| Hotline: 0983.970.780

Rủng rỉnh tiền nhờ tưới tự động cho vườn cây ăn quả

Thứ Tư 09/10/2024 , 08:30 (GMT+7)

Bắc Giang Lắp đặt hệ thống tưới tự động công nghệ Israel cho từng gốc cây và vận dụng thêm kinh nghiệm truyền thống, mỗi năm ông Trần Văn Minh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Vườn na của gia đình ông Trần Văn Minh tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang luôn xanh mướt, trĩu quả. Ảnh: Thanh Phương.

Vườn na của gia đình ông Trần Văn Minh tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang luôn xanh mướt, trĩu quả. Ảnh: Thanh Phương.

Nằm dọc triền đồi tại thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), vườn cây ăn quả của ông Trần Văn Minh lúc nào cũng xanh mướt, trĩu quả. Với hơn 1,5ha, ông Minh trồng na, ổi, kết hợp cùng bưởi và vú sữa.

Bén duyên với cây vải từ năm 1999, thế nhưng do năng suất không cao, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên khi nhận thấy cây na vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, ông Minh đã quyết định chuyển sang na và đã thành công.

Dù hiệu quả kinh tế của cây na mang lại khá cao, thế nhưng bước ngoặt thật sự đến khi ông quyết tâm đầu tư khoa học công nghệ cho toàn bộ khu vườn của mình. 

Ông Trần Văn Minh lắp đặt hệ thống tưới tự động công nghệ Israel cho từng cây. Ảnh: Thanh Phương.

Ông Trần Văn Minh lắp đặt hệ thống tưới tự động công nghệ Israel cho từng cây. Ảnh: Thanh Phương.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn na, ông Minh phấn khởi cho biết: “Toàn bộ khu vườn của tôi đã được đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới tự động công nghệ Israel cho từng gốc cây. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại, tôi có thể tưới cho cả vườn với liều lượng, thời gian chính xác. Tổng số tiền đầu tư là 200 triệu đồng, trong đó tôi được địa phương hỗ trợ một nửa”.

Hệ thống tưới được lắp đặt đến từng gốc cây, đảm bảo mỗi cây đều được tưới đều đặn mỗi ngày. Với hệ thống tưới phun sương, lượng nước và dinh dưỡng sẽ tiết kiệm một cách tối đa mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ trong chăm sóc cây trồng, ông Minh còn tự nghiên cứu, học hỏi để canh tác theo hướng hữu cơ. Loại phân ông Minh sử dụng là phân hữu cơ được chế biến từ cá rô phi ngâm cùng chế phẩm sinh học, sau đó cho vào máy để phun tự động đến tận gốc.

Biết vận dụng khoa học công nghệ nên chỉ với 1,5ha vườn cây ăn quả, ông Minh đã có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Ảnh: Thanh Phương.

Biết vận dụng khoa học công nghệ nên chỉ với 1,5ha vườn cây ăn quả, ông Minh đã có thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Ảnh: Thanh Phương.

Đến nay, các loại quả của ông Minh đã thu hút, gây dựng được thương hiệu trong lòng nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, nhiều thời điểm khan hiếm, các thương lái phải liên hệ đặt trước.

Với "bí quyết" này, các loại quả của gia đình ông Minh đều rất thơm ngon, rất ít bị sâu bệnh và có mẫu mã đẹp. “Từ khi có hệ thống tưới nước và bón phân tự động, việc trồng trọt trở nên vô cùng đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm được nhân công. Cùng với đó, nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm của tôi có bao nhiêu khách hàng mua bấy nhiêu”, ông Minh chia sẻ.

Với diện tích cây ăn quả hiện có, mỗi năm ông Minh thu được 5 tấn na và 15 tấn ổi. Nhờ rải vụ nên trong vườn cây cối hầu như đều có quả quanh năm. Sau khi trừ các khoảng chi phí, mỗi gốc ổi cho thu nhập 150.000 đồng và mỗi gốc na là 500.000 đồng/năm. Mỗi năm, ông Minh “đút túi” hàng trăm triệu đồng.

Được tưới nước có chứa phân hữu cơ nên qủa na tại vườn của gia đình ông Minh được đánh giá là ngọt thanh và thơm hơn. Ảnh: Thanh Phương.

Được tưới nước có chứa phân hữu cơ nên qủa na tại vườn của gia đình ông Minh được đánh giá là ngọt thanh và thơm hơn. Ảnh: Thanh Phương.

Ông Lê Đức Hạnh - Phó Chủ tịch xã Tân Hưng thông tin: “Với việc ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Minh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, là mô hình để người dân trong khu vực học hỏi và làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để người dân mạnh dạn đầu tư công nghệ trong hoạt động nông nghiệp”.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.