| Hotline: 0983.970.780

Rượu cần - Nét ẩm thực độc đáo người S’tiêng dịp tết đến, xuân về

Thứ Ba 18/01/2022 , 11:28 (GMT+7)

Rượu cần được xem là ‘linh hồn’ trong văn hóa ẩm thực của đồng bào S’tiêng tại Bình Phước và là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, tết.

Lưu giữ nét truyền thống

Cũng như các dân tộc thiểu số khác, từ bao đời nay, người S’tiêng luôn xem những món ăn, thức uống có nguồn gốc từ thiên nhiên như đọt mây, lá nhíp, cà xanh, rau rừng, rượu cần... là thứ không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc mình, nhất là trong các dịp lễ, tết.

Người S'tiêng Bình Phước chuẩn bị các nguyên vật liệu để chế biến những món ăn, thức uống đặc trưng của dân tộc mình. Ảnh: Trần Trung.

Người S'tiêng Bình Phước chuẩn bị các nguyên vật liệu để chế biến những món ăn, thức uống đặc trưng của dân tộc mình. Ảnh: Trần Trung.

Trong những ngày sát tết Nhâm Dần 2022, dù khá bận rộn việc việc nương rẫy, nhưng đồng bào người S’tiêng tại Bình Phước vẫn tất bật chuẩn bị những món ăn, thức uống đặc trưng của dân tộc mình để chào đón năm mới. Hàng trăm năm qua, điều kiện kinh tế, xã hội không ngừng phát triển đã tác động không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần cũng như tập tục sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên cho đến nay, những món ăn, thức uống truyền thống như: rượu cần, canh thụt, cơm lam, thịt nướng... vẫn luôn được đồng bào lưu giữ và được xem là “linh hồn” trong văn hóa ẩm thực của đồng bào ở đây.

Rượu cần được xem là 'linh hồn' trong văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Ảnh: Trần Trung.

Rượu cần được xem là “linh hồn” trong văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Ảnh: Trần Trung.

Theo già làng Điểu Đon (70 tuổi) ở thôn 3, xã Đắk Ơ, hiện nay việc nấu rượu cần chủ yếu là theo công thức “truyền miệng” làm thủ công truyền thống. Việc này thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên như lá cây, vỏ cây rừng, được chủ nhân phối trộn giữa các lá cây với cơm và men, từ đó tạo ra sản phẩm rượu cần có hương vị đậm đà, đặc trưng riêng, khác hẳn với rượu cần Tây Nguyên. Đối với phần lớn đồng bào S’tiêng, từ lúc sinh ra đã biết đến rượu cần nên việc chế biến rượu cần vừa để lưu giữ, vừa dùng để đãi khách trong những ngày tết đến, xuân về.

Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của người đồng bào S'tiêng Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của người đồng bào S'tiêng Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

“Rượu cần theo tiếng S’Tiêng gọi là Đ’rắp S’lung hay Rơ nơm Đ’Rắp. Rượu cần thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Nó là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng, hay các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người trong buôn làng. Hiện nay, trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi… bình rượu cần vẫn được sử dụng”, ông Điểu Đon chia sẻ.

Lan tỏa “linh hồn” văn hóa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù trải qua rất nhiều thế hệ, nhưng đồng bào S’tiêng vẫn đang lưu giữ và từng bước phát huy giá trị bản sắc rượu cần của dân tộc mình.

Trải qua rất nhiều thế hệ, nhưng đồng bào S’tiêng vẫn lưu giữ và từng bước phát huy giá trị bản sắc rượu cần của dân tộc mình. Ảnh: Trần Trung.

Trải qua rất nhiều thế hệ, nhưng đồng bào S’tiêng vẫn lưu giữ và từng bước phát huy giá trị bản sắc rượu cần của dân tộc mình. Ảnh: Trần Trung.

Chị Thị Liên thế hệ thứ 5 được truyền thụ bí quyết làm rượu cần ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập chia sẻ, dù rượu cần, các món canh thụt, cơm lam, thịt nướng… được chế biến rất kỳ công, nhưng người S’tiêng vẫn dành thời gian để chuẩn bị cho tết, đây cũng là khoảng thời gian sum họp gia đình của đồng bào nơi đây. “Theo phong tục của đồng bào, tết mình phải làm rượu cần trước một tháng. Nếu nhà có nhiều khách thì mình nấu nhiều hơn. Nếu có gà thì làm gà, có heo thì làm heo tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Ngày xưa thì đồng bào có tết riêng vào cuối tháng 12, thường thì trong nhà lúc nào cũng có heo, rượu cần và bánh tét. Bây giờ mình ăn tết chung với người kinh rồi, như vậy sẽ vui hơn”, chị Thị Liên chia sẻ.

Ngày nay đồng bào S’tiêng Bình Phước tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, cung cấp rượu cần cho thị trường vừa giữ gìn bản sắc văn hóa vừa nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Ngày nay đồng bào S’tiêng Bình Phước tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, cung cấp rượu cần cho thị trường vừa giữ gìn bản sắc văn hóa vừa nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh phục vụ cho chính bữa ăn của mình, để lan tỏa giá trị truyền thống, chung tay cùng địa phương xây dựng hình ảnh du lịch địa phương, ngày nay đồng bào S’tiêng Bình Phước còn xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất cung cấp cho thị trường. Tiêu biểu như chị Điểu Thị Xia ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh huyện Bù Đăng, Tổ trưởng tổ chế biến rượu cần S’Tiêng sóc Bom Bo.

Chị Điểu Thị Xia cho biết, từ ý tưởng mở rộng chế biến rượu cần với số lượng lớn nhằm tạo cơ hội cho chị em đồng bào dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo có nguồn thu, đồng thời mang văn hóa truyền thống nghề nấu rượu cần của người S’Tiêng tới mọi người, chị Xia đã thành lập tổ chế biến rượu cần.

Những bình rượu cần mộc mạc với phương thức sản xuất truyền thống níu chân du khách mỗi khi đến với Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Những bình rượu cần mộc mạc với phương thức sản xuất truyền thống níu chân du khách mỗi khi đến với Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện nay tổ đã thu hút được 10 thành viên tham gia, những thành viên hầu hết là phụ nữ có chung sở thích là bảo tồn giá trị bản sắc dân tộc. Những năm gần đây, việc sản xuất rượu được duy trì ổn định, ngày càng nhiều vị khách biết đến và thưởng thức rượu. Phát huy kết quả đạt được, tổ đang tiếp tục dạy nghề, mở rộng quy mô để không chỉ lưu giữ nét văn hóa của đồng bào mình mà tạo ra nhiều sinh kế cho chị em”, chị Điểu Thị Xia phấn khởi nói.

Với giá trị tiêu biểu, kỹ thuật chế biến rượu cần người S’Tiêng Bình Phước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Với giá trị tiêu biểu, kỹ thuật chế biến rượu cần người S’Tiêng Bình Phước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước: Với giá trị tiêu biểu, kỹ thuật chế biến rượu cần người S’Tiêng Bình Phước được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4597/QĐ-BĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019. Để bảo tồn di sản này tốt hơn, trong thời gian tới, đòi hỏi sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan ban ngành, đặc biệt là những chủ nhân của di sản; trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh công tác truyền dạy các tri thức, quy trình, kỹ thuật chế biến rượu cần cho các thế hệ trẻ tại địa phương.

“Về phía Sở cũng đang tiếp tục xây dựng phương án, tham mưu những chính sách bảo tồn phù hợp. Sở đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố nơi có rượu cần duy trì các chương trình, giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể kỹ thuật chế biến rượu cần, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt đối với các vị Già làng cần tăng cường truyền dạy cho các thế hệ, duy trì bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc mình”, ông Đỗ Minh Trung chia sẻ.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai học sinh đuối nước khi tắm sông

QUẢNG NINH Chính quyền thành phố Uông Bí đang cùng gia đình lo hậu sự cho học sinh bị đuối nước tại khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam.

Bình luận mới nhất