| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lưu dấu kiểm lâm: [Bài cuối] Nhân lên những khát vọng yêu rừng!

Thứ Hai 10/06/2024 , 08:00 (GMT+7)

Dưới những thân cây cháy đen nhẹm, trơ trụi, hàng vạn, hàng triệu mầm xanh lại đua nhau trỗi dậy mỡ màng. Sự sống đang dần hồi sinh nơi núi rừng Tây Côn Lĩnh.

Cuộc chiến giữ rừng và phòng chống cháy rừng luôn cam go, vất vả và tiểm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh. Kiên Trung.

Cuộc chiến giữ rừng và phòng chống cháy rừng luôn cam go, vất vả và tiểm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh. Kiên Trung.

Cuộc chiến với giặc lửa giữ rừng

Nếu không có vụ việc cháy rừng thảm khốc ở Hà Giang, có lẽ nhiều người chưa thể hiểu hết những khó khăn, vất vả của anh em kiểm lâm vùng cao. Câu nói đi bộ gần một ngày đường mới đến rừng già đâu chỉ giản đơn ngắn gọn trong vài chữ.

"Nếu chỉ nghe thôi sẽ không thể nào tưởng tượng nổi sự nhọc nhằn đến nhường nào. Nó cũng không phải là một cuộc đi bộ thông thường, mà là cuộc băng rừng, vượt suối, phải len mình qua những vách núi cheo leo, giẫm lên những hốc đá tai mèo sắc như gai nhọn mà đi làm nhiệm vụ", Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang Đào Duy Tuấn bộc bạch.

Nghe nói đoàn chúng tôi sẽ làm chương trình tọa đàm về cuộc chiến giữ rừng đầy mồ hôi, máu và nước mắt, thậm chí là cả sinh mạng con người, anh Đào Duy Tuấn rất xúc động. Anh đã trực tiếp đi mời gọi các khách mời để ngày mai họ sẽ có mặt đúng giờ tại địa điểm ghi hình.

Ngay từ sáng sớm, đoàn chúng tôi đến địa điểm ghi hình, anh Hoàng Đình Lim, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lùng Giang B, thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh đã chờ sẵn ở đó, quần áo đồng phục chỉnh tề. Đôi mắt vẫn đượm buồn. Lim là một trong số khoảng 100 cán bộ kiểm lâm tham gia cứu cháy rừng hôm 26/4.

Tọa đàm 'Cuộc chiến với giặc lửa giữ rừng' do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện tại Hà Giang.

Tọa đàm "Cuộc chiến với giặc lửa giữ rừng" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện tại Hà Giang.

Vì tận mắt chứng kiến những khốc liệt nhất của cuộc chiến giữ rừng nên Lim rất xúc động. Lim bảo, nhìn cánh rừng ngùn ngụt cháy nhiều người đã bất lực và bật khóc. Nhưng khi tìm thấy thi thể hai người đồng đội dưới đám tro tàn vẫn còn hơi ấm, anh đã gào lên trong vô vọng. Chỉ chừng đó thôi đã quá đủ cho một đời người nhớ mãi. Chưa khi nào anh thấy yêu rừng, yêu nghề kiểm lâm và tự hào đến thế.

Những cánh rừng bao năm qua anh và đồng đội đã nỗ lực bảo vệ. Rừng gói lại những kỷ niệm về tình đồng đội bám vào nhau mà tâm tình, thủ thỉ để mong nỗi nhớ nhà mau qua trong những đêm dài dằng dặc. Rừng đã in dấu bao bước chân thoăn thoắt vượt thác, xuống ghềnh, vượt vách đá cheo leo… Và hôm nay rừng lại in sâu đậm trong tâm trí anh khi cánh rừng ấy đã mãi mãi giữ lại hai người đồng đội của anh. Lim bộc bạch, với bằng ấy những kỷ niệm, những mất mát hy sinh, làm sao có thể không yêu rừng được, không tự hào về nghề của mình. Điều đó chẳng phải có lỗi với những đồng đội lắm sao?

Trả lời câu hỏi: Rừng Hà Giang mênh mông bất tận, nhưng công cuộc giữ rừng cũng đầy gian nan. Vậy làm sao để giữ rừng hiệu quả? Hoàng Đình Lim đáp: Vẫn phải từ người dân bản địa. Cháy rừng phải có lửa, lửa cũng từ những người đi làm nương, đi rừng bắt ong, bẫy thú… và cả tâm tặc. Nhưng ngoài ý thức hiểu biết về pháp luật thì người dân bản địa phải đủ ăn đủ mặc đã. Bởi rừng thì giầu mà dân còn nghèo thì cuộc chiến giữ rừng vẫn còn nhiều gian truân, vất vả.

Còn Bí thư Chi bộ thôn Mào Phìn, Bàn Văn Giầu- nhân vật tham gia chương trình tọa đàm của chúng tôi. Ông cũng là người được nhận giao khoán bảo vệ rừng, lại trực tiếp tham gia chữa cháy rừng, được chứng kiến sự khốc liệt của "giặc lửa" và hậu quả ghê gớm của nó để lại. Khi được hỏi về trách nhiệm như thế nào trong công cuộc giữ rừng và làm sao để tuyên truyền hiệu quả đến người dân địa phương cùng chung tay giữ rừng?

Ông Giầu chậm rãi kể lại với vẻ mặt đượm buồn: Hôm ấy khoảng lúc 2 giờ sáng, ngay sau khi ông nhận được thông tin cháy rừng, cả thôn đã huy động được hơn 30 người tay dao, tay cuốc lên núi cứu rừng. Mặc dù cả đoàn vừa đi vừa chạy nhưng cũng chẳng thể cứu rừng ngay được, bởi khi đến nơi đám cháy đã lan rộng, việc cứu rừng mỗi lúc càng thêm khó khăn.

Một cây sa mộc nhỏ bé mới mọc trên vùng núi bị cháy thảm khốc ở Tây Côn Lĩnh. 

Một cây sa mộc nhỏ bé mới mọc trên vùng núi bị cháy thảm khốc ở Tây Côn Lĩnh. 

Thế là từ sáng sớm đến tối mịt hôm 26/4, rừng vẫn cháy âm ỉ, trong khi lực lượng cứu chữa thì lại thiếu đủ thứ, thậm chí ngay cả những đồ thiết yếu như nước uống, đồ ăn… Những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh nhất thôn đều đã được huy động đi cứu rừng, những người phụ nữ thậm chí cũng bỏ cả con nhỏ ở nhà nhờ người già trông hộ mà hăng hái nhận nhiệm vụ. Những gánh cơm, thùng mỳ tôm, bình nước đã theo lưng họ mà vượt bao nhiêu con dốc tiếp tế cho đoàn người cứu rừng lên tới cả ngàn người. Nhà nào có gạo mang gạo, có ngô mang ngô, không thì gùi mì tôm, gùi nước lên tiếp tế cho đoàn… Tất cả vì công cuộc cứu rừng.

Người vùng cao nghèo, nhưng rất thân tình và gần gũi. Người miền núi phía tây của Hà Giang cũng vậy. Nhìn cái cách họ bất chấp khó khăn tay dao, tay cuốc lao về phía cánh rừng già đang rực lửa trên núi Tây Côn Lĩnh để cứu rừng là hiểu họ yêu rừng, yêu màu xanh đến nhường nào.

Tình yêu rừng còn mãi

Từ thành phố Hà Giang, xuôi theo quốc lộ 2C đoàn chúng tôi tìm về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nơi hai cán bộ kiểm lâm vừa hy sinh nằm lại đó. Trên ngọn đồi hùng vỹ ấy, những ngôi mộ của các liệt sỹ có tên và chưa có tên, họ là những nông dân, tri thức... từ các miền quê lên cao nguyên Hà Giang theo tiếng gọi của Tổ quốc và anh dũng hy sinh vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Anh Khiên, chị Lan cũng nằm ở đó, dù anh chị hy sinh trong thời bình, nhưng sự hy sinh ấy cũng thật kiên cường!

Bên đồi nghĩa trang lộng gió, cơn mưa phùn đầu giờ sáng đã tạnh từ lúc nào, ánh nắng cao nguyên hé lộ. Cả đoàn chúng tôi cùng thắp hương cho anh Khiên, chị Lan và những liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Chi cục trưởng Đào Duy Tuấn bảo, cả nghĩa trang có gần 2.000 ngôi mộ thì chỉ có mình chị Lan là nữ. Và cũng chỉ có 3 ngôi mộ, gồm anh Khiên, chị Lan và một đồng chí công an là những người đã anh dũng hy sinh trong thời bình. Chúng tôi đã nghe thấy niềm tự hào trong giọng của anh.

Các em học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên đến thắp hương bên phần mộ của hai kiểm lâm viên. Ảnh: Quang Linh.

Các em học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên đến thắp hương bên phần mộ của hai kiểm lâm viên. Ảnh: Quang Linh.

Đang mải mê với câu chuyện cùng anh em kiểm lâm địa phương, một đoàn người gồm giáo viên và học sinh tiến lại gần phía chúng tôi. Bắt chuyện với thầy giáo Lý Ngọc Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên được biết, hôm nay nhà trường đưa các em học sinh từ làng quê nhỏ bé nơi hẻm núi Tây Côn Lĩnh vừa xảy ra vụ cháy rừng kinh hoàng về đây để dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ và đến thắp nén hương cho hai cán bộ kiểm lâm mới ngã xuống vì màu xanh của quê hương Xín Chải.

Thầy giáo Lý Ngọc Hùng mang sự chân tình của mình và cả tâm hồn trong trẻo của các em đến đây để dâng hương. Để những em bé sinh ra từ rừng, lớn lên từ rừng biết nuôi dưỡng nhân cách đẹp đẽ nhất từ những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương đáng kính.

Sự kiện hai kiểm lâm viên hy sinh, đâu chỉ có người Hà Giang hướng về Hà Giang mà ngành kiểm lâm cả nước cũng nhớ về Hà Giang, hướng về mảnh đất biên cương đầy đá núi để thăm hỏi, động viên, để nhân lên niềm tự hào và khát vọng yêu rừng.

Trong câu chuyện với chúng tôi về chuyện giữ rừng, anh Tuấn liên tục kể về thông tin từng đoàn cán bộ kiểm lâm ở Quảng Bình, Quảng Trị, thành phố Hồ Chí Mình… đã có những nghĩa cử đẹp để tri ân cũng như chia buồn với hai gia đình kiểm lâm viên xấu số.

Dưới một gốc cây bị cháy chụi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, chồi non đã mọc lên. Ảnh: Đào Thanh.

Dưới một gốc cây bị cháy chụi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, chồi non đã mọc lên. Ảnh: Đào Thanh.

 Anh bảo, lúc hoạn nạn mới biết anh em ngành kiểm lâm tuy đời sống còn gian khó nhưng tinh thần đồng cảm rất cao. Tấm gương hy sinh của anh Khiên và chị Lan sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, khiến anh em trong ngành ai ai cũng tự hào. Chính những sự yêu thương, đùm bọc dung dị ấy đã như những mạch nguồn tiếp thêm sức mạnh để anh em kiểm lâm có thêm động lực yêu nghề và quyết tâm trong công cuộc bảo vệ rừng.

Hôm nay, trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh- nơi hàng chục ha cây rừng bị cháy trụi, đã có hàng triệu những chồi non đã bật đất đá mọc lên. Sự sống mới đã trỗi dậy và nó được đánh đổi bằng mồ hôi, máu, nước mắt… và cả sinh mạng của con người. Tiếng gió thổi từ bên kia đỉnh núi vọng về, ngân vang trên nền trời biên cương trong xanh ngằn ngặt!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất