| Hotline: 0983.970.780

Sân chơi giúp học sinh thêm yêu thiên nhiên

Thứ Hai 20/05/2024 , 07:24 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu CLB Xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa đã giúp các em học sinh của THCS Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo) thêm yêu thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

Hành trình về với cây di sản Việt Nam

Để những ngày cuối tuần của các em học sinh trường THCS Lê Hồng Phong trở nên ý nghĩa, hòa mình vào thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Xanh đã tổ chức chương trình “Hành trình về cây di sản” vào ngày 4/5 vừa qua.

Với hành trình đi bộ khoảng 2,6km đường lát đá lẫn đường mòn trong rừng nguyên sinh, hơn 100 em được dịp hòa mình vào núi rừng, hít thở không khí trong lành tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Nhiều em đã tỏ ra vô cùng thích thú khi được tận mắt quan sát các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu tại đây như khỉ đuôi dài Côn Đảo, sóc đen Côn Đảo, dây Bàm Bàm, cây Sao Đen…

Các em học sinh thích thú bên cây Bàm Bàm - loài cây dây leo còn được gọi là 'những kẻ ranh mãnh' của Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Các em học sinh thích thú bên cây Bàm Bàm - loài cây dây leo còn được gọi là “những kẻ ranh mãnh” của Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Em Đỗ Nguyên Anh, học sinh lớp 8B tâm sự, chính những điều mới lạ trên đường đi đã khiến bản thân và bạn bè quên đi sự mệt nhọc trong suốt chặng đường. Hành trình về với núi rừng giúp Nguyên Anh mở mang thêm nhiều kiến thức về động, thực vật quý hiếm của hòn đảo. “Nếu không có những cánh rừng này thì không biết mấy bạn khỉ, sóc, chim sẽ khó khăn như thế nào trong việc làm tổ, sinh tồn. Em nghĩ mỗi chúng ta, nhất là học sinh phải thêm yêu và nâng cao ý thức bảo vệ rừng”, Nguyên Anh chia sẻ.

Đặc biệt hơn hết là điểm đến của hành trình là cây nhội có tuổi đời hơn 400 năm tuổi, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản vào năm 2018.

Dưới tán cây sum suê của cây di sản, cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo đã cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn về giá trị đa dạng sinh học, độc đáo tại địa phương gắn liền với công tác bảo tồn. Đây là một hoạt động vô cùng quan trọng trong suốt 40 năm qua của tập thể cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo. Điều này giúp các em học sinh nhận thức rõ hơn về sự quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ chính môi trường sống của chúng ta.

Các thành viên của CLB Xanh có dịp trải nghiệm băng rừng và khám phá cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 400 năm tuổi tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình- VP.

Các thành viên của CLB Xanh có dịp trải nghiệm băng rừng và khám phá cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 400 năm tuổi tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình- VP.

Chị Trần Thị Huỳnh Anh, nhân viên Phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo), đồng thời là Phó Ban chủ nhiệm CLB Xanh cũng chia sẻ với các bạn học sinh kỹ năng đi rừng, những nguyên tắc, quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.

“Đặc biệt, trong suốt hành trình về cây di sản và tất cả các hoạt động, chúng tôi dạy các bạn học sinh tuyệt đối nói không với nhựa dùng một lần. Các thành viên khi tham quan, trải nghiệm thực tế đều trang bị túi vải và bình nước cá nhân để góp phần bảo vệ và tuyên truyền bảo vệ môi trường”, chị Huỳnh Anh chia sẻ.

Hành trình về cây di sản góp phần làm “xanh” hơn trong ý thức bảo vệ môi trường của các thành viên CLB Xanh. Chuyến đi làm thực tế hơn về nhận thức trong quá trình tuyên truyền bảo vệ sự sống, bảo vệ chính hơi thở của mỗi người. Điều này càng khẳng định thêm việc giáo dục môi trường cho lứa tuổi học đường đóng vai trò to lớn và cực kì quan trọng và đặc biệt cần thiết trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Sân chơi để trẻ thêm yêu thiên nhiên

Thầy Lê Văn Hợi, Chủ nhiệm CLB Xanh cho biết, câu lạc bộ được thành lập năm 2021, là mô hình phối hợp giữa Vườn quốc gia Côn Đảo và Trường THCS Lê Hồng Phong. Các hoạt động của CLB tập trung vào việc tuyên truyền và bảo vệ môi trường, như: Tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học Vườn quốc gia Côn Đảo, tác hại của rác thải nhựa, tác hại của cháy rừng đối với môi trường sống...

Được thành lập từ năm 2021, đến nay CLB Xanh có khoảng 130 thành viên, được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa theo từng năm. Ảnh: Lê Bình.

Được thành lập từ năm 2021, đến nay CLB Xanh có khoảng 130 thành viên, được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa theo từng năm. Ảnh: Lê Bình.

Mỗi năm, câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt 3 - 4 đợt, mỗi đợt sẽ tổ chức nhiều chương trình khác nhau và không để lặp lại nội dung. Nhờ đó, số lượng thành viên câu lạc bộ tăng trưởng không ngừng.

“Chúng tôi kết hợp với các chuyến đi thực tế ở Vườn quốc gia Côn Đảo và các đảo nhỏ xem rùa đẻ trứng, tham gia nhặt rác bãi biển. Từ đó giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa, kêu gọi bạn bè, người thân cùng chung tay bảo vệ môi trường”, thầy Lê Văn Hợi chia sẻ.

Những ngày này, các thành viên của CLB Xanh đang “căng sức” sáng tạo, thiết kế những tấm poster với chủ đề chung tay bảo vệ môi trường, động, thực vật tại huyện Côn Đảo. Tất cả được thiết kế bằng các phần mềm đồ họa, thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Với mỗi poster, các tác giả sẽ phải có thêm bài diễn thuyết về chủ đề và thông điệp muốn truyền tải đến cộng đồng.

Em Đặng Minh Trọng, học sinh lớp 8C Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, từ lúc tham gia CLB Xanh đã học được nhiều điều thú vị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chính Minh Trọng cũng thiết kế tấm poster về bảo vệ rùa biển rất ấn tượng để kêu gọi mọi người chung tay bảo tồn loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.

Các poster nhằm tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao ý thức bảo tồn động, thực vật biển do các thành viên nhí của CLB Xanh thiết kế. 

Các poster nhằm tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao ý thức bảo tồn động, thực vật biển do các thành viên nhí của CLB Xanh thiết kế. 

“Em được tham gia trực tiếp việc thả rùa con về biển và được các anh chị, thầy cô chia sẻ thêm các thông tin cùng về các loại động, thực vật quý hiếm mà chỉ Côn Đảo mới có. Chúng em thấy yêu hơn mảnh đất Côn Đảo hào hùng và có ý thức hơn để nuôi dưỡng, duy trì hệ sinh thái đa dạng nơi đây”, Minh Trọng chia sẻ.

Đến nay, đã có hơn 30 tác phẩm poster nộp thi và đang được Vườn quốc gia Côn Đảo công khai trên các trang mạng xã hội của đơn vị. Phần thưởng dành cho những tác giả đoạt giải là được tham gia miễn phí vào các hoạt động bảo tồn thú vị tiếp theo của câu lạc bộ tại các đảo thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo.

Với mỗi chuyến đi như thế này, các thành viên của CLB còn được tham gia vào công tác thu gom, xử lý rác thải đại dương. Đây là vấn đề nhức nhối của huyện Côn Đảo nói riêng, nó đang tác động rất nhiều vào công tác bảo tồn các loài động thực vật và phát triển du lịch.

Thầy Lê Trúc Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong đánh giá cao hoạt động của CLB Xanh trong những năm qua. Điều này đã tạo được sự lan tỏa cao trong nhận thức của học sinh về môi trường. CLB Xanh còn là lực lượng nòng cốt thực hiện các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường mà nhà trường phát động hàng năm.

Các thành viên trong câu lạc bộ được đào tạo, tập huấn những kỹ năng bảo vệ môi trường, đã trở về hướng dẫn lại cho các bạn trong lớp phân loại rác thải tại nguồn và tuyên truyền giảm nhựa, hướng tới mục tiêu trường học không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phát động phong trào xanh hóa, tạo mảng xanh, điểm check-in trong trường. Cụ thể, nhà trường sẽ tiến tới việc hình thành các vườn hoa 4 mùa và vườn rau xanh mướt do chính tay cô trò trồng và chăm sóc”, thầy Tùng cho biết.

Vườn quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar biển - đảo đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây có thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, từ những loài sống trên cạn đến những loài sống dưới nước.

CLB Xanh thường xuyên tổ chức các đợt nhặt rác đại dương tại các bờ biển nhằm trả lại màu xanh cho Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

CLB Xanh thường xuyên tổ chức các đợt nhặt rác đại dương tại các bờ biển nhằm trả lại màu xanh cho Côn Đảo. Ảnh: Lê Bình.

Theo đó, Vườn có hơn 370 loài thân gỗ, hơn 100 loài cây dây leo, hơn 200 loài thảo mộc có lợi. Tài nguyên thực vật có hơn 1.077 loài thực vật bậc cao và động vật rừng có 160 loài. Có 3 loài động vật đặc hữu của Côn Đảo là sóc đen, thạch sùng và khỉ đuôi dài. Tài nguyên đa dạng sinh học biển rất phong phú, đa dạng, với 1.725 loài sinh vật biển.

Do đó, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đánh giá, công tác bảo vệ đa dạng sinh học của Vườn và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo tồn là vấn đề rất quan trọng và được thực hiện rất kĩ lưỡng, bài bản trong thời gian qua.

“Việc nâng cao ý thức về tầm quan trọng của rừng, biển đối khí hậu gắn với sự phát triển, duy trì nòi giống của các loài động thực vật tại Côn Đảo là việc làm rất quan trọng. CLB Xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa đã giúp các em học sinh nâng cao ý thức bảo vệ đa dạng sinh học và có sức lan tỏa rất lớn”, ông Pho nhận xét.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.