Bà Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA 1) cho biết, RIA 1 và STP Group sẽ cùng phối hợp, hợp tác trong chuyển giao công nghệ nuôi biển, nuôi hồ chứa/hồ thủy điện và nuôi lồng trên sông.
Hợp tác liên danh, liên kết trong xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan tới vật liệu HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Hợp tác triển khai các thử nghiệm, dự án sử dụng hạ tầng HDPE phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Tổ chức hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực liên quan chuyển giao công nghệ nuôi biển, nuôi hồ chứa/hồ thủy điện, nuôi lồng trên sông. Hợp tác giới thiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ thông qua các triển lãm, hội thảo, phương tiện thông tin, ấn phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa RIA 1 và STP có ý nghĩa rất lớn, nhất là đối với STP Group vì RIA 1 là đơn vị nghiên cứu, tiên phong đưa hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản bằng lồng nhựa HDPE về Việt Nam và có 1 trung tâm nghiên cứu khoa học đặc biệt về vật liệu này. Trong khi đó, STP Group cũng là một tập đoàn tư nhân trong nước tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đưa sản phẩm hệ nổi nuôi trồng thủy sản vào tiêu chuẩn Việt Nam sắp tới.
"Hợp tác này sẽ giúp STP Group phối hợp với RIA 1 để đưa những thực tiễn hạ tầng ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng trước đây chưa ổn định, còn manh mún, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường giờ đây sẽ hướng tới sự bền vững hơn, bảo vệ được các vật nuôi trên biển, nâng cao giá trị sản phẩm hướng tới xuất khẩu", bà Bình chia sẻ thêm.
Được biết, trong hợp tác lần này, STP Group sẽ hỗ trợ 1 hệ thống lồng HDPE để RIA 1 thực hiện nhiệm vụ lưu giữ nguồn gen hải sản quốc gia. Bà Bình cho hay, việc hỗ trợ thiết kế lồng để bảo vệ hơn 2.000 giống thủy sản, trong đó có những giống rất hiếm ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí góp phần gìn giữ cho thế hệ mai sau.
“Chúng tôi mong muốn được chung tay, bởi Việt Nam hiện có những giống thủy sản đặc biệt trên thế giới nhưng chưa biết làm thế nào để bảo vệ và nhân giống. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không chỉ dừng lại ở việc hợp tác cải thiện, thiết kế lồng nuôi, mà còn phải tiếp tục cải tiến những hệ công nghiệp trong lồng nuôi để bảo vệ được những nguồn gen quý hiếm đó và làm sao để nhân giống và duy trì bền vững”, bà Bình nói thêm.