| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu kiệu Tam Nông

Thứ Hai 08/11/2021 , 17:48 (GMT+7)

Mấy năm nay, nhiều hộ dân ở Tam Nông, Đồng Tháp khá lên nhờ trồng kiệu trên đất lúa và chế biến sâu các sản phẩm kiệu phục vụ Tết Nguyên đán.

1 ha kiệu bằng mấy ha lúa

Khoảng 10 năm trở về trước, phần lớn đất nông nghiệp ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp được trồng lúa. Mặc dù năng suất lúa không phải thấp, một công lúa (1000m2), nếu làm giỏi, thêm mưa thuận gió hoà, có thể đạt 9 tạ đến 1 tấn lúa tươi. Tuy nhiên, với giá chỉ vài ngàn đồng 1kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 1 công lúa chỉ còn được 2-3 triệu đồng. Trong khi đó, 1 công đất ấy, nếu trồng kiệu, có thể đạt 3-4 tấn, với giá từ 20 – 25 ngàn đồng 1kg kiệu giống, sau khi trừ chi phí, có thể lãi từ 15-20 triệu đồng/1 công, tức gấp 7-8 lần lúa. Còn nếu là kiệu tươi thành phẩm, giá tuỳ từng thời điểm, đạt từ 11-15 ngàn đồng/kg. Hiện tại, củ kiệu được trồng khoảng 100ha tại các xã Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thành A, B…Trong đó, xã Phú Hiệp được coi là “thủ phủ” của kiệu thương phẩm và kiệu giống.

Kiệu cho thu nhập cao hơn lúa nhiều nhưng do dịch Covid-19 nên bị ảnh hưởng, anh Phạm Văn Quang đang mong thị trường sớm trở lại bình thường. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Kiệu cho thu nhập cao hơn lúa nhiều nhưng do dịch Covid-19 nên bị ảnh hưởng, anh Phạm Văn Quang đang mong thị trường sớm trở lại bình thường. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Tại cánh đồng kiệu ở ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Quang, 37 tuổi, đang chăm sóc 14 công kiệu hơn 3 tháng tuổi. Anh cho biết: “Đất của cha mẹ chia cho 3 anh em có 14 công này thôi, nên làm cái gì cũng làm chung. Hồi xưa đất này trồng lúa nhưng không có ăn. Sau đó chuyển sang trồng sen. Mặc dù thu nhập từ sen cao hơn lúa, nhưng so với kiệu thì vẫn thua, nên 2 năm trở lại đây tụi tôi chuyển sang trồng kiệu. Năm đầu tiên trồng kiệu, mỗi công kiệu lãi khoảng 10 triệu đồng. Nếu làm kiệu giống thì lợi nhuận cao hơn, nhưng trung bình mỗi công phải đầu tư thêm hơn chục triệu cho chi phí thu hoạch, sơ chế, phơi và trữ kiệu. Còn bán kiệu tươi lãi ít, nhanh thu hồi vốn. Hiện tại, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá kiệu thấp, mà tìm thương lái cũng khó, nên sẽ phải tính đến việc ngâm vốn, làm kiệu giống”.

Theo anh Quang, kỹ thuật trồng kiệu cũng đơn giản, chỉ cần chú ý nắm bắt 1 thời gian ngắn là có thể làm được. Cây kiệu thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, nhưng cũng cần nắm vững quy trình kỹ thuật, từ làm đất, lên liếp, xuống giống, đến bón phân, chăm sóc... nhất là trên đất phèn, cần làm luống, thoát nước kỹ. “Quan trọng là chọn thời điểm xuống giống, làm sao để thu hoạch kiệu bán được giá. Nếu làm tốt thì bình quân có thể thu lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/công. Thế nhưng, nếu không nắm vững kỹ thuật và phòng trừ tốt bệnh cháy lá, sâu dòi tấn công sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư, làm giảm lợi nhuận”, anh Quang nói.

Thu hoạch, phơi kiệu ở cơ sở kiệu Thanh Long Phú Hiệp, Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Thu hoạch, phơi kiệu ở cơ sở kiệu Thanh Long Phú Hiệp, Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Hiện tại, do ảnh hưởng dịch nên các loại nông sản khác đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra, trong đó có củ kiệu. “Mọi năm, giá kiệu tươi thương lái mua tại ruộng 12 ngàn đồng/kg. Bình quân 1 năm làm 2 vụ, thu nhập cao hơn lúa nhiều lắm. Năm nay dịch thế này nên đầu ra và giá khó khăn. Vừa rồi UBND xã có thông báo về việc huyện hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, và tôi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ Tổ kết nối tiêu thụ nông sản của huyện khoảng hơn 1 tấn kiệu tươi rồi”, anh Quang nói.

Anh Quang cho biết, ngoài tiêu thụ qua kết nối của huyện, xã, anh cũng liên hệ các cơ sở chế biến kiệu ở Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Thành A…. Nếu bán không hết, anh sẽ chọn làm kiệu giống.

Và thương hiệu kiệu Phú Hiệp

Theo người dân Tam Nông, các sản phẩm kiệu Phú Hiệp (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) đã có mặt trên thị trường từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Hương vị thơm, giòn, cay nồng, ngọt thanh của kiệu Phú Hiệp đã trở thành sàn phẩm nổi tiếng, được người tiêu nhiều tỉnh thành biết đến. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “kiệu Phú Hiệp” gồm các sản phẩm củ kiệu khô, củ kiệu chua ngọt, củ kiệu tươi, dịch vụ mua bán củ kiệu…

Tại Phú Hiệp, có nhiều cơ sở chế biến kiệu như cơ sở dưa kiệu Thành Công của bà Nguyễn Thị Cưng, Hội quán Hiệp Tân của ông Phạm Hoàng Bộ. Đặc biệt, tại Phú Hiệp, có thêm một sản phẩm từ củ kiệu khá độc đáo, đó là kim chi củ kiệu mang nhãn hiệu Thanh Long của anh Nguyễn Chí Khanh ở ấp K10, xã Phú Hiệp.

Sản phẩm kim chi củ kiệu nhãn hiệu Thanh Long của anh Nguyễn Chí Khanh ở Phú Hiệp. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Sản phẩm kim chi củ kiệu nhãn hiệu Thanh Long của anh Nguyễn Chí Khanh ở Phú Hiệp. Ảnh: Nguyễn Thuỷ.

Anh Khanh cho biết, mặc dù sản phẩm kim chi củ kiệu Thanh Long ra đời chưa lâu, nhưng đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và bán rất chạy. Với hương vị đặc trưng tự nhiên của củ kiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu làm kim chi củ kiệu gồm lá kiệu, củ kiệu, nước sạch và bột ớt, được pha chế, ngâm, trộn theo một công thức hợp lý. Sản phẩm được đóng gói hũ 500gram, bịch 250gram, 500gram, với giá bán từ 30.000 - 110.000đồng/bịch, hũ, cơ sở làm liên tục mà không đủ sản phẩm bán.

Theo anh Khanh, kiệu là một trong những loại cây trồng cho lợi nhuận cao và nhanh ở vùng đất Tam Nông. Sau mấy năm khởi nghiệp, sản phẩm dưa kiệu và kim chi kiệu của cơ sở anh đã từng bước tiếp cận người tiêu dùng và nhận được những phản hồi tích cực, dịp Tết Nguyên đán năm 2021 vừa qua, anh cung cấp cho thị trường hàng ngàn hũ, bịch dưa kiệu và kim chi củ kiệu. “Rất mừng, rất tự hào khi sản phẩm kiệu của quê hương Phú Hiệp được người tiêu dùng yêu thích. Hiện tại, cơ sở sản xuất quanh năm để cung ứng cho thị trường. So với trồng kiệu thì lợi nhuận từ các sản phẩm kiệu chế biến không cao, nhưng đây là một giải pháp rất hiệu quả góp phần giải quyết việc ùn ứ nguyên liệu vào mỗi mùa vụ, giải quyết vấn đề lao động nhàn rỗi ở địa phương”, anh Khanh nói.

“Lâu nay, các sản phẩm kiệu Phú Hiệp đã được người tiêu dùng cả nước biết đến. Năm 2019, sản phẩm kiệu Phú Hiệp đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đây là yếu tố quan trọng để quảng bá sản phẩm nông sản địa phương ra thị trường. Những năm qua, huyện có nhiều chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh chế biến nhằm tăng giá trị cạnh tranh và giảm áp lực mùa vụ đối với cây kiệu, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm củ kiệu của địa phương”, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Vinacoco nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt

Sau khi nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2022, Công ty Thực phẩm Vinacoco, thành viên của GC Food Group, lại tiếp tục được trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024.