Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Nam Định, hiện tại lúa vụ xuân 2024 trên địa bàn tỉnh sinh trưởng và phát triển tốt. Đến ngày 14/5, hơn 42.000 ha đã trỗ bông (đạt 60% diện tích), dự kiến đến ngày 20/5 lúa cơ bản trỗ xong.
Dự báo, thời tiết nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho rầy phát sinh và gia tăng mật độ trong những ngày tới. Rầy lứa 3 (chủ yếu rầy nâu) sẽ nở rộ từ ngày 17-27/5, mật độ phổ biến 300-700 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2, cục bộ ổ > 1 vạn con/m2 (mật độ cao gấp 5-7 lần cùng lứa năm trước), lứa kéo dài, quy mô phân bố diện rộng trên khắp các trà lúa xuân.
Nếu không phát hiện, phun trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 và thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, sâu đục thân 2 chấm sẽ gây hại trà lúa trỗ sau ngày 20/5 (khoảng 5% diện tích). Bệnh đạo ôn cổ bông, đen lép hạt gây hại trên giống nhiễm khi lúa trỗ gặp mưa.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung phun trừ rầy và sâu bệnh cuối vụ xuân.
Cụ thể, đối với rầy nâu lứa 3, tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng để xác định và khoanh vùng những nơi, diện tích nhiễm rầy mật độ cao; chú ý kiểm tra ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy ở các vụ trước để phun trừ kịp thời, hiệu quả.
Tổ chức phun trừ rầy lứa 3 tập trung từ ngày 17-27/5 cho những diện tích có mật độ rầy ≥ 50 con/khóm (≥ 2.000 con/m2) khi rầy tuổi 1-3 (những diện tích lúa trỗ sớm có mật độ rầy cao, nở sớm phun đầu lịch; những diện tích lúa sạ trỗ muộn phun cuối lịch phòng trừ).
Sử dụng thuốc nội hấp không phải rẽ hàng có hoạt chất Nitenpyram; Nitenpyram + Pymetrozin (Titan 600WG, Dyman 500WP, Florid 700WP, Ramsuper 75WP, Palano 600WP, Vuachest 800WG…). Phun đúng, đủ liều lượng thuốc, đảm bảo 32 - 48 lít nước thuốc/sào. Sau phun thuốc 3 ngày cần kiểm tra lại, nếu mật độ rầy còn ≥ 50 con/khóm (≥ 2.000 con/m2) phải phun lại. Trường hợp lúa chín ≥ 80% mà có mật độ rầy cao nên gặt “chạy rầy”.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, phun trừ từ ngày 18-25/5 cho những diện tích lúa có mật độ sâu ≥ 20 con/m2. Sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC; 300WG, August 350WG, Obaone 95WG, Divine 180SC, Indogold 150SC...); hoạt chất khác (Incipio® 200SC, Solo 350SC, TT Glim 270SC…). Sau 5 ngày phun thuốc, kiểm tra lại và phun trừ kịp thời. Ngoài ra, phun trừ sâu đục thân 2 chấm trên trà lúa trỗ muộn sau ngày 20/5 nơi có mật độ ổ trứng ≥ 0,2 ổ/m2. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm, bệnh đen lép hạt khi lúa trỗ gặp mưa.
Đối với lúa cỏ, phát động nông dân cắt bỏ các bông lúa cỏ đem tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn lúa trỗ bông - ngậm sữa, tránh để hạt lúa cỏ rụng xuống đất, lây nhiễm cho vụ sau.