| Hotline: 0983.970.780

Sai phạm tiền tỷ tại khu tái định cư ở Kon Tum

Thứ Tư 09/10/2019 , 09:20 (GMT+7)

Dự án được xác định có rất nhiều sai phạm, trong khi người dân không mặn mà chuyển đến nơi ở mới.

Mới đây, Đoàn giám sát Huyện ủy Đăk Hà đã báo cáo kết quả giám sát việc triển khai dự án khu giãn dân nội vùng xã Đăk Long. Đây là dự án do UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt quy hoạch tại quyết định số 1591/QĐ-UBND ngày 14/12/2009 có tổng diện tích 609ha. Dự án do UBND huyện Đăk Hà làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 149 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và tiền đền bù của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Khu tái định cư này sẽ đảm bảo đời sống cho 300 hộ gia đình với 1.500 nhân khẩu.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát của Huyện ủy Đăk Hà đã chỉ ra rất nhiều sai phạm, thiếu sót khi thực hiện dự án giãn dân nội vùng thuộc xã Đăk Long. Trong khi đó người dân cũng không mặn mà chuyển đến nơi ở mới do tình trạng sạt lở đất và thiếu nước sinh hoạt.

Dự án tái định cư vẫn chưa lôi kéo được người dân đến sinh sống

Người dân e ngại

Theo kế hoạch, dự án tái định cư xã Đăk Long sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2009 - 2015. Tuy nhiên vì nhiều lý do, dự án phải kéo dài đến hết năm 2018. Đến nay dự án đã kết thúc nhưng mới chỉ thực hiện tái định cư cho 126 hộ (đạt 42%) với tổng kinh phí trên 134 tỷ đồng (chiếm 90% tổng kinh phí).

Theo tìm hiểu của phóng viên, 52 hộ dân (đợt 1) chuyển về khu tái định cư sinh sống cơ bản đã ổn định. Tuy nhiên, 74 hộ dân (đợt 2) được bố trí về ở từ năm 2011, nhưng đến nay chỉ được vài hộ đến sinh sống. Nguyên nhân là do nhiều hộ vẫn chưa xây nhà vì lo sợ việc sạt lở đất, thiếu nước sinh hoạt tại khu vực này.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, một số căn nhà được xây dựng trên phần đất bồi đắp, nằm cạnh vực sâu nên không đảm bảo an toàn. Trải qua vài trận mưa, phần đất sau những căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng. Chưa kể, tại khu vực này, 2 hộ gia đình phải dùng chung một giếng nước, vào mùa khô không đủ nước nên nhiều người phải đi lấy nước từ sông, suối về dùng. Được biết, có nhiều hộ đã chuyển đây ở một thời gian nhưng sau đó lại quay về làng cũ mưu sinh vì không chịu nổi điều kiện sống thiếu thốn.

Dù đã xây nhà xong tại khu tái định cư, gia đình chị Y Thiếp (37 tuổi) vẫn chưa chuyển đến ở vì sợ sạt lở nhà và thiếu nước sinh hoạt. Hàng ngày chị Thiếp đến đây làm rẫy, sau đó lại trở về làng cũ để sinh hoạt. Chị Thiếp cho biết: “Ở nơi mới vừa bị sạt lở đất, nước sinh hoạt thì thiếu nên chúng tôi không thể chuyển đến ở lâu dài được”.

Ông Kiều Đức Dân - Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, trong 74 hộ dân tái định cư đợt 2 thì mới xây được 67 căn nhà nhưng chỉ có 14 hộ đến ở ổn định lâu dài.

Nhiều hạng mục tiền tỷ được hợp thức hóa?

Sau khi khảo sát khu tái định cư, Đoàn giám sát của Huyện ủy Đăk Hà đã chỉ ra rất nhiều sai phạm, thiếu sót của dự án.

Cụ thể, các chính sách hỗ trợ người dân chưa được UBND huyện Đăk Hà và Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ như hỗ trợ tiền di chuyển 74 triệu đồng (1 triệu đồng/hộ), khuyến nông hơn 5 tỷ đồng (46 triệu đồng/hộ), chuồng trại hơn 500 triệu đồng (4 triệu đồng/hộ), hỗ trợ lương thực 900 nghìn đồng/người/năm... Tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến người dân lo sợ

Trong khi đó, tiền hỗ trợ xây nhà ở cho 74 hộ dân đợt 2 cũng chưa được chi trả đủ. Theo quyết định của UBND tỉnh là 40 triệu đồng nhưng các hộ gia đình mới nhận 32 triệu đồng.

Việc đào 37 giếng nước và 27 bồn chứa bằng inox tại khu tái định cư có kinh phí 2,8 tỷ đồng nhưng hiện không đảm bảo nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô.

Cùng với đó, đường giao thông dẫn vào khu sản xuất đang trong thời gian bảo hành nhưng kém chất lượng, mặt đường nứt cục bộ và một số đoạn bị sạt lở, không có biển báo...

Cũng theo quy hoạch dự án, mỗi hộ sẽ được cấp 2ha đất sản xuất, 800m2 đất nhà ở và đất vườn. Tuy nhiên, trên thực tế 126 hộ dân chỉ được cấp 400m2 đất ở và  hơn 5.000m2 đất sản xuất. Hiện còn 4,08ha đất cao su và 22,6ha đất trống chưa giao cho dân.

Đặc biệt, chủ đầu tư đã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng (15%) cho việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên diện tích 420ha với số tiền gần 15 tỷ đồng. Điều đáng nói, khi thực hiện xong UBND huyện Đăk Hà mới có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum xin chủ trương bổ sung hạng mục rà phá bom mìn và vật liệu nổ. Sau đó, hạng mục bổ sung này cũng được UBND tỉnh thống nhất cho thực hiện.

Đoàn giám sát Huyện ủy Đăk Hà nhận xét, để đảm bảo việc di dân tái định cư ổn định lâu dài thì cần phải tiếp tục triển khai nhiều hạng mục của dự án. Tuy nhiên, kinh phí hiện không còn do đã sử dụng vào việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.