| Hotline: 0983.970.780

Rau VietGAP Quảng Thắng

Thứ Hai 14/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

Dưới cái rét như cắt da cắt thịt, trên cánh đồng rau xã Quảng Thắng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn rôm rả tiếng nói cười.

Dưới cái rét như cắt da cắt thịt, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 10 độ C, trên cánh đồng rau xã Quảng Thắng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn rôm rả tiếng nói cười. Không khí ở đây khẩn trương như muốn chạy đua với thời gian và tiết trời lạnh giá khắc nghiệt.

Đội rét ra đồng

9 giờ sáng. Trời lâm thâm mưa. Chúng tôi co ro theo chân ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ nhiệm HTXNN xã Quảng Thắng ra thăm mô hình rau an toàn. Trời rét là vậy song vẫn có hàng chục bà con hối hả thu hoạch rau.

Chị Trần Thị Hoa cầm mớ cải chíp mới nhổ trên tay, vẫn run run vì giá rét vui vẻ trò chuyện: Mặc dù trời rét nhưng chúng tôi rất phấn khởi bởi rau được giá, thậm chí lên giá từng ngày. Đặc biệt, những hộ tham gia dự án rau sạch lại càng phấn khởi. Bởi rau ở đây có “thương hiệu”, lâu nay đã được người tiêu dùng lựa chọn. Thời điểm bình thường, như “cái anh” cải chíp này giá khoảng 6.000 đ/kg. Hơn một tuần rét đậm rét hại, giá cải chíp đã tăng lên 10.000 đ/kg; cải ngồng từ 8.000 đ/kg lên 10.000 - 13.000 đ.


SX rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Thắng

Khác với tâm trạng chị Hoa, bà Nguyễn Thị Tâm đang chăm sóc ruộng rau mùi kế bên giọng buồn rầu: “Năm nào vào dịp tết, giá các loại rau thơm, gia vị cũng đắt. Bởi vậy, hơn 10 ngày trước, gia đình tôi bán vội lứa rau cải các loại, kịp gieo rau thơm bán vào tết. Lúc đó thời tiết ấm áp nên giá rau rất rẻ”. Rồi bà chép miệng, vẻ tiếc rẻ.

Các hộ trồng rau cho biết, trời rét nên rau phát triển chậm hơn. Ví dụ như cải cúc, nếu nhiệt độ trên 20 độ C chỉ khoảng hơn 1 tháng/lứa. Nhưng trời rét phải 40 - 50 ngày rau mới cho thu hoạch. Bởi vậy thị trường khan rau là tất yếu. Theo người trồng rau, cứ đà rét này thì càng gần Tết cổ truyền, rau càng khan hiếm và đắt đỏ. Theo tính toán, cứ 1 sào rau thu khoảng 9 - 10 triệu đ/lứa, trừ chi phí lãi khoảng hơn 4 triệu đ.

Rau VietGAP bán tự do

Được biết, trong tổng 13 ha rau của xã có 2,5 ha rau được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hỏi ông Châu về lợi ích khác biệt giữa rau SX bình thường và rau VietGAP, ông Châu cho biết: Được tài trợ vốn từ Chính phủ Canada, tháng 9/2010, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết thỏa thuận để thực hiện mô hình thí điểm áp dụng “Quy trình thực hành SX tốt cho ngành hàng rau, thịt lợn, thịt gà an toàn tại Thanh Hóa”.

Bước tiếp theo, HTX thực hiện bao tiêu sản phẩm rau cho bà con để cung cấp hàng cho các siêu thị, đầu mối trên địa bàn thành phố và tỉnh Thanh Hóa, đảm bảo quyền lợi cho người SX tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; trở thành địa chỉ cung cấp rau an toàn uy tín của tỉnh.

Theo đó, 2 mô hình trồng rau an toàn đã được hình thành, phát triển theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ. Trong đó, mô hình của HTXNN Quảng Thắng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Rau VietGAP Quảng Thắng được người tiêu dùng quanh vùng tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, do diện tích ít, sự phát triển của rau lại phụ thuộc vào thời tiết nên HTX chưa ký được hợp đồng cung cấp rau cho các siêu thị, đầu mối rau trên địa bàn thành phố như BigC Thanh Hóa, chợ Tây Thành, chợ Vườn Hoa... Hiện HTX mới chỉ cung cấp cho một vài trường tiểu học trên địa bàn. Như trường tiểu học Ba Đình, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 30 - 40 kg rau các loại.

Còn lại, đa phần các hộ vẫn phải bán tự do trên thị trường. Bởi vậy, mặc dù quy trình SX thực hiện nghiêm ngặt theo quy định, có tới 8 loại rau được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn (gồm xà lách, rau diếp, rau cải các loại, mùng tơi, rau mùi, rau thơm các loại, thì là, hành lá) nhưng giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Ông Châu cho biết kế hoạch để phát triển thương hiệu rau VietGAP Quảng Thắng. Trước mắt, HTX sẽ tập trung duy trì và mở rộng thêm diện tích rau VietGAP của xã. Cùng với đó, HTX chủ động liên hệ với các vùng trồng rau an toàn khác trong tỉnh như vùng trồng rau an toàn huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Nga Sơn… ký kết hợp đồng cung cấp rau sạch cho HTX Quảng Thắng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.