Đến thăm di tích lịch sử Phủ Chúa Trịnh ở xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), chúng tôi được giới thiệu địa phương này còn là cái nôi của cây sâm Báo được ví như báu vật xứ Thanh bởi hàm lượng dinh dưỡng không thua kém sâm Hàn Quốc, nên giá trị kinh tế luôn đạt 80 - 120 triệu đồng/sào (500m2)/năm, tức khoảng 1,6 tỷ - 2,4 tỷ đồng/ha canh tác.
Ngược dòng thời gian
Theo cố Nghệ nhân Trịnh Thế Trung ở xóm Bình (xã Vĩnh Hùng), vào năm 1397, vua Hồ Quý Ly đi giám sát việc xây dựng thành Thành nhà Hồ, thấy người dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và dân làng Biện Thượng (xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc) ngày nay làm việc khoẻ mạnh khác thường. Nhà vua hỏi và biết nhóm thợ này thường đào lấy củ từ cây dược liệu mọc tự nhiên trên núi Báo ở làng Biện Thượng nấu lấy nước uống chống mỏi mệt vào những ngày nắng nóng.
Vua đã sai ngự y tìm hiểu thấy đây là cây thuốc Nam được các thầy lang trong vùng dùng bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược cơ thể hoặc mới ốm dậy và còn dùng chữa trị các chứng bệnh kiết lỵ, ho kèm theo sốt, nóng trong người...
Vua Lê Quý Lý liền dùng thử thứ nước này, cũng thấy trong người khỏe khoắn, phấn chấn. Kể từ đó cây dược liệu này được người dân địa phương dùng làm sản phẩm tiến vua. Sau khi Vương triều nhà Hồ bị diệt vong, cây dược liệu này cũng dần bị quên lãng. Phải tới đời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782), cây dược liệu quý hiếm này mới được đặt tên là sâm Báo vì tìm thấy đầu tiên ở núi Báo, làng Biện Thượng.
Sau này, trong cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh chống thực dân Pháp do Tống Duy Tân lãnh đạo (1886 - 1892), các nghĩa binh Hùng Lĩnh cũng tìm lên núi Báo đào lấy củ sâm mang theo người phòng khi mệt mỏi đem ra nhai hoặc ngậm để giải khát và tăng cường thể lực.
Đổi đời nhờ Sâm Báo
Bà Lê Thị Thìn ở xóm Mới (xã Vĩnh Hùng) trồng 3 sào sâm Báo ở chân núi gần nhà, sau hơn 11 tháng đào được 300kg củ tươi, xuất bán hết cho thương lái thu được 300 triệu đồng. Bà Thìn vui vẻ cho biết, ở đồng đất này không cây trồng nào "đánh đổ" được cây sâm Báo. Nhờ trồng sâm Báo mấy năm qua, hộ bà Thìn đã thoát nghèo và có tích luỹ. "Nếu sâm Báo cứ vững giá như vừa qua, tôi sẽ thuê thêm ruộng, nâng diện tích cây trồng này lên thành 6 sào để có tiền xây căn hộ mới to đẹp hơn", bà Thìn chia sẻ.
Ông Hoàng Đạt Xuân cũng không kém phần hứng khởi khi 4 sào sâm Báo của ông được thương lái nhận bao tiêu với giá từ 800.000 – 1.200.000 đồng/kg. Tính ra sau thu hoạch, ông Xuân thu về khoảng 400 triệu đồng.
Theo ông Xuân, để cây sâm Báo cho năng suất, chất lượng cao, cần trồng trên các vàn đồi hoặc ruộng ven chân núi, giàu mùn, thoát nước tốt, nhiều ánh sáng, không bị ô nhiễm bởi các chất hoá học độc hại, phải bón nhiều phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh, không dùng hoá chất trừ cỏ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phải định kỳ luân canh sâm Báo với cây ngô hoặc đậu, đỗ.
"Sản xuất sâm Báo có lợi thế, cho phép trồng rải vụ quanh năm nhưng phải tránh tháng mưa nhiều. Qua đó tránh được áp lực tiêu thụ sản phẩm, ổn định được giá bán, giữ chân được thương lái bao tiêu", ông Xuân bật mí.
Bà Đặng Thị Nga sau nhiều năm trồng sâm Báo đã tích lũy được vốn mua dây chuyền điện máy chế biến trà thảo dược sâm Báo và cùng một số hộ khác, thành lập HTX Nông nghiệp Tây Đô. Kết quả, trà thảo dược sâm Báo của HTX do bà Nga làm Giám đốc đã được UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận đạt OCOP 3 sao, được mọi người tìm mua tấp nập, giúp tăng hiệu quả gieo trồng cây sâm Báo lên 1,5 - 2 lần.
Ông Hoàng Đình Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng cho biết, diện tích trồng sâm Báo của địa phương đạt khoảng 20ha, riêng năm nay bị ảnh hưởng mưa bão số 3 nên diện tích giảm chỉ còn trên 10ha nhưng vẫn mang lại nguồn thu gần 30 tỷ đồng cho các hộ.
Nguy cơ bị bệnh hại
Tiềm năng mở rộng trồng sâm Báo ở xã Vĩnh Hùng còn rất lớn nhưng hiện nay những hộ trồng liên tục nhiều năm thấy cây sâm bắt đầu bị nhiễm bệnh hại, khó phòng trừ hiệu quả. Rất mong các nhà khoa học, giúp địa phương khắc phục loại nấm bệnh này và đưa ra giải pháp trồng sản xuất bền vững.
Theo Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), tỉnh Thanh Hoá có khoảng 200ha sâm Báo phát triển tự nhiên và gieo trồng tại các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hưng, Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc) cùng một số địa phương của huyện Cẩm Thuỷ, huyện Triệu Sơn. Hiện nay, cây sâm Báo đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức và mất môi trường sống, cần có sự vào cuộc kịp thời của các cấp các ngành trung ương và địa phương, nhất là tỉnh Thanh Hoá nhằm bảo tồn, tái sinh bền vững cây sâm Báo cho tương lai.
Ông Trịnh Xuân Thẳng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, sâm Báo là cây dược liệu đặc hữu, cho giá trị canh tác rất cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương. Để khai tốt lợi thế này, nhiều năm qua huyện luôn quan tâm hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng sâm Báo.
Theo sách "Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí" của Lưu Công Đạo, sâm Báo này có hiệu nghiệm kỳ lạ hơn hẳn các loài sâm khác trong nước. Sách "Đồng Khánh địa dư chí" cũng ghi nhận sâm Báo với đặc điểm chất nhỏ mà trắng, vị đắng, tính mát, có thể giải nhiệt.
Y học hiện đại khẳng định sâm Báo không có độc tính cấp, tính bình, vị ngọt nhạt, giúp bổ mắt, dưỡng phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch, dùng hỗ trợ điều trị loét dạ dày, trị ho, sốt nóng, phổi yếu, chữa kinh nguyệt không đều và điều trị các chứng mất ngủ, kém ăn, táo bón, đau lưng, giảm co thắt, làm vị trong các bài thuốc chữa yếu sinh lý, tăng cường thể lực và hỗ trợ chức năng gan, thận...
"Cách chế biến sâm Báo tốt nhất là sau thu hoạch, chọn những củ không bị thối hỏng, có kích thước đều nhau, rửa sạch, ngâm với nước gạo nếp 1 đêm, vớt ra hấp cách thuỷ, sau lấy ra thái mỏng, chờ se hai mặt lát sâm thì xếp ngâm trong hũ mật ong 1 tháng rồi đem sấy khô tạo thành phẩm để sử dụng.
Có thể sử dụng sâm Báo dưới dạng thuốc sắc hoặc bột hay thái mỏng, lấy 1 - 2 lát hãm với nước sôi, uống như trà mạn. Chú ý sử dụng sâm theo khuyến cáo của lương y hoặc bác sĩ", bà Đặng Thị Nga - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tây Đô chia sẻ.
Kế hoạch đến hết năm 2025, huyện Vĩnh Lộc sẽ hoàn thành xây dựng 2ha vườn sâm Báo đầu dòng tại xã Vĩnh Hùng nhằm bảo tồn quỹ gien bản địa và tạo nguồn cây giống chất lượng cho các xã trên địa bàn, phấn đầu tới năm 2030, diện tích trồng sâm Báo toàn huyện đạt khpảng 250ha và chào hàng sâm Báo ra quốc tế. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý sâm Báo để thúc đẩy giao thương, nâng cao hơn nữa giá trị canh tác của cây dược liệu quý này.