| Hotline: 0983.970.780

Rau an toàn "chào thua": Dự án hết, mô hình "đi"

Thứ Ba 28/10/2014 , 08:20 (GMT+7)

Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả SX rau màu là một trong những giải pháp căn cơ được tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện. 

Chỉ trong vòng 4 năm đã có 38 dự án phát triển rau an toàn (RAT) trong tỉnh được đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là việc duy trì, nhân rộng mô hình gần như bất lực...

HTXNN Quảng Thắng, TP Thanh Hóa và HTXNN Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa là 2 đơn vị SX RAT một thời “thịnh vượng” nhưng hiện cả 2 mô hình này "sống dở chết dở" vì không có nguồn lực để duy trì SX.

Đầu tư nhỏ giọt

Thời điểm chúng tôi đến có gần chục hộ dân xã Quảng Thắng hì hục gánh nước tưới cho rau và sửa lại nhà lưới để SX cho kịp thời vụ.

Chị Lê Thị Hòa, thôn 2 nói: “Trước có dự án hỗ trợ chúng tôi SX đỡ vất vả, bây giờ hết dự án rồi chỉ còn trơ lại phần khung nên hộ nào muốn làm tiếp thì phải bỏ tiền ra mua lưới về để trồng. Hộ nào không có tiền đầu tư thì đành SX như rau thường.

Dù rất muốn SX theo đúng quy trình được tập huấn nhưng vì thiếu cơ sở vật chất hạ tầng nên phải tưới nước, bón phân, chăm sóc, phun thuốc BVTV như SX rau thông thường".

Ngoài hộ chị Hòa, 34 hộ dân khác ở phường Quảng Thắng tham gia dự án thí điểm SX RAT trên diện tích 2,5 ha do Canada tài trợ cũng đang phải vắt chân lên cổ tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư SX theo đúng quy trình.

Trước đó, trong thời gian 3 năm (2010 - 2012), dự án của Canada hỗ trợ HTX Quảng Thắng 280 triệu đồng để tập huấn SX, chăm sóc, tiêu thụ RAT. Chính quyền tỉnh, TP kích cầu thêm 200 triệu đồng xây dựng nhà sơ chế, nâng cấp đường điện, bể tưới nước... Với những sự quan tâm trên, dự án RAT đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế tương đối cho nông dân.

“Buồn thay, dự án hết mô hình cũng "đi" luôn bởi nhà nước không có chính sách nào để hỗ trợ HTX và hộ dân duy trì, nhân rộng SX. Mãi đến cuối 2013 cấp trên đầu tư kế tiếp một dự án thì vốn về cầm chừng, nhỏ giọt khiến cho toàn bộ dự án bây giờ be bét hết cả”, ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ nhiệm HTXNN Quảng Thắng lo lắng.

Theo ông Châu, sau khi kết thúc dự án của Canada, UBND tỉnh, TP Thanh Hóa, phường Quảng Thắng quy hoạch vùng RAT tập trung 3 ha với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong năm 2014. Tuy nhiên đến nay cả 2 dự án trên chỉ mới được hỗ trợ 1 tỷ đồng để nhà thầu chôn cột bê tông, còn phần khung, lưới, đường điện, nước đều… đang nằm trên giấy.

Còn ông Nguyễn Chí Công, chủ nhiệm HTXNN Hoằng Hợp cho rằng, phần lớn dự án RAT bị "chết yểu" do HTX phải tự bơi. “6 năm làm mô hình ngoài kỹ thuật chúng tôi chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào cho cơ sở hạ tầng. Như năm nay, tôi muốn mở rộng quy mô nhà lưới vài chục ha nhưng tỉnh chỉ chấp thuận 3 ha. Nếu cứ hỗ trợ theo kiểu lấy phong trào thì mô hình "chết" là phải”, ông Công nhấn mạnh.

08-54-41_1
Dự án RAT ở phường Quảng Thắng đang be bét vì thiếu vốn đầu tư

Theo như ông Công nói thì HTX của ông chỉ được cái tiếng còn trên thực tế diện tích nhà lưới SX theo đúng quy trình chỉ được 12 sào/21,5 ha với 200 hộ dân tham gia thì như muối bỏ biển, không thể phát huy hiệu quả.

HTX không mặn mà

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 38 mô hình sản xuất  RAT với tổng diện tích gần 84 ha (bình quân mỗi mô hình từ 2 - 5 ha). Trong đó, 26 mô hình đang hoạt động nhưng có đến 70% HTX và nông dân tham gia không mặn mà với RAT.

Anh Nguyễn Văn Huy, thôn 8, xã Hoằng Hợp nói: “Cứ bảo rằng xây dựng chuỗi SX đến tiêu thụ nhưng thực tế sản phẩm RAT sản xuất ra không biết bày bán ở đâu. Các siêu thị, nhà hàng lớn thì chưa xâm nhập được nên nông dân phải mang ra chợ bán, mà bán ở chợ thì RAT cũng coi như không an toàn”.

Theo họ, một phần nguyên nhân do cơ chế tiếp cận hỗ trợ phải qua nhiều khâu trung gian; phần nữa năng lực quản lý của HTX hầu hết chưa qua đào tạo nên khi đi vào vận hành đều giậm chân tại chỗ.

“Huyện Hoằng Hóa có hơn 50 HTX nhưng hiện chỉ 7 - 8 HTX làm ăn có lãi, số còn lại hoạt động cho có mô hình. Trong 4 mô hình RAT (Hoằng Hợp, Hoằng Trinh, Hoằng Giang và Hoằng Xuân) thì chỉ có Hoằng Hợp hoạt động cầm chừng theo chương trình, còn để làm cho bà con mặn mà, SX có lãi thì cũng chưa làm được. Doanh thu của chúng tôi đạt 3 - 4 tỷ đ/năm mà sống không được thì các mô hình còn lại khó mà thành công”, ông Công nói thêm.

Ngoài các nguyên nhân trên, cơ chế chính sách hỗ trợ cho hệ thống quản lý, tổ chức thực hiện của HTX không có nên chẳng ai muốn làm. Như HTX Quảng Thắng, sau khi kết thúc dự án của Canada, chủ nhiệm HTX phải quay vòng đồng vốn, thậm chí vay ngân hàng để trả lương (từ 800.000 đồng đến 1 triệu đ/tháng) cho 8 người trong ban quản lý.

“Bi đát nhất là khi chúng tôi làm thủ tục kiểm tra mẫu vi sinh vật, dư lượng thuốc BVTV. 1 mẫu gửi đi Hà Nội hoặc TP.HCM kiểm tra hết khoảng 5 triệu đồng nhân với 2,5 ha (khoảng 12 - 13 mẫu rau). Như vậy mỗi lần kiểm định hết mấy chục triệu bạc thử hỏi HTX nào trụ được? Các đơn vị quản lý nhà nước cần nâng đỡ mô hình để nhân ra diện rộng, trong đó yếu tố quan trọng nhất là hỗ trợ chứng nhận RAT khi hết hạn và cây giống cho nông dân", ông Châu kiến nghị.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.