| Hotline: 0983.970.780

Làm vườn nhàn tênh từ những hệ thống tưới siêu tiết kiệm

Thứ Ba 28/06/2022 , 08:25 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Chỉ với chiếc smarphone, nhà vườn có thể 'sai khiến' hệ thống tưới hoạt động một cách phù hợp nhất. Hệ thống này còn có thể 'trông vườn', chống trộm cho chủ nhân của nó.

Khi smarphone tưới nước, trông vườn

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều nông dân Đồng Tháp đã mạnh dạn áp dụng công nghệ IoT - mạng lưới thiết bị kết nối Internet vào chăm sóc cây trồng, quản lý tưới tiêu nước để tiết giảm chi phí sản xuất.

Chỉ cần một cài đặt đơn giản trên điện thoại thông minh, dù ở bất cứ địa điểm nào, anh Trần Phú Vinh ở ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cũng có thể theo dõi và chăm sóc vườn sầu riêng, vú sữa Hoàng Kim rộng hơn 5.000 m2 của gia đình.

Hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0. Ảnh: Kim Anh.

Theo anh Vinh, kể từ khi anh lắp đặt hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0, trung bình mỗi ngày, hệ thống sẽ tự động thực hiện tưới vườn 2 lần khi đất khô. Với những ngày mưa, hệ thống tự động nhận biết độ ẩm tăng cao, sẽ cắt giảm số lần tưới.

Anh Vinh đánh giá, hệ thống này giúp nông dân đỡ cực hơn rất nhiều, đặc biệt là giảm trên 50% chi phí nhân công tưới vườn. Quy trình vận hành của hệ thống có 3 chế độ: Điều khiển bằng ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động; chế độ tự động nhận biết độ ẩm, nhiệt độ để tạo lệnh cho máy thực hiện tưới vườn và chế độ dùng tay bật nguồn điện.

Tại làng hoa kiểng Sa Đéc (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), nhiều chủ vườn cũng lựa chọn lắp đặt hệ thống tưới phun thẩm mỹ với bộ điều khiển “3in1” nằm trong bộ sáng chế thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0. Chỉ cần một lần nhấn nút, hệ thống béc phun sẽ tự động di chuyển lên phía trên thực hiện nhiệm vụ.

Hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 giúp việc tưới hoa kiểng ở Sa Đéc trở nên nhanh chóng hơn. Ảnh: Trọng Linh.

Hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 giúp việc tưới hoa kiểng ở Sa Đéc trở nên nhanh chóng hơn. Ảnh: Trọng Linh.

Một chủ vườn tại đây cho biết, thời gian trước, để hoàn thành công đoạn tưới cho 1.000 m2 hoa kiểng với hàng chục ngàn chậu hoa phải mất hơn 3 giờ để hoàn thành. Tuy nhiên từ khi lắp đặt hệ thống tưới thẩm mỹ, thời gian đã được rút ngắn còn chưa đầy 20 phút. Hơn nữa, hệ thống ống phun sẽ tự động ẩn vào đất sau khi hoàn thành chức năng phun tưới, nên tiết kiệm được nhiều không gian và tạo tính thẩm mỹ, thuận lợi cho canh tác trong vườn hoa.

Nhờ các cảm biến mà hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 có thể tự phân tích, đưa ra quyết định theo những lập trình được cài đặt sẵn. Qua đó, người sử dụng có thể dễ dàng quản lý, điều khiển và vận hành “robot siêu năng” này theo nhu cầu tưới tiêu thực tế của vườn nhà, thông qua điện thoại thông minh có kết nối mạng internet hoặc bộ điều khiển từ xa trong phạm vi 500m.

Tùy vào đặc tính riêng biệt và nhu cầu cấp nước tưới của từng loại cây trồng, hệ thống đã được cài đặt sẵn các chế độ tưới phun sương, chọn líp tưới, vô hiệu hóa các líp không cần tưới... Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể phân tích được các yếu tố môi trường giúp đưa ra quyết định tưới một cách chính xác. Chủ vườn sẽ chủ động hơn trong việc chăm sóc vườn cây của mình ngay cả khi không có mặt tại vườn.

Công đoạn tưới nước cho cây trồng được thực hiện tự động bởi ứng dụng được cài đặt sẵn trên điện thoại di động. Ảnh: Kim Anh.

Công đoạn tưới nước cho cây trồng được thực hiện tự động bởi ứng dụng được cài đặt sẵn trên điện thoại di động. Ảnh: Kim Anh.

Chưa dừng lại ở đó, hệ thống còn có nhiều tính năng nổi trội như: Đo độ ẩm trong đất, cảnh báo thiết bị hư hỏng; cảnh báo mực nước dưới ao, sông khi xuống thấp; chống ngập úng cây trồng; cảnh báo động cơ sắp hư hỏng, rò rỉ điện; thậm chí có cả chế độ chống trộm thông qua bật còi, đèn thông báo sự việc đến chủ vườn.

Được tích hợp và nâng cấp từ những mô hình tưới tiết kiệm hiện có trên thị trường, với hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0, bà con nông dân không cần can thiệp quá nhiều vào khâu tưới tiêu. Đồng thời, hệ thống có thể khắc phục sự cố thường gặp khi máy bơm bị hụt nướ, thiết bị sẽ bơm cấp nước dự phòng để giúp hệ thống tưới duy trì hoạt động.

"Kỹ sư IT miệt vườn" và 5 máy tưới tiết kiệm thông minh

Chủ nhân của hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 là anh Ngô Hùng Thắng, một kỹ sư miệt vườn không chuyên ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), "tay ngang" đến với nghề sáng tạo khoa học.

Theo anh Thắng, tưới nước đóng vai trò quan trọng trong trồng trọt và tốn khá nhiều thời gian, công sức của bà con nông dân. Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị tưới tự động nhưng chưa có mô hình tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả toàn diện. Xuất phát từ niềm trăn trở này, anh đã dành hơn 5 năm mày mò, học hỏi từ mạng xã hội, đi thực tế tìm hiểu các mô hình mà nông dân đã áp dụng và bắt đầu thử nghiệm viết lập trình.

Anh Ngô Hùng Thắng, chủ nhân của sáng chế độc quyền hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh. Ảnh: Kim Anh.

Anh Ngô Hùng Thắng, chủ nhân của sáng chế độc quyền hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh. Ảnh: Kim Anh.

Theo chủ nhân của sáng chế này, hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 là hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại nhất, có nhiều ưu thế nổi trội so với nhiều sản phẩm tưới tự động hiện có trên thị trường. “Khi mưa, hệ thống sẽ dừng chế độ tưới tự động và tự động bơm nước ra nếu mưa ngập tràn vườn. Điều này sẽ góp phần giảm được lượng điện và nước hao phí”, anh Thắng phân tích.

Lý giải về nguyên lý hoạt động của béc phun thẩm mỹ, anh Thắng cho biết không có bất kỳ sự trợ lực nào cho béc phun hoạt động. "Chỉ đơn giản là vật liệu ống phun bằng nhựa tính chất nhẹ, nhờ vào áp lực của máy bơm sẽ đẩy nước lên cao, kéo theo béc phun di chuyển. Sau khi xong nhiệm vụ, máy bơm tắt, áp lực nước giảm, béc phun sẽ quay lại vị trí cũ”, anh Thắng cho hay.

Hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh là sản phẩm đầu tay anh Thắng ra mắt, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền vào năm 2020. Sáng tạo không bao giờ có giới hạn, từ thành công bước đầu này, hiện anh Thắng đang nắm giữ trong tay 5 sản phẩm giúp tối ưu hóa việc tưới tiêu nước cho vườn cây ăn trái, bao gồm: Máy tưới vườn, máy tưới hoa lan, máy tưới rau cải xoan, trạm bơm tự động và máy điều khiển “3in1”. Điểm chung của các loại máy này đều kiêm nhiệm nhiều tính năng, cách lắp đặt và vận hành đơn giản, có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất nông nghiệp của người dân.

“Tất cả thông số đều báo qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động và lưu lại nhật ký hoạt động. Máy hoạt động theo chế độ cảm biến và tự dừng theo thời gian chủ vườn cài đặt. Nếu chưa hết thời gian cài đặt mà máy nhận biết được lượng nước trong đất đã đủ, máy cũng sẽ tự động dừng. Tránh trường hợp máy bơm chạy lãng phí nước, điện”, anh Thắng cho biết thêm.

Vườn nho đang trồng thử nghiệm, phục vụ việc nghiên cứu cho ra đời sáng chế mới. Ảnh: Trọng Linh.

Vườn nho đang trồng thử nghiệm, phục vụ việc nghiên cứu cho ra đời sáng chế mới. Ảnh: Trọng Linh.

Đối với máy tưới hoa lan, có một quy trình nhất định và máy sẽ tự động tưới theo đúng lịch trình của cây lan. Với cây cải xoan, cần lượng nước tưới rất nhiều, thông thường nhà vườn phải thực hiện tưới từ 7 - 8 lần/ngày. Máy tưới tự động dành riêng cho cây cải xoan sẽ thay thế hoàn toàn nhà vườn thực hiện công đoạn này, vừa đảm bảo cải được cung cấp đủ nước cho sự phát triển, vừa tiết giảm công sức, thời gian lao động cho nhà vườn. Hệ thống này đang được một số nhà vườn ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp áp dụng hiệu quả, với độ chính xác cao.

Hiện nay, anh Thắng đang thử nghiệm tích hợp tất cả các tính năng của 3 loại máy tưới vườn, tưới hoa lan và máy tưới rau cải xoan để cho ra đời một loại máy tối ưu hơn phục vụ cho mô hình trồng nho.

Một trang trại trồng nho 20 ngày tuổi, quy mô 500m2 với 5 loại nho khác nhau trồng xen với nhau đã được anh Thắng lập nên, với mục tiêu vừa lựa chọn ra được giống nho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết ở vùng đất sen hồng, vừa phục vụ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm mô hình tưới tự động mới của anh Thắng.

Anh Ngô Hùng Thắng là một trong những nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Đồng thời được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, năm 2008 – 2021.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm