| Hotline: 0983.970.780

Rau an toàn sôi động trở lại

Thứ Năm 18/12/2014 , 10:20 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Hà Nội đang đón nhận làn sóng mới các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực RAT./ Rau an toàn và câu chuyện truyền thông

Để được thành công như vậy là nhờ nhiều năm nỗ lực trong quy hoạch vùng SX rau an toàn (RAT) với diện tích trên 5.000 ha kết hợp công tác thông tin, tuyền truyền không mệt mỏi. 

Mới đấy nhất, Cty CP Giao Long, một DN thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã bắt tay vào xây dựng hệ thống cửa hàng bán sản phẩm RAT mang thương hiệu Liên Thảo với quy mô lớn chưa từng thấy ngay lập tức khuấy động lại thị trường kinh doanh RAT tại Hà Nội.

Phó TGĐ Cty CP Giao Long, ông Phạm Quang Minh chia sẻ: "Đơn vị đang hợp tác với các nhóm hộ nông dân tại các vùng rau đã được TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX RAT với quy mô khoảng 150 ha.

Song song với đó, Liên Thảo cũng mở được hệ thống 18 cửa hàng, quầy bán RAT tại các khu phố và chợ truyền thống. Dự kiến, đến đầu năm 2015 số cửa hàng RAT sẽ được nâng lên con số trên 200 với giá bán chỉ cao hơn rau ngoài chợ khoảng 30%".

Từ kinh nghiệm thất bại của những DN đi trước, ông Minh cho biết Liên Thảo chọn cách tiếp cận xây dựng chuỗi RAT trên cơ sở truy xuất được nguồn gốc tới tận người trồng. Theo đó, tại mỗi vùng rau mà Liên Thảo hợp tác, sẽ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Cty hướng dẫn nông dân quy trình canh tác và hỗ trợ ghi nhật ký ruộng đồng.

Định kỳ một vài ngày, cán bộ của Liên Thảo sẽ chia sẻ nhật ký ruộng đồng của bà con lên hệ thống website của mình với đầy đủ thông tin, tên tuổi, địa chỉ, ngày trồng, vùng trồng, ngày sử dụng phân bón, thuốc BVTV…

Mỗi sản phẩm của Liên Thảo trước khi được đưa ra thị trường đều đươc dán tem chứng nhận xuất xứ (C/O) và chứng nhận chất lượng (C/Q) theo tiêu chuẩn của Liên Thảo.

Nếu khách hàng muốn kiểm tra sản phẩm rau mình vừa mua chỉ cần gõ mã số trên những mớ rau, củ, quả… lên website của Liên Thảo mọi thông tin đều được công khai rõ ràng.

Theo tâm sự của ông Minh, Liên Thảo chọn cách làm này bởi nếu thuê đất để trực tiếp trồng rau chi phí sẽ quá lớn và cũng không thể thuê ở đâu được. Việc hợp tác với nông dân SX để truy xuất nguồn gốc là cách làm tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Qua đó, vừa tạo lòng tin cho người tiêu dùng lại khuyến khích, động viên nông dân phải SX ngày càng tốt hơn bởi tên tuổi của nông dân bây giờ đã gắn liền với sản phẩm họ làm ra.

Kinh doanh RAT hoàn toàn có lãi, đó là khẳng định của anh Nguyễn Minh Hiếu, GĐ Cty TNHH Thực phẩm Đồng Xanh. Anh Hiếu dẫn chứng hiện mỗi ngày hệ thống cửa hàng Đồng Xanh tiêu thụ khoảng 4 - 5 tạ RAT, doanh thu 3 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh Hiếu thừa nhận là quy mô của Đồng Xanh về rau hiện rất nhỏ, song bản thân anh cũng chưa dám mở rộng hệ thống cửa hàng một cách rầm rộ bởi gần như chắc chắn những cửa hàng RAT mới mở ít nhất phải bị lỗ 6 tháng liên tiếp, nếu không có sự kiên trì và dày vốn, thất bại là cầm chắc trong tay.

Bên cạnh đó, để tìm một nguồn cung RAT ổn định và đa dạng về chủng loại hiện nay theo anh Hiếu là không hệ đơn giản, do bà con vẫn chưa quen với việc SX rau với yêu cầu khắt khe về chất lượng, số lượng và đặc biệt là đã qua sơ chế.

Vì vậy, anh Hiếu chọn cách chậm chắc an toàn trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng.

Ông Trần Mạnh Chiến, chủ chuỗi cửa hàng sạch Bác Tôm tâm sự: “Nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm an toàn rất cao, song cái thiếu nhất ở đây là niềm tin. Nếu chúng ta cứ mãi nghi ngờ nhau thì RAT rất khó để phát triển.

Trước đó, TP Hà Nội đã phê duyệt đề án phát triển RAT cùng một loạt những chính sách hỗ trợ để khích lệ nhiều DN tham gia vào chuỗi cung ứng từ SX, phân phối, tới kinh doanh, tiêu thụ.
Tuy nhiên, do vốn ít, lực mỏng cộng thiếu kinh nghiệm nên chỉ trong thời gian ngắn hàng loạt DN SXKD RAT bị phá sản hoặc buộc phải thu lại quy mô hoạt động cầm chừng, trong đó điển hình là Cty TNHH Hương Cảnh.

Bản thân tôi khi mua hàng cũng phải đặt niềm tin vào người SX và tôi hy vọng người tiêu dùng cũng nên đặt niềm tin vào DN. Nếu thấy chưa tin, người tiêu dùng có thể đi tham quan, kiểm tra vùng SX chứ đừng vì nghi ngờ mà quay lưng lại với người SX RAT”.

Ông Nguyễn Thành Lưu, TGĐ Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội (sanbanbuon.vn) cho rằng, có 2 vấn đề kìm hãm sự bùng nổ của các chuỗi RAT mặc dù hiện khu vực SX đã rất phát triển.

Thứ nhất là giá RAT vẫn đang quá cao so với rau chưa được chứng nhận an toàn. Thứ hai, thị trường RAT đang thật, giả lẫn lộn khiến những DN làm ăn chân chính bị ảnh hướng rất nhiều từ những DN kinh doanh chộp giật.

Giải quyết vấn đề này, theo ông Lưu đầu tiên cần chuyên canh hóa vùng rau và cắt bớt khâu trung gian để hạ giá thành. Tiếp theo, phải minh bạch, công khai thông tin bằng việc quy định RAT phải truy xuất được nguốn gốc đến tận người SX.

Chỉ cần làm được 2 việc này, ông Lưu khẳng định tự khắc thị phần RAT sẽ được nâng lên theo từng ngày do giá bán xêm xêm so với rau thường ngoài chợ. Bên cạnh đó, những DN làm ăn giả rối cũng teo dần hoặc buộc phải làm tốt để cạnh tranh bởi bị truy xuất nguồn gốc.

Theo số liệu Chi cục BVTV Hà Nội cung cấp, trên địa bàn TP đã quy tụ được hàng chục DN tham gia SX, kinh doanh, phân phối RAT. Trong năm 2014, Chi cục BVTV Hà Nội cũng tiến hành cấp giấy phép mới cho hàng chục DN đăng ký SX, sơ chế, bán RAT cho thấy sức hấp dẫn từ lĩnh vực này không hề nhỏ.

Dù phía trước còn rất nhiều chông gai mà dân “ngoại đạo” nông nghiệp không bao giờ nghĩ sẽ gặp phải khi chưa bắt tay trực tiếp làm, nhưng các nhà quản lý và người tiêu dùng Thủ đô luôn hoanh nghênh, tuyên dương nhưng DN nào tham gia vào chuỗi RAT.

Bởi chỉ có DN mới đủ nhân lực, tài chính, tâm huyết và sự kiên trì để khuếch đại RAT lan tỏa tại Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.