| Hotline: 0983.970.780

Rừng ngập mặn - lá chắn vững chãi cho đê biển

Thứ Tư 09/10/2024 , 04:10 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Gần 3.000 ha rừng ngập mặn ở Hải Phòng ngoài tạo kế sinh nhai cho người dân, còn phát huy tốt vai trò quan trọng trong phòng hộ đê biển và phòng chống thiên tai.

Các khu rừng ngập mặn ở Hải Phòng không chỉ là nơi mưu sinh của hàng vạn người dân ven biển mà còn là vành đai chắn sóng an toàn. Ảnh: Đinh Mười.

Các khu rừng ngập mặn ở Hải Phòng không chỉ là nơi mưu sinh của hàng vạn người dân ven biển mà còn là vành đai chắn sóng an toàn. Ảnh: Đinh Mười.

Thành phố Hải Phòng có chiều dài đê biển khoảng 125 km, có nhiều tiềm năng bãi triều và rừng ngập mặn, tập trung tại các quận, huyện như Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Ðồ Sơn, Dương Kinh và Hải An.

Những năm qua, gần 3.000 ha rừng ngập mặn tại Hải Phòng đã phát huy tốt vai trò quan trọng trong phòng hộ đê biển, chống xói mòn, cố định phù sa, mở rộng bãi bồi và làm tiền đề cho việc quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển. Đơn cử như trong cơn bão số 3 vừa qua, những cánh rừng ngập mặn bị quần thảo tan tác đã góp phần vào việc bảo vệ hệ thống đê biển, các khu nuôi trồng thủy sản và các khu dân cư.

Tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, địa phương này có tới 4km đê biển, bên trong là khu nuôi trồng thủy sản tập trung của hàng trăm hộ dân. Theo người dân địa phương, cách đây hơn 30 năm, khi rừng ngập mặn đang còn ít, manh mún, cả khu vực nuôi tôm hiện nay gần như để không, người dân không dám canh tác. Thậm chí có những năm bão lớn, nước dâng còn tràn đê, nước ngập lênh láng, người dân phải “chạy bão” như cơm bữa.

Cánh rừng ngập mặn ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh giúp bảo vệ tuyến đê biển trong siêu bão Yagi vừa qua. Ảnh: Đinh Mười.

Cánh rừng ngập mặn ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh giúp bảo vệ tuyến đê biển trong siêu bão Yagi vừa qua. Ảnh: Đinh Mười.

Bình thường khu rừng ngập mặn rất hiền hòa, là nơi tạo ra sinh kế cho bà con, nhiều người tranh thủ lúc thủy triều rút để bắt còng, bắt cua về bán. Khi có bão thì rừng cây lại trở thành lá chắn “thép” bảo vệ đê, đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hộ dân phía bên trong. Những ngày bão đổ bộ, nhờ có khu rừng ngập mặn rộng gần 120 ha mà toàn bộ tuyến đê được an toàn, sức gió bị phân tán trước khi đổ bộ vào khu dân cư và khu đầm nuôi tôm của người dân.

“Rừng ngập mặn đã phát huy rất tốt hiệu quả trong việc bảo vệ đê biển dài hơn 4 km và giúp ngăn chặn sóng biển tại phường Tân Thành suốt mấy chục năm qua”, ông Hoàng Đình Hới – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành chia sẻ.

Tại huyện Tiên Lãng, là người có hàng chục ha đầm ven biển ở xã Vinh Quang, từng quai đê lấn biển, đồng thời là người có thâm niên trồng rừng ngập mặn, ông Đoàn Văn Vươn nhớ như in những ngày còn chạy bão. Thời điểm đó, ông Vươn đang đi thu mua lúa để chăn nuôi vịt, cứ vào những ngày mưa gió khi qua chạy qua các xã ven đê là được chứng kiến cảnh đoàn người rồng rắn nối nhau chạy bão. Tình trạng này chỉ chấm dứt từ khi các khu rừng ngập mặn ở đây được trồng thành công và phát triển mạnh mẽ.

Khu vực chăn nuôi của gia đình ông Đoàn Văn Vươn được rừng ngập mặn che chắn. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực chăn nuôi của gia đình ông Đoàn Văn Vươn được rừng ngập mặn che chắn. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Vươn, nhận biết vai trò của rừng ngập mặn, việc trồng rừng cũng đã được quan tâm nhưng do sóng to, gió lớn nên việc trồng rừng ngập mặn ở xã Vinh Quang không đơn giản, các chuyên gia Nhật Bản đã nhiều phen trắng tay vì cứ trồng cây con là bị sóng đánh dạt hết.

Sau này, nhờ có kinh nghiệm sống gần biển nhiều năm, cùng với các tổ chức, các chuyên gia, ông Đoàn Văn Vươn cùng người dân nghĩ ra cách thả trôi hạt giống các loại cây ngập mặn để tự do dạt đi khắp nơi. Quá trình tự sinh tự diệt, nếu hạt nào trụ được và nảy mầm thì sẽ được chăm sóc và nhờ sự kiên trì, bền bỉ nhiều năm cây con cứ thế bén rễ, lớn dần rồi thành cả khu rừng ngập mặn như ngày hôm nay.

"Trước khi bão về, gia đình tôi đang có 2.000 con vịt biển đang thời kỳ xuất bán và 2 ha thả nuôi 34 vạn cá rô phi. Sau bão, nhìn cánh rừng ngập mặn bị quần tan tác cứ nghĩ là mất hết rồi nhưng cuối cùng thiệt hại không đáng kể, đàn vịt và mấy ao cá vẫn còn. Nếu như không có rừng ngập mặn thì hôm nay chắc đã trắng tay”, ông Vươn bộc bạch.

Có rừng ngập mặn che chắn, khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn vẫn an toàn dù nằm bên ngoài đê biển. Ảnh: Đinh Mười.

Có rừng ngập mặn che chắn, khu vực nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn vẫn an toàn dù nằm bên ngoài đê biển. Ảnh: Đinh Mười.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Hồng Nam – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Lãng cho biết, trên địa bàn huyện có 810 ha rừng ngập mặn, nằm tại các xã ven biển gồm Đông Hưng, Tây Hưng và Vinh Quang. Những năm qua, rừng ngập mặn đã phát huy tốt tác dụng chắn sóng cho hơn 20km đê biển. Đơn cử như cơn siêu bão số 3 vừa qua, các hộ dân xung quanh đê biển ở Tiên Lãng không bị thiệt hại nhiều, việc nuôi trồng thủy sản, đê điều đều đảm bảo an toàn.

“Các khu rừng lớn lên với tán lá rộng, đã giúp bảo vệ an toàn các tuyến đê biển, giảm kinh phí sửa chữa, tu bổ đê kè, đồng thời mang lại nguồn lợi thủy sản cho người dân địa phương”, ông Nam khẳng định.

Theo Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 2.700 ha, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đê biển, chống xói mòn, cố định phù sa, mở rộng bãi bồi. Cùng với đó, sẽ giúp bảo vệ đê biển, giảm chi phí sửa chữa, tu bổ đê kè và mang lại nguồn lợi thủy sản cho người dân địa phương nên thành phố Hải Phòng triển khai dự án khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ ven biển từ rất sớm.

Tính từ năm 1992 đến nay, dù có một phần diện tích rừng ngập mặn bị người dân tự phát chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc được chuyển đổi để phát triển công nghiệp nhưng diện tích rừng ngập mặn tại Hải Phòng vẫn tăng, từ gần 300 ha năm 1990 lên gần 3 nghìn ha.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất