quả cao.

Cuốn sổ nợ 'ghi' nỗi buồn người nuôi tôm hạ nguồn sông Sa Lung

Ngành chức năng khuyến cáo chưa nên thả tôm giống vào thời điểm này. Nhưng tôm giống ương dèo đã gần 1 tháng nay, người nuôi tôm Vĩnh Sơn đang rất băn khoăn.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.