Là địa phương cung cấp các loại rau củ chủ yếu cho T.P Cao Bằng, nông dân phường Hòa Chung nhiều năm nay phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhờ cây rau màu. Đi khắp các tổ dân phố dọc với bờ sông Hiến, thay vì hình ảnh những ruộng rau xanh mướt là những ruộng rau đang chỉ là đất trồng và đang được người dân trồng mới.
Người trồng rau thường xuyên bán buôn cho các tiểu thương tại chợ Xanh và bán lẻ quanh khu vực thành phố. Năm nay giá cả các loại rau màu cao hơn 30% mọi năm, nhiều loại cao gấp đôi năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Tươi, người dân trồng rau ở tổ 3 (phường Hòa Chung) tâm sự: Với hơn 1.000 m2 đất chuyên trồng rau màu hiện nay, Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, hết mưa đá lại lạnh và mưa kéo dài nên rau màu thời điểm này phát triển chậm hơn và dễ bị hư hỏng. Ngoài ra, từ sau Tết Nguyên đán, các trường học rồi đến các nhà hàng, quán ăn nghỉ do dịch bệnh Covid-19 làm lượng khách hàng cũng giảm đi phân nửa.
Gắn bó với nghề trồng rau hơn 20 năm nay, bà Tô Thị Quyên, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng chưa bao giờ thấy khó khăn với nghề trồng rau như năm nay. Gia đình có hơn 5.000 m2 đất trồng các loại rau màu. Trước tết, mỗi ngày bà bán khoảng 200 mớ rau các loại, hơn 30 kg rau diếp cùng vài chục kg rau thơm các loại.
Bà Quyên tâm sự: Từ sau Tết đến nay, mỗi ngày chỉ bán được khoảng 50 mớ rau cùng 5 kg rau diếp. Như mỗi luống rau diếp hiện nay đang đến vụ thu hoạch mà bán cả chục ngày mới hết một luống thì các luống khác sẽ phải nhổ bỏ vì già và hỏng. Gia đình tôi nhiều năm nay thu nhập chính từ nghề trồng rau nên với tình hình kinh doanh như hiện nay thì tiền ăn học của các con gia đình tôi phải sử dụng số tiền tích góp từ trước đó.
Không chỉ ở TP Cao Bằng, tại những huyện có tiếng về trồng rau lâu đời như Hòa An, người dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Khuyên, xóm Thái Cường, thị trấn Nước Hai chia sẻ: Cả xóm có hơn 80 hộ dân thì 100% đều trồng rau và coi đây là thu nhập chính nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay vì dịch bệnh Covid-19, lượng khách hàng giảm đến 70 - 80%, rồi việc địa phương cấm họp chợ phiên nên nhiều ngày chợ có rau ở ruộng cũng không được mang vào chợ bán gây khó khăn cho người dân như chúng tôi.
Khảo sát tại chợ Xanh, chợ đầu mối buôn bán thực phẩm lớn nhất ở thành phố Cao Bằng thì các loại rau không được dồi dào như mọi năm và giá bán cũng cao hơn hẳn, như: rau muống, rau bí, rau ngót, rau dền, mùng tơi... giá trung bình từ 8 đến 10 nghìn đồng/mớ. Các loại củ, quả như dưa chuột, cà chua, khoai tây, mướp đắng… có giá từ 15 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg.
Chị Thoa, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau, củ tại chợ Xanh cho biết: Khách hàng chính của cửa hàng là các nhà hàng, quán ăn, trường học thì đang đóng cửa vì dịch bệnh. Người dân đi chợ cũng vắng vẻ hơn ngày thường nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hàng tháng vẫn phải đóng đủ loại tiền thuế phí, tiền thuê mặt bằng.
Nghề trồng rau thu nhập không quá cao nhưng lại khá ổn định, khoảng vài chục triệu mỗi năm cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay thì nhiều người trồng rau sẽ phải bỏ ruộng để tìm việc làm thêm...