| Hotline: 0983.970.780

"Săn" đặc sản ở Tràm Chim

Thứ Sáu 04/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) có tới 32 loài chim quý hiếm, được bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế như: sếu đầu đỏ, giang sen, nhan điển… Nhưng, nếu muốn ăn thịt những loài chim quí hiếm này, không có gì khó.

Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) có diện tích gần 7.600 ha, là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Ở đây có hơn 232 loài chim. Trong đó có 32 loài chim quý hiếm, được bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế như: sếu đầu đỏ, giang sen, nhan điển… Nhưng, nếu muốn ăn thịt những loài chim quí hiếm này, không có gì khó.

MUA BÁN CÔNG KHAI

Nghe tôi nói muốn ăn chim, cò, anh xe ôm ở khu vực ngã ba Thanh Bình, nói: “Muốn ăn con gì cũng có, chỉ cần có tiền là mua được ngay. Trên tỉnh lộ 843, đoạn Thanh Bình - Tam Nông có vài quán chuyên bán các món cò. Còn muốn ăn những con chim ngon hơn, lạ hơn thì đi Tràm Chim”. Ghi vội vài địa chỉ, tôi đi tiếp hơn chục km nữa đến VQG Tràm Chim.

Chợ thực phẩm Tam Nông từ lâu đã nổi danh là nơi buôn bán rất nhiều động vật hoang dã (ĐVHD) như rắn, rùa, chim, cò... Nhưng đến nơi, tôi chỉ thấy vài lồng rắn nuớc, rắn bông súng, một vài con ba ba và rùa loại nhỏ. Rất nhiều lồng sắt dùng để nhốt chim, cò đã trống không, chất chồng lên nhau. Khi được hỏi, một chủ hàng cho biết dạo này kiểm lâm làm dữ quá nên chim cò hiếm lắm. Nếu có cũng không dám bày tràn lan.


Chủ vựa Út Tài bắt con nhan điển chuẩn bị giao cho khách

Tiếp tục đi sâu vào bên trong chợ, tôi bắt gặp vài lồng chim cồng cộc, chim cu và chích cồ. Thấy tôi ngắm mấy con chim lạ mắt vẻ thích thú, anh Út Tài, chủ vựa chim, chủ động bắt chuyện. Vẫn là điệp khúc chim ít, hết hàng, bị ngành chức năng kiểm soát, nên “đặc sản” Tràm Chim giờ rất hiếm hàng, đắt đỏ. Út Tài bảo: mua cồng cộc ăn đi. Thịt rất nhiều, lại mềm, ngọt hơn thịt cò trắng, giá chỉ có 120 ngàn đồng/kg.

Tôi bảo: Muốn tìm loại nào lạ lạ chút chứ cồng cộc tui ăn hoài. Nghe vậy, Tài mỉm cười ý nhị rồi đi vào trong. Mấy phút sau, anh ta quay lại, trên tay là một chiếc lồng nhỏ được phủ kín. Tài lật tấm vải trùm ra, tôi thấy bên trong là một chú chim với chiếc cổ và mỏ dài, chân màng vịt, lông đen trắng chưa mọc đều. “Đúng là lạ thật, tui chưa thấy bao giờ”, tôi nói. Thấy tôi tỏ vẻ “thiếu kiến thức” về các loài chim, Tài cười bảo: “Đây là chim nhan điển, thịt thơm ngon phải biết, lại hiếm khi có hàng nên giá một con là 250 ngàn đồng, con này nếu ra quán, nửa triệu mới được ăn. Thấy con chim lạ, vài người người khách gần đó cũng tranh mua với tôi, trong lúc tôi tranh thủ chụp vài tấm hình, một người đàn ông đã nhanh nhảu đưa tiền mua con nhan điển rồi nhanh chân chân lên xe vọt mất.


Chỉ hơn 100 ngàn đồng là đã có vài con còng cọc làm mồi nhậu

Thấy tôi có vẻ tiếc rẻ, vợ chồng Út Tài lấy ra một cái lồng khác, cũng được phủ nilông kín mít, bên trong là một chú chim le le non, mới mọc lông măng lông, bảo: “Chim thịt hết rồi, chú mua con le le này về nuôi làm kiểng đi, mai mốt lớn lên đẹp lắm”. Theo anh Tài, ở TP Hồ Chí Minh, một con le le có giá đến 500 - 600 ngàn đồng, nhưng ở Tam Nông giá chỉ 200 ngàn đồng. Nhìn con chim đang nằm “khật khừ” trong lồng, tôi tỏ ý lo ngại chim sẽ chết nếu giữ nuôi lâu, Út Tài khẳng định: “Con này rất khỏe, nuôi rất dễ, nếu chết mang ra tôi đền con khác”. Thấy tôi quay đi, Út Tài lầm bầm trong miệng rồi quày quả xách lồng chim vào trong.

Dạo một vòng vào phía trong, tôi tiếp tục thấy những loài chim quí hiếm khác bày bán nửa công khai như: chích cồ, chim cu, cúm núm, cò, vạc…


Chim chích cồ đang bị săn bắt quá nhiều

KIỂM LÂM LÀM KHÔNG XUỂ

Những vụ bắt giữ liên tiếp trong những ngày gần đây đã cho thấy thực trạng săn bắt và tiêu thụ ĐVHD trái phép đang diễn ra rất nóng trên địa bàn huyện Tam Nông. Theo thống kê của Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, huyện Tam Nông là một trong những địa phương vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD nhiều nhất tỉnh. Trong đó, chợ Tam Nông là đầu mối tiêu thụ, vận chuyển ĐVHD đi các tỉnh thành. Với mức bán chênh lệnh hơn 100% giá trị, những chim, cò, nhạn… điều được các thương lái thu mua triệt để.

Mới đây, ngày 24/9/2012, lực lượng kiểm lâm đã bắt giữ một trường hợp vận chuyển trái phép 40 con cò ốc, một loài chim rất hiếm tại VQG Tràm Chim. Hai ngày sau, ngày 26/9/2012 lực lượng kiểm lâm tiếp tục bắt giữ một trường hợp vận chuyển 190 con chim nhạn trắng đang trên đường đi tiêu thụ. Phối hợp với lực lượng công an địa phương, lực lượng kiểm lâm mở đợt kiểm tra tại chợ Tam Nông, qua khám xét, đã phát hiện và tịch thu khoảng 150 con chim hoang dã các loại.


Lực lượng kiểm lâm bắt giữ 150 con chim hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại chợ Tam Nông

Nói về những khó khăn trong công tác ngăn chặn săn bắt ĐVHD, anh Dương Hồng Minh, cán bộ Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng cho biết, cái khó của lực lượng bảo vệ rừng là quá mỏng, trong khi dân cư sống quanh khu vực lên đến hơn 50.000 người, trong đó đa số là hộ nghèo sống bám víu vào VQG. Ngoài việc cố ý thâm nhập rừng trái phép để lấy củi, hái rau, một số đối tượng còn dùng xung điện chích cá, săn bắt chim cò trái phép bằng bẫy, lưới… gây nguy hại rất lớn cho VQG. Gần đây, do thị trường buôn bán ĐVHD ngày càng tăng, mức giá lại cao, nên nhiều người dân sống cạnh VQG tìm mọi cách để săn bắt chim trời, cá nước để kiếm tiền. Ngày 25/5/2012 một nhóm đối tượng đã đột nhập VQG để săn bắt trái phép, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, nhóm người này đã hung hăng chống trả bằng cách dùng xung điện chích vào người anh Nguyễn Quốc Danh, lực lượng bảo vệ VQG Tràm Chim, làm anh ngã quỵ.


Lực lượng kiểm lâm huyện Tam Nông đang thả 190 con chim nhạn trắng về môi trường tự nhiên

"Dù biết thực trạng săn bắt và tiêu thụ ĐVHD diễn ra rầm rộ, nhưng do lực lượng kiểm lâm quá mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn. Cần có sự liên kết, hỗ trợ từ nhiều lực lượng chức năng trên địa bàn. Hiện nay, đã có quy chế phối hợp giữa VQG Tràm Chim với UBND huyện Tam Nông và các lực lượng khác như: công an, quân sự... Ngoài việc tuần tra, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền để hạn chế tối đa người dân đánh bắt các loài ĐVHD…", ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc VQG Tràm Chim.

Để tìm hiểu thêm thực tế người dân xâm hại rừng, tôi đi về xã Phú Đức, một trong 5 xã giáp với VQG Tràm Chim. Tại đây, chúng tôi bắt gặp nhiều hộ dân nuôi chim chích cồ như nuôi gà. Theo lão nông bảy Thành, người đang thuần dưỡng hai cặp chích cồ cho biết, muốn nuôi chích thuần, khôn không bỏ đi, biết giữ nhà và làm kiểng thì phải đi vào vườn mà bắt lúc chích cồ mới nở mang về thuần dưỡng. Với 2 cặp chim đã trưởng thành, lão sẽ bán được gần 3 triệu đồng cho người chơi chim cảnh. Đây quả là số tiền không nhỏ, nên người dân vẫn ngày đêm vào rừng để bắt chích cồ về thuần hoá, gây tổn thất không nhỏ đến loài chim quí, đặc trưng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười này.

Trở lại thị trấn Tràm Chim, tôi ghé vào một nhà hàng, nghe tôi hỏi có “đặc sản” rừng không, anh Ba Việt, đầu bếp của quán, bảo: “Muốn gì mà chả có, anh đợi 10 phút là có. Ăn cò nhé, mùa này cò là ngon nhất, nồi cháo cò chỉ có giá 150 ngàn đồng thôi”. Tôi tự nhủ, nếu thực khách nào cũng đòi hỏi và sẵn sàng trả tiền để ăn như cách mà tôi yêu cầu, thì không biết những con chim, cò bay rợp trời xứ Đồng Tháp Mười vốn vẫn được quảng bá trên phim ảnh có còn để con cháu sau này thấy được ngoài đời.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.