Tiếng Việt lớp 1 thực sự đang tạo ra cơn khủng hoảng về chất lượng sách giáo khoa. Trước những bức xúc của xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giáo dục Đào tạo nghiêm túc tiếp thu cũng như nghiêm túc xử lý vi phạm nếu có.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sách giáo khoa cũng như sách tham khảo dùng trong trường học, phải phù hợp với trẻ em Việt Nam và văn hóa Việt Nam.
Thế nhưng, những người liên quan đến bộ sách Tiếng Việt lớp 1 hoàn toàn không nhận thấy khuyết điểm của họ. Tổng chủ biên là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Chủ tịch hội đồng thẩm định là giáo sư Trần Đình Sử đều cho rằng những ngữ liệu được đưa vào Tiếng Việt lớp 1 đều có cơ sở, mà cụ thể là căn cứ vào Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê.
Quan niệm của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và giáo sư Trần Đình Sử, phải hiểu như thế nào? Liệu có oan uổng cho Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê không? Từ điển là một công trình khoa học. Từ điển có chức năng tổng kết từ ngữ trong đời sống, kể cả những từ ngữ chuyên ngành và từ ngữ dị biệt. Từ điển không đơn thuần là từ ngữ phổ thông để dạy cho học sinh lớp 1. Nếu chỉ dựa vào Từ điển Tiếng Việt để biên soạn Tiếng Việt lớp 1, mà không cần cân nhắc các yếu tố sư phạm, thì tại sao không khuyến khích học sinh tự nghiên cứu từ điển mà phải dùng đến sách giáo khoa như một công cụ tối ưu?
Theo hội đồng thẩm định thì khi nhóm Cánh Diều trình bày dự án biên soạn Tiếng Việt lớp 1 đã tiết lộ chương trình ưu tiên dạy âm và dạy vần, nên những từ ngữ không phổ thông “chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả”.
Hậu quả của việc “ưu tiên dạy âm và dạy vần”, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt là điều vô cùng tệ hại: “Người biên soạn muốn dạy các âm hoặc vần nào thì cố “gò” các âm và các vần ấy vào các đoạn văn tự nghĩ ra, bất chấp tính lô gic hay đúng sai. Cách làm việc kiểu này dẫn đến một hệ lụy: nhiều bài đọc hay đoạn văn rất tối nghĩa, lủng củng. Đây là điều gây ra những phương hại cho học sinh. Học tiếng Việt qua các văn bản lủng củng, rối rắm chưa kể còn nhiều chỗ sai thì người học làm sao yêu thích tiếng Việt?
Ví dụ, ở bài tập đọc Thỏ thua rùa, có câu “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ”. Ở đây, từ “nhá” dùng không đúng, vì “nhá” là động từ chỉ dùng khi sau nó là vật cứng, khó nuốt (ví dụ như chó nhá xương…). Còn con thỏ là loài động vật thường chỉ ăn cỏ, ăn lá… những thứ mềm. Trong văn cảnh của bài cũng đã có “cỏ, dưa” những thứ mềm, sao lại dùng “nhá”? Dạy thế là không đúng cả về lý thuyết lẫn thực tế. Nó rất sống sượng và chủ quan”.
Ở góc độ khác, nhà văn Nguyễn Quang Vinh nêu lý do phản đối những ngữ liệu trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1: “Thứ nhất, dùng quá nhiều các từ ngữ phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùngnhư gà nhí, gà nhép, sẻ ri, ca ri ri, pianô, xe téc, nhá cỏ, nhá dưa, quà quà, chả (lo), tí gì, vù, vọt, hí hóp, la liếm, tỏ vẻ, thô lố, ngó, ngộ, nom, ướt nhẹp, dăm (nhà)… Thứ hai, dùng nhiều kết hợp bất thường như quạ quà quà, sẻ ca riri, cho ve tí gì, chả có gì, (đẹp) mà chẳng khôn, giúp má sắp cơm, quạ kiếm cớ la cà, cua khệ nệ ôm yếm, chó thì mổ mổ, gà thì la liếm..”.
Rõ ràng, cách đổ lỗi cho Từ điển Tiếng Việt mà giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và giáo sư Trần Đình Sử đang cố biện minh, đã không được giới chuyên môn chấp nhận. Sự thất bại của bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, đã phơi bày nhiều bất cập về sách giáo khoa hiện nay.
Từ vụ ầm ĩ của bộ sách Tiếng Việt lớp 1, Tiến sĩ Giáp Văn Dương phân tích: “Khi đã không biết rõ sách mình viết ra để đào tạo con người nào thì sẽ rất dễ rơi vào viết… nhảm. Cũng giống như người thầy khi không biết những điều mình dạy sẽ góp phần đào tạo ra con người nào thì sẽ chỉ có thể dạy theo máy móc và cũng rất dễ dạy… nhảm. Vì thế, ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... sẽ thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó chính là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.
Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong sách giáo khoa sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả - những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ - chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới”.