| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ sinh thái thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 15/12/2016 , 08:30 (GMT+7)

Việc bổ sung thêm kỹ thuật mới “Công nghệ sinh thái “ (CNST) giúp ngành nông nghiệp chủ động giải quyết vấn đề cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu...

07-50-29_nh-1-cnst-gn-voi-bien-doi-khi-hu
Áp dụng CNST giúp giảm chi phí 3 - 4 lần phun thuốc BVTV/vụ
 

Để giải quyết vấn đề cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành nông nghiệp đã chủ động đề ra khá nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng kế hoạch hành động và phát động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật IPM, “3 giảm 3 tăng”, "1 phải 5 giảm" và hiện nay bổ sung thêm kỹ thuật mới “Công nghệ sinh thái “ (CNST).
 

Giải pháp mới

Đây là các gói kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi ở ĐBSCL. Chính nhờ các giải pháp này mà nhiều tỉnh đã thoát được dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và một số dịch hại quan trọng khác, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng lúa, mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa một cách đáng kể, thay đổi hoàn toàn cách sản xuất truyền thống...

Có thể nói các kỹ thuật này không quá khó đối với nông dân khi áp dụng, cách làm ít tốn kém nhất, dễ được nông dân ứng dụng nhất, và cho hiệu quả kinh tế nhất.

Tuy nhiên, để có được kết quả trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp các tỉnh đã phải nỗ lực rất nhiều trong điều kiện không có hoặc có rất ít kinh phí trong hoạt động, thiếu sự hợp tác hỗ trợ từ các ngành, các địa phương, chưa có sự đầu tư tập trung để áp dụng các TBKT mang tính công nghệ mới này. Do đó chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho việc xây dựng thương hiệu trong xuất khẩu lúa gạo.

Việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, và “1 phải 5 giảm”, CNST nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo không có tồn dư hóa chất, thuốc BVTV nâng cao chất lượng và giá trị lúa hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là rất cần thiết.

Riêng mô hình mới nhất hiện nay “Cộng đồng quản lý dịch hại bằng CNST” (trồng cây có hoa trên bờ ruộng hay ruộng lúa bờ hoa) là giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tính đa dạng sinh học, thu hút thiên địch. Ổn định hệ sinh thái luôn cân bằng giúp nông dân quản lý tốt sâu rầy, hạn chế tối đa thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Kỹ thuật CNST là trồng các loại cây có hoa với màu sắc đa dạng, tạo nhiều phấn hoa và mật hoa để thu hút và nuôi dưỡng các thiên địch đến tiêu diệt sâu rầy, vừa bảo vệ được sản xuất vừa làm đẹp thêm cảnh quan đồng ruộng. Các loại hoa có thể chọn trồng trên ruộng là sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, trâm ổi, xuyến chi, sục sạc, cúc mặt trời… Ngoài ra, có thể chọn các loại cây trồng vừa có hoa dẫn dụ thu hút thiên địch và giúp tăng thu nhập như mè, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh...
 

Mở rộng cánh đồng sinh thái

Mô hình CNST được ứng dụng thí điểm đầu tiên tại Tiền Giang năm 2010, cùng năm đó tỉnh An Giang cũng thực hiện thí điểm tại xã Vĩnh Bình, Châu Thành, bước đầu đã mang lại kết quả hết sức khả quan. Từ thành công của mô hình này, Chi cục BVTV An Giang đã xây dựng dự án triển khai các mô hình CNST ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Từ cơ sở thành công của nhiều mô hình ở các địa phương, UBND tỉnh An Giang đã cùng với các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Cục BVTV chính thức phát động nông dân An Giang ứng dụng chương trình CNST từ vụ HT 2011. Sau đó, Chi cục BVTV An Giang đã triển khai nhiều mô hình trình diễn trên toàn tỉnh. Đến cuối năm 2013 đã có 52 mô hình được thực hiện với 2.496 nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 1.470ha.

Để tạo sự đột phá trong việc nhân rộng ứng dụng CNST, từ vụ ĐX năm 2013 -2014 Chi cục BVTV An Giang đã phát động thi đua nông dân áp dụng CNST trên toàn tỉnh với sự tham gia và tài trợ từ các DN kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu sinh học như Cty TNHH Thương mại Tân Thành, Cty CP Thuốc sát trùng Việt Nam và Cty CP Phân bón Bình Điền.

Qua 9 vụ phát động thi đua đã có 182 mô hình tập thể, cá nhân đăng ký với 789 nông dân tham gia và ứng dụng trên diện tích 1.242,6ha. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 234 mô hình và tổng diện tích ứng dụng là 2.712,9ha. Chương trình thi đua là một hình thức động viên, kích thích tuyên truyền sâu rộng trong nông dân.

Qua các đợt phát động thi đua thực hiện chương trình đã có 7 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh An Giang và 176 tập thể, cá nhận được tặng giấy khen của Sở NN-PTNT An Giang. Cụ thể nổi bật nhất là mô hình ứng dụng CNST ở huyện An Phú. Từ việc ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật từ chương trình IPM, “1 phải 5 giảm” và CNST đã mang lại một kết quả là xây dựng một cánh đồng không phun thuốc trừ sâu rầy trong suốt vụ lúa.

Trong năm 2015 tổng diện tích thực hiện trong huyện là 390ha, trong đó mô hình ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc là mô hình nổi bật với diện tích tương đương 200ha được 50 hộ nông dân thực hiện. Huyện An Phú có kế hoạch phát triển diện tích thực hiện mô hình sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu rầy lên 2.000ha vào năm 2020.

Ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: Đối với ĐBSCL cần phải đẩy mạnh giải pháp kỹ thuật CNST gắn với "1 phải 5 giảm" (tích hợp của IPM, "3 giảm 3 tăng"). Đây sẽ là giải pháp căn cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Muốn sản xuất nông nghiệp bền vững thì phải tạo được sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hai tiêu chí quan trọng trước hết là cần phải sử dụng giống xác nhận và giảm tối đa lượng giống gieo sạ, thực hiện không phun hoặc giảm tối đa sử dụng thuốc hóa học, giảm lượng phân bón hoá học, sử dụng nước tiết kiệm...

 

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.