| Hotline: 0983.970.780

Sân khấu tư nhân bỏ thì thương vương thì tội...

Chủ Nhật 03/06/2018 , 07:05 (GMT+7)

Xã hội hoá sân khấu là một chủ trương đúng đắn và cũng là con đường tất yếu của nghệ thuật biểu diễn. Từ sự ra đời của Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần lừng lẫy với vở kịch “Dạ cổ hoài lang”, làng kịch nói TP Hồ Chí Minh chứng kiến sự bùng nổ của các sàn diễn tư nhân.

Thật mừng, suốt một thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, hàng đêm công chúng đều có thể dò tìm kịch mục ở những tụ điểm như IDECAF, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận, Kịch Nụ Cười Mới… để chọn cho mình một vở diễn ưng ý. Thế nhưng, vài năm gần đây, sân khấu kịch có dấu hiệu chững lại, dù nhiều đơn vị mới vẫn được tư nhân bỏ tiền xây dựng như Sân khấu kịch TKC, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch Minh Nhí, Sân khấu kịch Quốc Thảo…

08-03-25_vo_kich_ngn_nm_tinh_su
Cảnh diễn trong vở kịch "Ngàn năm tình sử"

Chính giới làm nghề và giới thưởng thức không tránh khỏi tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” khi nói về bối cảnh “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm” của sân khấu tư nhân hiện nay.

Làm sao tiếp lửa cho sân khấu tư nhân? Đó là một câu hỏi đặt ra thường xuyên và nóng bỏng, nhưng dường như vẫn chưa được những nhà quản lý văn hoá quan tâm.

Sân khấu tư nhân tự bơi là một hành trình thử thách đang đẩy nhiều nghệ sĩ vào vòng xoáy lúng túng giữa nghệ thuật và thị trường. Sân khấu tư nhân không có điểm diễn, phải đi thuê rạp đang nhàn rỗi của đơn vị nghệ thuật được bao cấp, kết quả canh không ngọt cơm không lành, mà ví dụ rõ ràng nhất là vụ kiện tụng giữa nghệ sĩ Ngọc Trinh và Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh.

Sau khi ông bầu Phước Sang vỡ nợ, sân khấu tư nhân đã mất đi một gương mặt năng động. Thị trường kịch nghệ trở nên đơn giản hơn và cũng buồn tẻ hơn. Có những tụ điểm kịch nói chỉ vừa mới khai trương đã phải đóng cửa trong nỗi ngậm ngùi không dễ chia sẻ cùng ai.

Đạo diễn Hạnh Thuý thẳng thắn nhận định: “Tôi thấy nhiều người mở sân khấu mà liều quá. Không có nhân lực, không có diễn viên trụ cột. Kịch bản cũng không có, phải lấy vở cũ ở chỗ khác về dựng lại. Với cách làm “hồn nhiên” như thế thì việc sân khấu hoạt động èo uột, chết yểu là chuyện được báo trước”.

Thuốc đắng dã tật, phải chăng đã đến lúc phải nói thật về sân khấu tư nhân, nói thật về quá khứ đáng tự hào và hiện tại nhiều ngổn ngang? Chỉ cần có sự quan tâm nhất định, sẽ dễ dàng nhận ra những gười làm nghề đang loay hoay tìm cách tự cứu mình. Điều này vừa phụ thuộc vào bản lĩnh sân khấu lẫn trách nhiệm với nghề nghiệp, khán giả. Chỉ có một số ít sân khấu có bản sắc riêng, các sân khấu còn lại đều tương đối giống nhau khi cùng khai thác thể loại kinh dị, đồng tính, hài hước... Chính vì cách duy nhất để tự cứu sân khấu là làm sao để có khán giả, nên họ nhốn nháo trong cách chọn đề tài, thậm chí có sân khấu không biết khán giả của mình là ai. Trong bối cảnh xã hội hóa gay gắt như bây giờ, sân khấu đang thiếu kịch bản trầm trọng.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, người rất thành công với thương hiệu Kịch IDECAF bày tỏ: “Khán giả của ngày hôm nay đã khác rất nhiều so với 5-10 năm về trước, trong khi các tác giả đang thiếu việc nghiên cứu kỹ thị trường. Theo khảo sát, khán giả hiện nay phân chia thành nhiều nhóm đối tượng khác nhau: khán giả lớn tuổi, khán giả trẻ, thiếu nhi... trong từng nhóm lại phân chia nhỏ hơn, mỗi nhóm lại có thị hiếu, sở thích không giống nhau.

Trong khi đó, đội ngũ tác giả nhiều người có trình độ rất giỏi, có khả năng biên kịch nhưng nhiều kịch bản lại rơi vào tình trạng chung chung, gửi đến các sân khấu trong thế hên xui, có thể được nhận, có thể không. Nhiều tác giả gần như là viết cho riêng mình, theo sở thích và sở trường cá nhân mà không quan tâm đến thị hiếu khán giả.

Trong khi đó, lực lượng các tác giả trẻ dù có nhiệt huyết và sự tươi mới nhưng kịch bản lại hời hợt, thiếu tính văn học. Đối với lĩnh vực kịch nói, tính thẩm mỹ là yếu tố cao nhất, nếu thiếu điều đó coi như thất bại. Theo cá nhân tôi, vấn đề cần nhất hiện nay, các tác giả cần chịu khó và xác định mình sẽ viết cho phân khúc và đối tượng khán giả nào”.

08-03-25_vo_kich_bi_mt_vuon_le_chi
Vở kịch nổi tiếng của sân khấu tư nhân: “Bí mật vườn Lệ Chi”

Bây giờ chính sân khấu tư nhân cũng cảm thấy họ rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Có thể tìm kiếm trợ lực ra sao? Đạo diễn Trần Minh Ngọc phân tích: “Trên thế giới, chả nước nào không đầu tư cho văn hoá, nhưng quan trọng là đầu tư như thế nào. Đầu tư kiểu chia nhỏ miếng bánh, mỗi người một góc lót dạ thì chẳng nên trò trống gì. Ít nơi nào có khán giả nồng nhiệt như TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, khán giả chỉ bỏ tiền mua vé, chứ không thể bỏ tiền bù đắp cho giá cả mặt bằng làm tụ điểm sân khấu vẫn tăng chóng mặt.

Nhiều rạp hát để trống, hoặc nhiều rạp chiếu bóng đã chuyển đổi công năng thành quán cà phê hoặc tiệm thời trang, thì khán giả đâu có quyền chỉ đạo để cho sân khấu tư nhân thuê! Từ năm 1986 đến 1996 là 10 năm vinh quang của xã hội hoá sân khấu, đỉnh cao phải kể đến vở kịch “Dạ cổ hoài lang” công diễn hàng ngàn buổi. Sau đó, cơ chế thị trường lại tác động tiêu cực làm thành một vòng luẩn quẩn, hết hài nhảm lại đến kinh dị. Sau trào lưu “Người vợ ma” suy thoái, thì sân khấu tư nhân mạnh ai nấy… nín thở chờ đợi thời cơ! Xã hội hoá sân khấu chỉ còn chú trọng tính giải trí. Tôi lưu ý, giải trí lành mạnh cũng là một khía cạnh của nghệ thuật, nhưng sân khấu không thể rời xa thời cuộc. Những người làm sân khấu đang né tránh những vấn đề gai góc như tham nhũng, nhất là các tác giả. Người viết kịch toàn cung cấp những câu chuyện đâu đâu.

Chống tham nhũng trên sân khấu được không? Được chứ, nhưng phải có tính khái quát. Chứ nói cho hả hê thì không được, hình tượng sân khấu mới là điểm nhấn. Tôi thấy nhiều tác giả viết kịch chưa đủ tầm với tới đề tài gai góc. Và tôi cũng chờ một kịch bản chống tham nhũng để bản thân được dàn dựng một cách hào hứng!”

Thành tựu sân khấu tư nhân bằng túi tiền của mình đã góp cho đời sống văn hoá không ít tác phẩm đẳng cấp! Đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ: “Những vở kịch như “Bí mật vườn Lệ Chi” hoặc “Ngàn năm tình sử” xứng đáng ghi tên vào lịch sử sân khấu Việt Nam. Mới đây, Kịch IDECAF còn dàn dựng kịch múa “Tiên Nga” cực kỳ ấn tượng.

Chưa kể, bầu show Hoa Hạ từng bỏ mấy tỷ đồng dựng vở cải lương “Kim Vân Kiều” rất hoành tráng! Dù ai đó nóng mặt thì tôi cũng xin thưa: lãnh đạo ngành văn hoá thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam đã không có chiến lược phát triển sân khấu xã hội hoá. Khi sân khấu tư nhân hưng thịnh thì không biết tạo điều kiện để có sức bật mạnh mẽ hơn. Còn bây giờ, thu nhập của sân khấu tư nhân đã kém đi, thì tụ điểm để diễn lại thành bài toán nan giải.

08-03-25_vo_nhc_kinh_tien_ng
Một cảnh trong vở nhạc kịch "Tiên Nga"

Thật buồn, nếu ngày mai ngang qua rạp hát thấy treo biển “nơi đây ngày xưa có diễn kịch”. Tôi đặt câu hỏi: các trại sáng tác kịch bản sân khấu có còn hiệu quả không? Vì rất ít kịch bản mới được dàn dựng. Sân khấu chờ mãi vẫn chưa thấy Lưu Quang Vũ khác xuất hiện. Bây giờ, sân khấu tư nhân mua kịch bản về, phải đắp da đắp thịt thì mới diễn được. Thật hiếm có nơi nào như sân khấu nước ta, diễn viên phải bồi thêm cho kịch bản thì mới có thể thuyết phục được công chúng!

Tuổi thọ vở diễn càng cao, thì nhuận bút của tác giả càng nhiều chứ. Ví dụ, tác giả Vương Huyền Cơ từng nhận mỗi năm khoảng 200 triệu đồng cho kịch bản “Khi đàn ông có bầu” dàn dựng ở sân khấu Kịch Sài Gòn”.

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm ‘Đường lên Điện Biên’ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm