Nắm bắt được thế mạnh địa phương, một số HTX, Tổ hợp tác đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, với sự trợ lực từ chương trình OCOP, các HTX đã khẳng định được giá trị sản phẩm trên thị trường, đưa sản phẩm đặc trưng đến gần hơn với người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Hoài Đông, Giám đốc HTX Sen Việt, ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) chia sẻ: Đồng Tháp là vùng đất sen hồng, có thế mạnh phát triển cây sen hàng chục năm qua. Vì vậy nhiều tập thể, HTX và cá nhân đang được nhà nước hỗ trợ vốn để đưa sản phẩm đặc sản sen vào chương trình OCOP. Từ đó giúp khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh từ cây sen gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống của địa phương.
Riêng HTX Sen Việt nhiều năm qua đã góp phần đưa cây sen và các sản phẩm từ sen của tỉnh Đồng Tháp lên một tầm cao mới. Người dân và thành viên HTX đã bước đầu có thêm nguồn thu nhập ổn định từ cây sen tính ra cao hơn trồng lúa từ 2-3 lần.
Theo ông Đông, khi bắt tay vào chế biến từ sản phẩm sen, HTX mới nhận thấy sen nguyên liệu do nông dân cung ứng thường tập trung theo mùa. HTX tập trung vào sản xuất 3 sản phẩm chủ lực như “trà tâm sen Tâm An”, “trà lá sen Thanh An” và sản phẩm bột sữa sen của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Hiện những sản phẩm từ sen được tiêu thụ rất mạnh ở trong nước.
Ông Nguyễn Phước Thiện, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho hay: Riêng năm 2021, Đồng Tháp có thêm ít nhất 49 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời tỉnh còn triển khai, phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm cấp tỉnh tại TP. Cao Lãnh trên cơ sở kết hợp vào không gian hỗ trợ cồng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận OCOP năm 2019 và 2020 của tỉnh, phấn đấu ít nhất có 20 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao năm 2021. Song song đó, UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả 2 mô hình điểm của tỉnh, đó là Sản phẩm từ sen huyện Tháp Mười và Dự án phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Đéc (TP. Sa Đéc).
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025. Chương trình OCOP này sẽ giúp cho Đồng Tháp phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phù hợp, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thông qua đó sẽ đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.500 cán bộ quản lý (cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Duy trì, củng cố các sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao. Phấn đấu tiêu chuẩn ít nhất 4 sản phẩm đạt 4 sao OCOP 2020 đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2021. Phấn đấu có khoảng 150 sản phẩm mới của 70 chủ thể tham gia chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu ít nhất có 15 sản phẩm đạt 5 sao.
Song song đó, triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên cơ sở kết hợp vào không gian hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025 Đồng Tháp phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được kết nối liên kết với các hệ thống siêu thị hoặc trung tâm thương mại điện tử trong nước. 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên ít nhất tại một sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước.
Theo ông Tuấn, mục tiêu tổng quát của kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Đồng Tháp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dự kiến từ đây đến cuối năm 2021 sẽ tổ chức Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL năm 2021 với chủ đề “Liên kết cùng phát triển”.
Diễn đàn lần này có trên 350 gian hàng của các tỉnh ĐBSCL sẽ tham gia sự kiện này được chia thành nhiều khu vực như: Triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương kết hợp quảng bá văn hóa và du lịch, không gian trình diễn của các nghệ nhân làng nghề, khu triển lãm sinh vật cảnh.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của Diễn đàn còn diễn ra Hội thảo giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, tổng kết công tác xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phía Nam năm 2021. Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh thành phía Nam năm 2021. Hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL.