| Hotline: 0983.970.780

Ruộng đồng… kêu cứu!

Thứ Ba 08/03/2011 , 10:14 (GMT+7)

Thời gian qua, vụ lúa nào sâu bệnh cũng hoành hành, với nông dân xứ Quảng, kiếm hạt gạo đổ nồi ngày một khó.

Mặc dù ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và nông dân Quảng Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống, nhưng trên nhiều cánh đồng lúa không ít loài sâu bệnh nguy hiểm vẫn cứ tiếp tục bùng phát mạnh. Mức độ gây hại ngày càng nghiêm trọng.

Lùn sọc đen - nỗi ám ảnh!

Trước tết Tân Mão, bệnh lùn sọc đen đồng loạt xuất hiện tại rất nhiều nơi ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khiến ít nhất 70 ha lúa (chủ yếu trên những diện tích không chủ động nước tưới) bị nhiễm dịch. Để kìm hãm sự lây lan của vi rút gây bệnh, chính quyền địa phương này lập tức chi 20 triệu đồng hỗ trợ cho nông dân mua thuốc phun trừ. Đồng thời, triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng chống bệnh cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở nhằm giúp người dân chủ động đối phó. Tuy nhiên, xem ra những nỗ lực ấy vẫn không mang lại hiệu quả.

Trong vòng nửa tháng trở lại đây, bệnh lùn sọc đen tiếp tục bùng phát trên diện rộng. Chỉ tính riêng ở xã Bình Định Bắc và Bình Lãnh đã có thêm 60 sào lúa “dính” dịch. Lão nông Trần Công Mạnh (thôn 3, xã Bình Định Bắc) lắc đầu: “Vụ đông xuân ni tui làm tổng cộng 3 sào lúa. Từ hôm rằm tháng giêng đến nay chẳng biết răng mà rầy lưng trắng xuất hiện dày đặc. Rồi, ngần ấy diện tích lần lượt bị bệnh lùn sọc đen gây hại nặng. Bây giờ, cây lúa không phát triển, lá xoắn lại và nổi lên từng u. Cách đây vài ngày, tui mua thuốc nặng đô về phun nhưng càng ngày ruộng lúa càng tệ hơn. Kiểu ni, mất mùa là cái chắc!”.

Không chỉ nông dân Thăng Bình khốn đốn, theo thông tin mới nhất từ phía ngành nông nghiệp Quảng Nam, hiện nay vi rút gây bệnh lùn sọc đen đã “tràn” đến đồng lúa Phú Ninh. Thống kê chưa đầy đủ, tính đến trưa hôm qua 7/3, tại xã Tam Thành và Tam Đàn đã có gần 120 sào lúa chính vụ bị nhiễm dịch với tỷ lệ hại bình quân 1-5%, thậm chí có nơi lên đến 40%. Ông Nguyễn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam lo lắng: “Cách đây gần 2 năm, cũng vụ đông xuân, bệnh lùn sọc đen bùng phát mạnh khiến rất nhiều diện tích lúa phải tiêu hủy bắt buộc. Nay, nó tái xuất hiện và nhiều khả năng sẽ lan ra diện rộng. Đây thực sự là một mối nguy. Những ngày tới, nếu chính quyền các địa phương và nông dân không tích cực phòng chống thì chắc chắn cái cảnh cắt bỏ lúa non sẽ lặp lại”.

Theo ông Định, những ngày qua, gần như toàn bộ lực lượng kỹ thuật của đơn vị đã được điều động về “đứng canh” tại các địa phương để tích cực hỗ trợ nông dân phòng trừ rầy, nhanh chóng khống chế sự lây lan của vi rút gây bệnh lùn sọc đen…

Đồng ruộng kêu cứu!

Đâu chỉ phập phồng lo bởi cái nỗi ám ảnh mang tên lùn sọc đen, hiện nay hàng nghìn nông dân trên địa bàn Quảng Nam cũng đang lao đao trước “cơn đại náo” của nhiều loài sinh vật nguy hiểm khác. Ngoài chuyện 200 ha lúa chính vụ tại Điện Bàn, Nông Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn bị chuột cắn phá, dẫm đạp tả tơi thì mấy ngày nay nhiều cánh đồng lúa ở một số địa phương cũng đã nhiễm nặng bọ trĩ. Theo ngành nông nghiệp địa phương, tính đến thời điểm này, Quảng Nam đã có hơn 600 ha lúa (chủ yếu gieo sạ trà cuối) bị bọ trĩ gây hại nghiêm trọng, tập trung nhiều nhất tại Tiên Phước, Duy Xuyên, Phú Ninh.

Đáng lo hơn, trong vòng 1 tuần trở lại đây, trên những chân ruộng sản xuất bằng giống X21, Xi23… bệnh đạo ôn lá xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Đến trưa qua 7/3, toàn tỉnh có không dưới 70 ha lúa nhiễm dịch, trong đó nhiều diện tích đã bị cháy chòm. Không dừng lại ở đó, từ sau Tết Tân Mão đến nay, ruồi đục nõn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ xít đen, sâu năn, bệnh tuyến trùng rễ, sâu phao, bệnh khô vằn… cũng đồng loạt tấn công 150 ha lúa khác, khiến nhà nông thực sự khốn đốn.

Thời gian qua, vụ lúa nào sâu bệnh cũng hoành hành, với nông dân xứ Quảng, kiếm hạt gạo đổ nồi ngày một khó.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.