| Hotline: 0983.970.780

Bình Định thêm nhiều sản phẩm OCOP

Thứ Hai 22/11/2021 , 10:16 (GMT+7)

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) ở Bình Định ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, tiến tới kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ...

Theo ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, cuối tháng 10/2021 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt I năm 2021 thuộc Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh Bình Định. Theo đó, có 21 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP.

Trong số 21 sản phẩm OCOP được công nhận lần này có sản phẩm nước mắm Bếp Xưa của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Thịnh Đạt ở thị xã Hoài Nhơn đạt từ 90-100 điểm, được xếp hạng có tiềm năng đạt sản phẩm hạng 5 sao. Sản phẩm Tương ớt Tiến Phát của cơ sở sản xuất nước chấm Trung Hưng Nguyên ở huyện Phù Mỹ đạt từ 70-89 điểm được xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm của 18 chủ thể đạt 50 - 69 điểm được xếp hạng 3 sao.

Sản phẩm giống gà ta của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đạt sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: V.Đ.T

Sản phẩm giống gà ta của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đạt sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: V.Đ.T

Trong 19 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao lần này riêng thị xã Hoài Nhơn có 8 sản phẩm, gồm: Chuối Mốc Hoài Sơn của HTXNN Hoài Sơn; Bưởi da xanh của hộ kinh doanh Dương Đình Tá; Bánh tráng gạo mè Phương Nguyên của Công ty TNHH Phương Nguyên Việt Nam; Bánh tráng gạo mè Ngọc Huệ của Cơ sở sản xuất bánh tráng Ngọc Huệ; Dừa nướng Thanh Bình của Cơ sở sản xuất Dừa dòn Thanh Bình; Dừa nướng Thanh Phương của Cơ sở sản xuất Dừa dòn Thanh Phương; Phở gạo lức Thảo Nguyên và Phở gạo rau củ quả Thảo Nguyên của Cơ sở sản xuất Phở gạo khô Thảo Nguyên.

Thành phố Quy Nhơn có 2 sản phẩm, gồm: Bột ngũ cốc Khánh Giang của Cơ sở Ngũ cốc Khánh Giang-Nông sản và Chả ra tôm đất Hồng Hạnh của Cơ sở Chả ram Hồng Hạnh. Huyện Phù Mỹ có 6 sản phẩm, gồm: Dưa lưới Bảo Hà - Mỹ Hiệp của hộ kinh doanh Năm Long; Nấm Hoàng đế của HTXNN Hữu cơ AgriBio; Cam sành núi ông Diệu của hộ kinh doanh Hồ Ngọc Thanh; Ốc bươu đen A.Trí - Mỹ Hiệp của hộ kinh doanh Thái Thanh Trí; Phở gạo khô Minh Phúc Thịnh của Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Minh Phúc Thịnh và Bún số tám Nguyễn Châu của hộ kinh doanh Nguyễn Châu...

Những sản phẩm OCOP của thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) được trưng bày, giới thiệu. Ảnh: V.Đ.T

Những sản phẩm OCOP của thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) được trưng bày, giới thiệu. Ảnh: V.Đ.T

Thông qua chương trình OCOP, nhiều làng nghề nông thôn ở Bình Định được mở rộng, phát triển. Khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Bình Định tích cực hỗ trợ cho người nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những chủ trương, chính sách của tỉnh ban hành đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Phan Thành Giản, triển khai chương trình OCOP, tỉnh này đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm có chất lượng của mình vào các siêu thị, đại lý và các chợ truyền thống để vừa bán sản phẩm vừa quảng bá thương hiệu.

“Ngoài việc thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày quảng bá các sản phẩm OCOP, chúng tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị để giới thiệu mặt hàng, sản phẩm OCOP trên các trang mạng xã hội, qua đây có thể kết nối sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng. Thời gian gần đây, nhóm sản phẩm OCOP của Bình Định đã chủ động tiếp cận thị trường, thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm; tăng cường phối hợp, tổ chức các hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng”, ông Giản chia sẻ.

Sản phẩm gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở huyện Phù Cát (Bình Định) xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Ảnh: V.Đ.T

Sản phẩm gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở huyện Phù Cát (Bình Định) xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Ảnh: V.Đ.T

Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Bình Định nhắm đến mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương như nguồn nguyên liệu, lao động, góp phần ổn định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.

Trong thời gian tới, Văn phòng điều phối nông thôn mới Bình Định sẽ phối hợp các địa phương hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt II năm 2021. Dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt II với trên 30 sản phẩm đăng ký tham gia.

“Trong năm 2022, Bình Định sẽ nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, phấn đấu có trên 30 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và khoảng 20 sản phẩm được nâng hạng, trong đó có 2 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao, 10 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; 2 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp Trung ương. Phát triển Chương trình OCOP ở Bình Định ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm được chứng nhận OCOP”, ông Phan Thành Giản.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.