Rau sạch tại trang trại. |
Về quê khởi nghiệp
Tốt nghiệp đại học, kỹ sư trẻ Lê Đình Quả (sinh năm 1981) được nhận vào làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, đóng tại Quy Nhơn (Bình Định). Anh bảo vệ luận văn thạc sĩ hạng ưu tại Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN). Anh Quả được dự án ACIAR Việt Nam cấp học bổng học tiến sĩ tại Úc. Nhưng anh từ chối, quyết định về quê vợ ở Bố Trạch (Quảng Bình) khởi nghiệp trồng rau hữu cơ.
Bán căn nhà ở Quy Nhơn được 600 triệu đồng, hai vợ chồng khăn gói về quê mua được gần 3 ha đất vùng đồi sâu trong thôn Kéc (xã Hòa Trạch, Bố Trạch). Những ngày đầu, muốn vào vùng đất đó thì phải tự vỡ hoang, làm đường. Giữa đời không cô quạnh, hai vợ chồng dựng một túp lều tạm rồi đội nắng, đội gió đổ mồ hôi xuống từng vạt đất.
Anh Quả tâm sự: “Tôi chọn khu đất này vì có hàm lượng khoáng trong đất cao, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, không có nguồn nước ô nhiễm, nước ngầm đạt tiêu chuẩn cao, đặc biệt không có hoạt động nhà máy nên yên tâm làm rau hữu cơ”.
Mở rộng hình rau sạch trong nhà màng. |
Chị Lê Thị Thanh Thủy (vợ anh Quả cũng là kỹ sư nông nghiệp công tác ở Viện) vẫn không thể quên những ngày gian nan vất vả ban đầu. Chị kể lại, hồi đầu về phải cải tạo đất, cỏ dại um tùm, cầm liềm cầm cuốc chai cả bàn tay. Nhiều lúc thấy mình khổ, chồng con khổ, chợt nghĩ hay là vợ chồng mình chọn sai. Có những bữa trưa nhìn cảnh hai vợ chồng ăn cơm nắm giữa đồi vắng tanh mà trào nước mắt. “Nhưng may mắn là vợ chồng đều động viên nhau phải phấn đấu bằng sức lực và kiến thức để đưa rau sạch đến người dân là thấy có thêm động lực”- chị Thủy nói thêm.
Số tiền bán nhà không đủ, hai vợ chồng phải vay mượn thêm từ bạn bè, họ hàng để đầu tư vào mô hình. Được vài tháng, sơ bộ tính toán vốn đã ngốn hết hơn tỷ đồng.
Xong khâu làm đất, anh Quả bắt tay trồng rau xanh. Ban đầu là các loại rau thông dụng như mồng tơi, rau khoai, rau muống, rau đay, rau cải, cải mầm… Lứa rau đầu tiên thu hoạch, hai vợ chồng chở trên chiếc xe máy cà tàng đưa ra các chợ trong khu vực. Nghe tin rau sạch, mọi người đón nhận hồ hởi. Hai vợ chồng mừng ứa nước mắt.
Mừng chưa được bao lâu, cơn bão của năm 2016 như tước hết thành quả lao động của đôi vợ chồng trẻ.
Vợ chồng anh Quả tại siêu thị rau sạch An Nông. |
Đến chuỗi khép kín
Không cam chịu, hai vợ chồng lại xắn tay vực lại từ đầu. Để tạo lòng tin vào sản phẩm cho người tiêu dùng, khu rau sạch không bón bất cứ loại phân hóa học nào, chỉ xới đất làm tơi, bỏ phân thảo dược hoặc phân chuồng hoai.
Nước tưới cho rau được phun bằng hệ thống ống dẫn thiết kế khoa học, tự động. Để có thương hiệu, hai vợ chồng đặt cho mô hình là Rau sạch An Nông. “An Nông nghĩa là nông nghiệp sạch, an toàn”- anh Quả lý giải.
Mục tiêu sắp tới của anh Quả là sẽ đưa rau sạch vào hệ thống bếp ăn của các bệnh viện. “Về lâu dài, sẽ đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gà, heo bản địa theo phương thức hữu cơ với mong muốn có thêm bữa ăn sạch cho người dân”- anh Quả cho biết thêm. |
Làm rau sạch đối diện với nhiều rủi ro, năng suất thấp hơn, chi phí thuốc trừ sâu thảo mộc, nhà lưới, bẫy sinh học cao hơn nhiều so với trồng rau thông thường. Nhưng bù lại, sản phẩm làm ra an toàn, đặc biệt là đối với con trẻ đang giai đoạn phát triển.
Từ thành quả này, cơ sở An Nông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Rau sạch hữu cơ của anh Quả đã có mặt tại 5 trường mầm non trên địa bàn huyện Bố Trạch. Hơn năm sau nữa, rau sạch An Nông đã có mặt tại ở nhiều cơ sở trường học tại thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận. Nhiều loại rau, dưa cao cấp cũng đã được đưa ra thị trường.
Đến bây giờ, sản phẩm rau sạch An Nông đã có mặt ở các siêu thị lớn trong tỉnh. Một siêu thị nằm tại trugng tâm thành phố Đồng Hới mang tên An Nông chuyên cung cấp rau sạch cho thị trường. Mỗi năm, An Nông cũng cấp cho thị trường trên 70 tấn rau sạch.
Học sinh đến vui chơi trải nghiệm tại trang trại. |