| Hotline: 0983.970.780

Rớt nước mắt cảnh sinh hoạt của học sinh miền biên viễn

Thứ Ba 11/04/2017 , 14:30 (GMT+7)

Gần 100% học sinh Tổng Cọt thuộc hộ nghèo, bữa ăn thường ngày chỉ có cơm, rau, họa hoằn thêm ít thịt mỡ. Nhiều học sinh đi học sớm không kịp ăn sáng, nhà nào có tiền thì cho 2.500đ để mua gói mì tôm...

Những bàn chân trần trên đá

Sương xuống, tiếng chim ngưng dần, rừng núi bịt bùng, đêm đen như lông quạ. Ở một góc đồn biên phòng Tổng Cọt (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) tôi thấy một cái bóng cao lớn bên mấy cái bóng nhỏ hơn đang quây quần bên ngọn đèn sáng rỡ. Nghe tiếng trẻ ê a học bài giữa đại ngàn hoang vắng ấm như được sưởi lửa.

Tuy mới về đồn được vài tháng nhưng trung úy Nguyễn Văn Thái thuộc từng tính nết của những đứa “con nuôi” bộ đội. Vương Văn Trần lớp 8 A trầm tính nhưng học hành thông minh nhất. Hoàng Văn Thơm lớp 8 A luôn lém lỉnh tươi cười. Vương Văn Bách học sinh lớp 6 thì giữ nguyên nét trẻ con.

16-30-45_dsc_7739
Trung úy Thái đang dạy học cho mấy đứa “con nuôi”

Lục Khu khô khát, đi nửa ngày mới tìm được chỗ lấy nước nên những chum nước mưa trở thành tài sản đáng giá nhất, phải dùng dè, dùng sẻn. Đồn trưởng đồn biên phòng Tổng Cọt kể với tôi rằng suốt từ tháng 11 của năm trước đến tháng 4 của năm sau lúc nào bên mình anh cũng kè kè chùm chìa khóa của 6 cái bể nước.

Hàng sáng đồn trưởng mở khóa bể để chia cho anh em mỗi người tiêu chuẩn 2 lít nước rửa mặt, đánh răng còn muốn tắm táp phải đi bộ sang tận xã Cô Mười của huyện bạn Trà Lĩnh. Nước hiếm đến nỗi tối còn không được đánh răng. Một thông lệ là các cơ quan đơn vị đến thăm đồn đều phải mua thức ăn chế biến sẵn vì không có nước để mà nấu nướng. Từ năm 2012 một đường ống từ mỏ chợ Tổng Cọt kéo về đồn đã giải tỏa đi phần nào cơn khát.

Miền biên viễn, các xóm nhỏ nghèo khô như đá núi. Bộ đội giúp dân làm đường, dạy dân biết phát triển kinh tế, biết dựng chuồng gia súc ra xa khỏi cái gầm sàn. Miền biên viễn, bộ đội cũng phải nếm mật nằm gai như ai.

Có cả những trường hợp cha mẹ muốn ép con tảo hôn với người Trung Quốc để mong con có một cuộc sống sung sướng hơn hay đơn giản chỉ mong một món tiền trang trải cho cuộc sống.

Bài thơ “Quạt mo tháng năm” của anh Nông Quốc Tác đã cảm tác trong một dịp như thế: “Mất điện đêm hè con nhận ra tháng năm/ Qua giấc mơ đầm đìa/ Hình chiếc quạt mo/ Dẻo dai tay mẹ/ Cha vẫy gió đêm hè/ Khét nồng đêm mùi mồ hôi rơm rạ/ Ngọn đèn dầu đỏ quạch mắt cha/ Tiếng quạt mo vỗ dọc miền ký ức/ Muỗi đói ve ve rình rập chỗ cha nằm/ Tháng năm đêm giông, sầm sập chớp/ Phe phẩy quạt xoa đỡ lưng con/ Sấm nổ mái nhà, bàn tay cha ngăn nỗi sợ…”.

Anh Dương Khánh Hòa, chính trị viên phó của đồn, bảo có những hôm đi tuần tra cả quãng đường dài hàng chục cây số không một cây bóng mát, chỉ toàn là bỏng rát của đá núi. Nóng ở trên trời dội xuống, nóng ở dưới đất hất lên khiến cho con đường đến trường của các em học sinh trở thành đầy ải.

Từ năm 2014 các anh em bàn nhau đón các em nhà nghèo, ở xa trường nhất đến sống ở đồn cho tiện việc đi học. Một cái phòng tươm tất của đồn được nhường lại, hai cái giường với chăn ấm, nệm êm đã sẵn sàng. Hòa cùng hai cán bộ đến nhà Trần đón em ra, dù đã được cả nhà lẫn chính học sinh đó nhất trí từ trước nhưng giây phút chia tay ông khóc, mẹ khóc, em khóc, Trần cũng khóc. Hòa nhẹ nhàng đến bên em lau khô nước mắt, vỗ về động viên.

Rớt nước mắt với cuộc sống cực khổ của học sinh miền biên viễn

Buổi đầu đến các anh cắt tóc rồi múc nước cho từng đứa tắm rửa. 5h sáng kẻng báo thức bộ đội dậy tập thể dục thì các em dậy gấp chăn màn, đánh răng để 6h ăn sáng, 6h30 xuống trường. 12h về ăn cơm, chiều tập thể thao, rảnh rỗi phụ các chú tưới hoa, tưới rau, tối ăn xong 7h học, 9h nghỉ.

Trước đây ở nhà ngày hai bữa cháo bẹ (cháo ngô), cái đói lượng cộng thêm đói chất thành đói triền miên. Giờ ở đồn ngày ba bữa cơm, quần áo lành lặn, ăn ngủ học tập đúng giờ nên phổng phao thấy rõ, má phinh phính như những trái đào, môi hồng hào tươi như hoa nở.

Bài tả về người thân yêu nhất của Thơm có đoạn: “Cháu đã ở với các chú bộ đội một thời gian khá lâu, cháu rất yêu thương các chú nhưng yêu quý nhất là chú Lực. Chú như người bố của cháu, luôn yêu cháu, mỗi khi cháu làm sai chú cũng không mắng. Chú nhắc nhở từng li từng tí một. Có cái bánh chú cũng chia cho cháu một nửa. Chú là người thân bên cháu mỗi khi cháu buồn”.

Bốn đứa trẻ từ ngày làm “con nuôi” của bộ đội (3 ở đồn, một ở ngoại trú) đều học tập tốt hơn hẳn. Khi tôi hỏi về ước mơ, các em đều đồng thanh bảo: “Sau này cháu thích làm bộ đội để giữ bình yên cho Tổ quốc”.

Một tháng bộ đội chỉ về nhà được 1 - 2 ngày nên tiếng cười với các anh rất hiếm. Từ khi có lũ trẻ các anh cũng bớt nhớ nhà, nhớ quê hơn. Sáng sáng chiều chiều ngoài sân, trong nhà tiếng cười cứ giòn tan, tròn to như những quả bóng. Để đến khi nghỉ hè là các anh nhớ, các anh mong. Nhà của Trần trên đường đi tuần tra các cột mốc 719, 720, 721, 722, 723 nên tiện lúc nào các anh cũng ghé.

Đám trẻ cũng bén hơi bộ đội lắm, mỗi khi có dịp theo mẹ đi chợ là chúng mang khi thì vài bắp ngô nếp, lúc một túi lạc rang cho các chú hay mỗi khi Tết lễ khi thì tấm bánh khảo, bánh chưng.

Anh Mã Nông Hóa viết trên tờ báo tường của đồn những dòng đầy cảm xúc như sau: “Các em gợi cho chúng tôi nhớ lại tuổi học trò, nhớ lại mùa thi và mùa phượng vĩ, mùa chia ly thủa thơ ấu và qua đó càng nghĩ thương cảm cho các em hơn”.

16-30-45_dsc_7721
Bữa ăn của các em ở đồn


Biên viễn ơi, sao mà xa xót?

Cô Dương Thị Thiên Lý - giáo viên THCS Tổng Cọt có hẳn một bản báo cáo sáng kiến “Một số biện pháp vận động học sinh bỏ học đi học trở lại” trong đó chỉ rõ những nguyên nhân. Thứ nhất là nhà nghèo, đông con, phải phụ giúp cha mẹ công việc nương rẫy. Thứ hai là điều kiện đường sá khó khăn, có nhiều em phải dậy từ 4h sáng, đi bộ từ nhà đến trường qua 12km đường đèo núi cao hiểm trở. Thứ ba là bởi suy nghĩ của phụ huynh học không sinh ra cơm ra gạo. Thứ tư là học sinh mồ côi nhiều (lớp 6A cô làm Chủ nhiệm có 7/26 học sinh là trẻ mồ côi…

Việc chống lại tình trạng bỏ học giống như một trận chiến mà người giáo viên phải nắm rõ được từng nguyên nhân để khắc chế. Cám cảnh lắm những buổi trưa hè nắng lửa những mầm non của đất nước phải đi bộ 12km đến trường. Cám cảnh lắm những sớm mai mưa dầm gió bấc, không có áo mưa, áo quần ướt nhẹp, các em cả buổi ngồi trong lớp mà môi lập cập run run.

Ở đây giáo viên còn thuộc cả màu quần áo của các em. Như Hùng cả tuần mặc mỗi cái áo phông, trên đó màu trắng đã ố vàng còn hàng kẻ ngang đã lờ nhờ gần như mất dấu. Như Huệ thường xuyên phải mặc áo rách, lắm buổi rét áo đứt hết cúc phải lấy khăn buộc lại.

Gần 100% học sinh Tổng Cọt thuộc hộ nghèo, bữa ăn thường ngày chỉ có cơm, rau, họa hoằn thêm ít thịt mỡ. Nhiều học sinh đi học sớm không kịp ăn sáng, nhà nào có tiền thì cho 2.500đ để mua gói mì tôm Vì Dân mà ăn sống, nhà nào không có đành chịu nhịn.

16-30-45_dsc_7679
Nhà ở giáo viên ở Tổng Cọt

Thỉnh thoảng lại có học sinh lả đi trong lớp vì đói khiến cho giáo viên phải tất tả chạy về phòng lấy mì tôm hay lục cơm nguội cho ăn. Em nào còn ngồi được thì chỉ một chốc là phục hồi, em nào không ngồi nổi thì về phòng giáo viên nằm nghỉ tiếp. Ngay buổi khai giảng năm học 2016, Trương Thị Lành học sinh lớp 6 đã lả đi vì đói như vậy.

Ở nơi biên ải vất vả nên con người sớm sinh bệnh, tuổi thọ rất thấp. Trong số 168 học sinh của trường Tổng Cọt thì có tới 26 học sinh là mồ côi. Đám trẻ vẫn vô tư nô đùa ngoài sân như một đàn gà con, nhưng mất cha mẹ rồi ai sẽ là người dang cánh che chở cho các em trước những nắng mưa của cuộc đời?

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Cần giải pháp giảm thiểu thiệt hại thiên tai kịp thời và phù hợp

ĐBSCL Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho rằng, cần có giải pháp kịp thời và phù hợp trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội yêu cầu giảm áp lực thi tốt nghiệp THPT năm 2025

TP. Hà Nội yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.