Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, tháng 5/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã lần đầu tiên công bố các dữ liệu sơ bộ về cung - cầu lúa gạo thế giới niên vụ 2021/22.
Theo đó, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ tăng 2% so với niên vụ trước lên kỷ lục mới là 505 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng sẽ tăng ở Bangladesh, Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng dự báo sẽ giảm ở Ấn Độ và Mỹ, mặc dù tỷ lệ giảm ở Ấn Độ không đáng kể so với tổng sản lượng của nước này.
Diện tích trồng lúa trên toàn cầu niên vụ 2021/2022 dự báo sẽ tăng, chủ yếu nhờ các nước Châu Á và Châu Phi, mặc dù diện tích giảm ở Mỹ.
Về niên vụ 2020/2021, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu so với báo cáo trước đó, chủ yếu do sản lượng giảm ở Bờ Biển Ngà và Bangladesh.
Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 dự báo sẽ tăng, chủ yếu do tiêu thụ tăng ở Đông Á, nhất là Trung Quốc (tăng cường sử dụng gạo làm thức ăn chăn nuôi). Tiêu thụ gạo ở Đông Nam Á dự báo vẫn ổn định, song ở Châu Phi cận Sahara sẽ hồi phục nhờ nguồn cung tăng lên và giá gạo rẻ đi.
Thương mại gạo thế giới năm 2021 sẽ gia tăng chủ yếu nhờ Ấn Độ tăng mạnh xuất khẩu gạo do giá cả cạnh tranh, mặc dù nguồn cung ở Ấn Độ giảm, cũng như ở Trung Quốc. Ấn Độ dự báo sẽ tiếp tục thống trị thị trường gạo xuất khẩu trên toàn cầu.
Thương mại gạo thế giới năm 2022 dự báo sẽ vẫn duy trì như năm 2021. Trong đó, nhập khẩu của khu vực Nam Á dự báo sẽ giảm mạnh nhất, do Bangladesh nỗ lực thúc đẩy sản lượng lúa gạo hồi phục sau 2 năm thất bát.
Tuy nhiên, nhập khẩu gạo vào Châu Phi cận Sahara sẽ tăng mạnh, nhất là Nigeria và Madagascar. Nhập vào các thị trường: Trung Mỹ, Trung Đông và Caribe dự báo sẽ tương đối ổn định như năm nay, trong khi vào Nam Mỹ sẽ giảm trong bối cảnh sản xuất và nguồn cung dồi dào.
Về xuất khẩu, USDA dự báo Ấn Độ sẽ vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới trong năm 2022, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Xuất khẩu từ Trung Quốc dự kiến sẽ tương đương năm 2021.