Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Sa Pa là địa phương dẫn đầu về số lượng sản phẩm từ 3 sao trở lên với 30 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 8 sản phẩm 4 sao.
Các sản phẩm OCOP thuộc 6 nhóm ngành: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Các sản phẩm này mang tính đặc trưng, truyền thống của địa phương, phần nào khẳng định được thương hiệu trên thị trường và được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước như: Sản phẩm thảo dược của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa, sản phẩm vải và may mặc của Công ty TNHH TMTH Lan Rừng, quả su su của Hợp tác xã Hoa Đào...
Đặc biệt, sản phẩm cá hồi của Trại cá Hồi Thức Mai. Hộ kinh doanh này trước đây chỉ tập trung nuôi cá hồi thương phẩm, nay đã đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị hiện đại phục vụ chế biến sâu, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con và chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm.
Tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện sản phẩm cá hồi của Trại cá Hồi Thức Mai đã có mặt ở 53 tỉnh thành trong cả nước, doanh thu tăng gấp 3-4 lần so với trước khi được chứng nhận OCOP.
Có thể nói, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã thổi một luồng gió mới trong tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ nông nghiệp an sinh sang sản xuất hàng hóa, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, thị xã Sa Pa sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm thế mạnh hiện có của địa phương, tập trung nâng cấp các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, hình thành ít nhất 5 sản phẩm mới, củng cố ít nhất 5 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.