Khu nhà lán nơi cất giấu nhiều gỗ quý |
“Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ và tìm ra đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm minh. Các cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm”- ông Ngân nhấn mạnh.
Lán gỗ quý bên đường…
Trước đó, nhận được tin báo, Chi cục KL Quảng Bình chỉ đạo Hạt KL huyện Bố Trạch phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quảng Bình, Hạt KL VQG Phong Nha- Kẽ Bàng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra một nhà lán (thuộc bản Cóc- xã Thượng Trạch- Bố Trạch). Nhà lán này do ông Mai Văn D. (sinh năm 1970- quê xã Sơn Trạch, có hộ khẩu thường trú tại xã Thượng Trạch- huyện Bố Trạch) thuê lại làm nhà kho. Khi lực lượng liên ngành tiếp cận thì ông D. đã về quê nhà vì bị ốm. Qua vận động, ông D. đồng ý ủy quyền cho người thân là anh Trần Văn V. (ở xã Sơn Trạch) tự giác phá ván thưng quanh nhà để đoàn công tác kiểm tra.
2 phách gỗ lớn khác được phát hiện |
Anh Lê Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt KL Bố Trạch, cho biết: “Chiều tối ngày 26/2, anh em chúng tôi tiếp cận được nhà lán. Đến ngày hôm sau mới vận động được họ tháo dỡ. Khi tấm ván thưng được anh V cạy ra, anh em nhìn vào thấy rất nhiều hộp gỗ cất trong đó. Lực lượng liên ngành đã lập biên bản tạm giữ theo quy định của pháp luật”.
Qua kiểm tra, số gỗ cất giấu trong nhà lán có tổng cộng 42 lóng, hộp (tổng khối lượng 1,4 m3. Trong đó có 40 lóng, hộp gỗ mun (loại gỗ quý hiếm được xếp vào nhóm IA), với gần 1 m3. Một số hộp gỗ mun có bề mặt rộng gần 0,3m và dài trên 2m.
Theo nhiều người dân cho hay, từ các tiểu khu 649,650…về xuôi chỉ có duy nhất là con đường đọc đạo 20. Trên tuyến đường này có ít nhất 4 trạm kiểm soát lâm sản của cơ quan chức năng (trong đó có 2 trạm có gác chắn barie). Lực lượng chức năng có mặt ở trạm 24/24 giờ và kiểm tra, kiểm soát gắt gao các phương tiện qua lại. “Vậy 70m3 gỗ quý liệu có còn cất giấu ở trong rừng hay đã được vận chuyển về xuôi trót lọt”- ông Đinh Văn Đen (xã Thượng Trạch) thắc mắc như vậy. |
Điều đáng nói là nhà lán chứa gỗ này nằm bên đường giao thông và cách đồn biên phòng Cồn Roàng chưa đầy 2 cây số.
Hơn 60 cây gỗ quý chỉ còn gốc…
Trong CV ngày 4/3 của Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình về việc “khai thác gỗ trái phép tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng” cho biết lâm tặc đã cưa hạ gỗ mun trong vùng lõi VQG với khối lượng gỗ khoảng 70m3.
Theo đó, tại các tiểu khu 649 và 650 (thuộc xã Thượng Trạch) có 66 cây gỗ lớn bị cưa hạ và đã bị xẻ thành hộp. Tại hiện trường chỉ còn lại gốc, cành ngọn và bìa gỗ.
“Qua kiểm tra ban đầu, có 45 cây gỗ mun bị cắt hạ, 21 cây còn lại là gỗ táu, trâm, bài lài…”. Toàn bộ cây gỗ đều bị cắt hạ bằng cưa xăng, thời gian khai thác khoảng tháng 11 và 12 năm 2018”, anh Tuấn cho biết..
Những tấm bìa gỗ mun còn sót lại tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 650 |
Khu vực rừng bị khai thác trái phép chủ yếu nằm trong vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Khu vực này hiện đang được thi công tuyến đường ra biên giới. Nếu tính từ Đồn biên phòng Cồn Roàng (địa phận bản Cồn Roàng - xã Thượng Trạch), tuyến đường được mở đến cột mốc biên gới Việt –Lào 537 có khoảng cách gần 7 km. Đi hết tuyến đường, đi bộ khoảng hơn 2 giờ đồng hồ (khoảng 5 km theo địa hình) là đến tiểu khu 650. Ở đây đã phát hiện lâm tặc cưa hạ 7 cây gỗ lớn. Đi sâu vào khoảng một giờ đồng hồ là đến tiểu khu 649. Phần lớn, những cây gỗ quý bị cưa hạ tại tiểu khu này…
Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng thì vụ phá rừng nghiêm trọng này do một số đối tượng ở xã Sơn Trạch, Hưng Trạch (Bố Trạch) cấu kết với dân bản ở xã Thượng Trạch thực hiện.
Theo ông Phan Văn Tân - Hạt trưởng hạt KL huyện Bố Trạch, cơ quan này đã phát thông báo mời ông Mai Văn D. đến để làm rõ việc cất giấu số gỗ quý trái phép trong nhà lán. ‘Nếu ông D. có thái độ bất hợp tác thì chúng tôi sẽ có biện pháp nghiêm khắc”, ông Tân nói.