Những năm gần đây các tỉnh thành ở ĐBSCL đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng Công nghệ sinh thái (CNST) "Ruộng lúa bờ hoa" cho nông dân trong sản xuất lúa, rau màu đều cho kết quả tốt, tăng lợi nhuận cao hơn so với canh tác theo truyền thống. Mô hình này đáp ứng được các vấn đề nêu trên trong bối cảnh canh tác lúa hiện nay đầy thách thức do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Công nghệ sinh thái là mô hình quản lý tốt các đối tượng sâu rầy bằng cách trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch có lợi. Qua đó, giảm số lần phun thuốc trừ sâu, rầy làm tăng lợi nhuận cho nông dân.
Hơn chục năm qua, An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL luôn mạnh mẽ duy trì và tổ chức các mô hình thường xuyên CNST được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Chính vì vậy diện tích sản xuất lúa, rau màu được áp dụng theo CNST ngày càng tăng thêm. Tính đến nay An Giang đã thực hiện gần 390 mô hình, với gần 4.000 lượt nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 3.212ha.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, cho biết: CNST là phương thức sản xuất nông nghiệp an toàn thân thiện với môi trường, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả. Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp An Giang đã phát động nông dân trong tỉnh ứng dụng mô hình CNST trên cơ sở áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, trồng thêm cây có hoa trên bờ để dẫn dụ thiên địch góp phần hạn chế dịch hại. Từ đó vừa giảm chi phí phun thuốc BVTV, vừa làm đẹp cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy chương trình CNST đã thu hút nhiều cá nhân, tập thể áp dụng làm theo đã đem lại kết quả tốt và được Bộ NN-PTNT đánh giá cao.
Nói về hiệu quả ứng dụng CNST, ông Hiền khẳng định: CNST sẽ thu hút thiên địch để diệt trừ sâu hại giúp giảm mật độ rầy nâu và sâu cuốn lá. Chủng loại hoa được chọn ở các mô hình khá đa dạng và phong phú như sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, cúc tím, móng tay, màu gà, sục sạc, trâm ổi, xuyến chi, dừa cạn, vòi voi, mười giờ, vạn thọ…Trong đó, loại hoa chủ yếu các mô hình lựa chọn là sao nhái, hướng dương, mười giờ và cúc vì dễ trồng và sức sống tốt. Ngoài ra, các mô hình còn chọn các loại cây tăng thu nhập như mè, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh, đậu cove…
Nông dân tham gia CNST đều có ý thức áp dụng các quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” đã giúp giảm mật độ gieo sạ lúa từ 180-200kg/ha nay giảm còn 90-120kg/ha và đặc biệt còn giảm lượng sử dụng phân bón, thuốc BVTV rất đáng kể.
Qua đánh giá các vụ lúa nông dân tham gia mô hình CNST đã giúp sản xuất giảm được lần phun thuốc trừ sâu rầy ít nhất từ 2-3 lần/vụ. Riêng trong vụ lúa thu đông 2021, toàn tỉnh An Giang thực hiện được 25 mô hình CNST (bình phân mỗi mô hình được thực hiện từ 15-18ha/mô hình) tại 11 huyện, thị và thành phố trong tỉnh. Tổng chi phí sản xuất trung bình khoảng 21-22 triệu đồng/ha, thấp hơn bên ngoài khoảng 3,8 triệu đồng/ha và lợi nhuận cao hơn bình quân từ 4 - 4,3 triệu đồng/ha.
Điển hình tại huyện Châu Phú – An Giang vụ lúa thu đông 2021 toàn huyện triển khai 3 mô hình CNST có tổng diện tích 45ha với hàng chục nông dân hồ hởi tham gia nhiệt tình vào phương thức sản xuất lúa theo CNST mong đón nhận năng suất cao, tăng lợi nhuận.
Ông Lương Hoàng Tuấn, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: Thay vì các năm trước nông dân canh tác lúa thường phải can thiệp phun xịt sâu rầy khá nhiều lần trên vụ lúa, tức là làm tăng chi phí trong canh tác. Và chưa kể kéo theo tăng các thứ khác như giống, phân bón, công lao động…nhưng năng suất lúa cuối vụ không cao, nông dân lãi thấp.
Khi nông dân áp dụng CNST được trong canh tác lúa và hoa màu được xem là phương thức sản xuất nông nghiệp an toàn thân thiện với môi trường. Trong quá trình thực hiện mô hình nhiều cá nhân, tập thể áp dụng CNST trong sản xuất lúa, rau màu đều cho kết quả tốt, tăng lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với canh tác theo truyền thống. Cũng theo ông Tuấn, sản xuất nông nghiệp CNST được xem là hướng đi sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững để cho ra nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Văn Thảo, sản xuất 2ha lúa thu đông năm nay ở ấp Bình Châu, xã Bình Long, huyện Châu Phú phấn khởi chia sẻ: Vụ lúa thu đông năm nay được xem là vụ đầu tiên anh tham gia vào mô hình sản xuất lúa theo CNST được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí trồng các loại hoa dọc theo xung quanh bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch có lợi. Từ đó giúp giảm 3-4 lần phun thuốc BVTV và giảm được 10-15kg phân bón. Bên cạnh đó anh còn áp dụng các quy trình kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” đã giúp giảm mật độ gieo sạ lúa từ 180-200kg/ha nay giảm còn 90-110kg/ha.
“Thay vì tôi sản xuất lúa bình thường trước đây bình phân mỗi vụ phải tốn từ 7-8 cử phun thuốc BVTV, chưa kể năm nào có dịch bệnh nhiều phải phun tăng lên 10-11 cử thuốc BVTV. Vụ này nhờ áp dụng CNST ruộng lúa đã giảm phân thuốc BVTV gần phân nửa nhưng hiện nay trà lúa ở giai đoạn trổ nhưng cây vẫn xanh tốt, ít đổ ngã. Dự kiến đầu tháng 12 tới sẽ thu hoạch, ước năng suất khoảng 6-7 tấn/ha”, anh Thảo nói.
Ngoài việc canh tác lúa ra, anh còn trồng thêm các loại đậu bắp, đậu cove và bông điên điển…vừa có tác dụng dẫn dụ thiên địch có lợi và còn có thu nhập hàng ngày từ 150 - 200 ngàn đồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Còn tại vùng Đất Sen hồng tỉnh Đồng Tháp, lại áp dụng mô hình canh tác lúa khá độc đáo hơn. Thay vì chỉ sản xuất 2 vụ lúa như truyền thống thì thời gian gần đây một số nông dân trồng lúa lại kết hợp chăn nuôi vịt và thả cá đồng trên ruộng lúa và nói không với thuốc BVTV để tăng hiệu quả kinh tế.
Dẫn chúng tôi đi xem mô hình canh tác lúa, cá và vịt rộng hơn 1,5ha vừa mới đầu tư năm 2019, anh Nguyễn Văn Vương, chủ ruộng ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hồ hởi nói: Điểm khác biệt trong mô hình này là lúa được xạ hàng và áp dụng theo quy trình “1 phải 5 giảm” do ngành nông nghiệp hướng dẫn.
Ngoài áp dụng kỹ thuật sạ hàng để giảm lượng giống gieo xạ trong mô hình này nông dân hầu như không được sử dụng thuốc trừ sâu để phun cho lúa. Mà thay vào đó để tiêu diệt sâu rầy mà anh Vương dùng thiên địch là vịt và cá để tiêu diệt những côn trùng gây hại này.
“Mặc dù biết là vịt và cá có thể ăn sâu rầy nhưng trước giờ tôi đã quen với việc phun xịt thuốc BVTV cho cây lúa nên đột nhiên ngành nông nghiệp hướng dẫn giảm phun xịt thuốc BVTV và sử dụng thiên địch tiêu diệt sâu rầy tôi đã cảm thấy rất hoang mang.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cán bộ nông nghiệp của huyện và tỉnh nên vụ lúa đầu tiên của gia đình tôi diễn ra rất thuận lợi. Năng suất lúa vụ đó vẫn tương đượng với các ruộng ngoài mô hình tuy nhiên nhờ giảm lương giống gieo xạ chỉ còn 100-120 kg/ha, sử dụng phân bón hữu cơ để giảm phân bón hóa học mà lợi nhuận của tôi luôn cao hơn gấp 3 - 4 lần so với sản xuất theo truyền thống trước đây”, anh Vương chia sẻ.