| Hotline: 0983.970.780

Rau Điền Lộc

Thứ Sáu 04/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

Về các độn cát ở xã Điền Lộc (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế), màu cát trắng xóa, hoang hoải nay đã nhường cho những vựa “đất vàng” trồng rau xanh.

Về các độn cát ở xã Điền Lộc (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế), màu cát trắng xóa, hoang hoải nay đã nhường cho những vựa “đất vàng” trồng rau xanh. Cây rau trên trảng cát đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no, thu nhập ổn định cho nông dân xã nằm cuối hạ nguồn sông Ô Lâu này.

Rau xanh trên cát trắng

Là địa phương nằm cuối hạ nguồn sông Ô Lâu, từng dãy cát trắng đã trở thành ký ức không mấy đẹp đẽ của người dân Điền Lộc. Cát làm đất khô cằn, thiếu dinh dưỡng nên cây trồng trước đây không phải là thế mạnh của Điền Lộc. Khi những diện tích đất canh tác nằm ở những khoảnh ruộng thấp ngập nước vào mùa mưa, không trồng trọt được thì trảng cát ở các thôn Nhất Đông, Nhì Đông được người ta nghĩ tới như một nguồn thu nhập mới lúc nông nhàn.

Con đường bê tông vừa mới xây dựng dẫn ra vựa rau thôn Nhất Đông những ngày này tấp nập bà con nông dân gồng gánh, vận chuyển mang rau từ trảng cát ra bán. Gặp chúng tôi, ông Hồ Hợi, một nông dân tiên phong trồng rau trên cát ở thôn Nhất Đông, xã Điền Lộc cho biết: “Trước đây, trồng rau xanh các loại trên cát chưa ai nghĩ đến, vì nó là vùng đất hoang hóa, cát dày đặc thì trồng cây chi mà sống được. Nhưng ở đây lúa làm chỉ được 1 vụ, không trồng thêm rau trái thì lấy gì ăn. Loay hoay mãi, tui mới nghĩ ra được cây rau phù hợp với vùng đất này”.

Với ý nghĩ cây rau xanh là cây giúp thoát nghèo, ông Hợi là người đầu tiên ra trảng cát sau thôn Nhất Đông khai hoang gần 1 ha đất cát để trồng rau. Với 1 ha rau màu các loại như cải, xà lách, tần ô…mỗi năm ông Hợi thu được hơn 150 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, bằng việc đa dạng hóa các loại cây trồng, khai hoang mở rộng thêm diện tích, tăng trồng rau 2 vụ/năm, hiện tại ông Hợi nằm trong “tốp” những hộ dân thu nhập 300 triệu đồng/năm từ cây rau.


Trồng rau xanh ở Điền Lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ những người đầu tiên, đến nay toàn xã Điền Lộc đã có gần 40 ha của hơn 350 hộ dân tham gia trồng rau trên cát. Vào vụ thu hoạch, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 150-170 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong xã có 30% số hộ đạt tốp thu được 300 triệu đồng/năm. Ra tới vựa rau thôn Nhất Đông, Nhì Đông, từ ven đường, người gồng gánh, thương lái từ các nơi đổ về chờ chực mua tại chân ruộng.

Ông Lê Ngọc Nam- một hộ dân thôn Nhì Đông phấn khởi: “Vụ rau năm nay khá được giá, những ngày nắng ấm, đến vụ thu hoạch gia đình tôi kiếm được 200.00-300.000 đồng/ngày. Nhìn chung trồng nhờ cây rau mà bà con ở đây khá lên trông thấy”. Với 2 sào rau các loại, gia đình ông Nam thu được 8-10 triệu đồng/tháng. Nhờ thu nhập ổn định, ông đã xây dựng nhà cửa được khang trang, nuôi 4 người con năn học đầy đủ. Rau trên cát ở Lộc Điền đã có đầu ta tiêu thụ không chỉ ở các chợ trong tỉnh mà còn mở rộng ra ngoài tỉnh, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Hướng đến SX rau an toàn

"Để hướng tới SX bền vững, xã Điền Lộc đang thuê nhà tư vấn đo đạc để có hướng quy hoạch vùng trồng rau an toàn kết hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cát tại hai thôn Nhất Đông và Nhì Đông; đầu tư nguồn điện lưới kéo đến vùng rau màu trên cát, đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu giúp bà con nâng cao hiệu quả SX trên một đơn vị diện tích.

Hội Nông dân xã đã thành lập Câu lạc bộ trồng au xanh nhằm hoạt động chia sẻ kinh nghiệm cũng như nắm bắt TBKT, mở rộng thị trường...", ông Hoàng Trai.

Ông Hoàng Trai- Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết: “Do nhiều địa phương vốn là vùng đất thấp nên nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ngập trong mùa mưa, không SX được. Năm 2000, thấy nguyện vọng của bà con đang thiếu đất SX, địa phương đã chủ trương khai thác các độn cát ở thôn Nhất Đông, Nhì Đông. Trồng rau trên cát đã thực sự mở ra một hướng  mới, hiệu quả của địa phương.

Trong tương lai, xã sẽ quy hoạch vùng rau phát triển đến 60 ha. Việc phát triển vựa rau trên cát không chỉ góp phần tăng thu nhập của người dân mà còn tận dụng đất đai, cải tạo môi trường bởi xưa nay, vùng trảng cát vốn là vùng đất hoang hóa. Những chủ vựa rau lớn trên địa bàn có thể kể đến như các Hồ Hợi, Lê Thiền… Nhờ trồng rau, địa phương đã giải quyết được 70.000 lao đông nông thôn lúc nông nhàn”.

Ông Trai cho biết thêm, trong định hướng của xã Điền Lộc, vùng trồng rau sẽ được mở rộng diện tích mà trước mắt là sẽ quy hoạch vùng Bàu Ró nơi đã trồng 10 ha rau màu và sẽ trồng thêm 30 ha nữa trong thời gian tới. Vừa qua, xã tranh thủ nguồn vốn của huyện để đầu tư con đường bê tông dài 150 m, rộng 2,5 m trong năm 2011. Dự kiến, sẽ đầu tư thêm 600 m nữa dẫn ra tận các trảng cát để người dân thuận lợi trong việc chăm sóc, cũng như vận chuyển đi lại trong mùa thu hoạch.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.