| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm V LIVE: Không có trên cổng thông tin Cục An toàn thực phẩm?

Thứ Năm 21/10/2021 , 09:04 (GMT+7)

Tìm kiếm trên hai website của Cục An toàn thực phẩm không thể tìm thấy thông tin "Đăng ký công bố sản phẩm" của các sản phẩm V LIVE...

Thời gian gần đây tại thị trấn Thanh Miện, Hải Dương có nhiều người dân phản ánh về việc bà Giang Thị Thía - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Miện thực hiện mô hình kinh doanh khởi nghiệp, trong đó có buôn bán sản phẩm: "Bộ 3 thực phẩm dinh dưỡng tế bào V LIVE". Theo nhiều người dân nơi đây thì bà Thía đã quảng cáo, mời gọi nhiều người tham gia mô hình kinh doanh kiểu "không cần làm gì hết".

Tuy nhiên, nhiều giấy phép liên quan đến các sản phẩm bà Thía kinh doanh đã hết hạn, không tra cứu được, đặt ra nhiều nghi vấn về pháp lý. Cụ thể, hiện nay không thể tìm thấy thông tin "Đăng ký công bố sản phẩm" của các sản phẩm V LIVE trên hệ thống cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Không thể tìm thấy thông tin 'Đăng ký công bố sản phẩm' của các sản phẩm V LIVE trên hệ thống cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh chụp màn hình.

Không thể tìm thấy thông tin "Đăng ký công bố sản phẩm" của các sản phẩm V LIVE trên hệ thống cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh chụp màn hình.

Không có trên cổng thông tin Cục An toàn thực phẩm

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, các sản phẩm V LIVE  được bán trên website của BCA Solutions, quảng cáo mang công nghệ Đức, sản xuất lại Malaysia, nhưng nhiều giấy phép tiếng nước ngoài của bộ sản phẩm V LIVE đã hết hạn vài năm, đặt ra nghi vấn về chất lượng.

Trong các thông tin đăng tải trên website chính thức của các sản phẩm V LIVE (vlive-international.vn), có 3 "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" do cơ quan quản lý là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp cho 3 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của V LIVE.

Cụ thể, các "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" này lần lượt có số như sau: 7073/2018/ĐKSP cho sản phẩm V NERAL, 7074/2018/ĐKSP cho sản phẩm V OXY+ và 7075/2018/ĐKSP cho sản phẩm V TRITION. Cả 3 văn bản này đều được ký ngày 30/10/2018, theo thông tin trong văn bản, người ký là Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Đỗ Hữu Tuấn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các thông tin về công bố sản phẩm và nhiều văn bản liên quan đến an toàn thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm đăng tải trên các cổng thông tin của mình. Cụ thể, các thông tin này có thể được tra cứu tại 2 website có địa chỉ: https://nghidinh15.vfa.gov.vn/http://congbosanpham.vfa.gov.vn/.

Thế nhưng, khi tìm kiếm trên 2 website trên, không thể tìm thấy thông tin liên quan đến "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" của các sản phẩm V LIVE.

Để xác định nguyên nhân cụ thể của hiện tượng này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã gửi công văn đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để làm rõ. Tuy nhiên, từ ngày 11/10 đến nay, Báo vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi của Cục An toàn thực phẩm.

Về quy trình thủ tục để được nhập khẩu, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam, Luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định.

Cụ thể, Luật sư Nguyễn Thế Hiển, Công ty Luật Trường Sơn cho biết, theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thì "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh".

Pháp luật cũng quy định: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm" đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm. Như vậy thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi được phép lưu hành ra thị trường thì cần phải làm thủ tục công bố sản phẩm.

"Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến Bộ Y tế và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo. Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Nhiều giấy phép nước ngoài của nhóm sản phẩm V LIVE đăng trên website chính thức (vlive-international.vn) đã hết hạn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều giấy phép nước ngoài của nhóm sản phẩm V LIVE đăng trên website chính thức (vlive-international.vn) đã hết hạn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nếu cố ý trục lợi, có thể xử lý hình sự

Liên quan vấn đề nhiều giấy phép tiếng nước ngoài của bộ sản phẩm V LIVE đã hết hạn nhưng chưa công khai các giấy phép mới, còn giá trị trong thời điểm hiện tại, Luật sư Hà Trọng Đại cho biết: "Theo quy định tại Thông tư 43/2014/TT-BYT và Nghị định 38/2012/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng bao gồm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Làm rõ hơn vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Hiển nói, theo quy định về Trình tự đăng ký bản công bố sản phẩm tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2, 4, 5 Điều 8 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thì sau khi đã nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế và trải qua thẩm định hồ sơ, cá nhân, tổ chức sẽ được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và có thể bắt đầu kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đó.

Ngoài ra nếu trong trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến Bộ Y tế và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo. Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Luật sư Hiển thông tin: "Nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp không tự công bố lại sản phẩm, đăng ký lại bản công bố sản phẩm trong trường hợp có sự thay đổi về tên, xuất xứ, thành phần cấu tạo hoặc không thực hiện thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến Bộ Y tế hoặc có thông báo nhưng nội dung không phù hợp hoặc không có tài liệu phù hợp theo quy định chứng minh cho sự thay đổi thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo Điểm a, b Khoản 4 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm".

"Tuy nhiên, nếu hành vi trên là cố ý vì mục đích trục lợi mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, người phân phối sản phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017", Luật sư Hà Trọng Đại cho biết thêm.

Bao bì sản phẩm V LIVE in chứng chỉ ISO 9001 nhưng không nêu rõ ISO 9001:2008 hay ISO 9001:2015, trong khi bản công bố trên website chính thức (vlive-international.vn) chỉ là ISO 9001:2008. Ảnh: Tùng Đinh.

Bao bì sản phẩm V LIVE in chứng chỉ ISO 9001 nhưng không nêu rõ ISO 9001:2008 hay ISO 9001:2015, trong khi bản công bố trên website chính thức (vlive-international.vn) chỉ là ISO 9001:2008. Ảnh: Tùng Đinh.

Chứng chỉ ISO 9001:2008 không còn giá trị

Trên vỏ hộp của các sản phẩm V LIVE in rất rõ chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9001, nhưng không nêu rõ ISO 9001:2008 hay ISO 9001:2015. Trong khi đó, trên website của V LIVE chỉ vỏn vẹn có hình ảnh của chứng chỉ ISO 9001:2008, đã hết hạn từ tháng 9/2018, đến nay là hơn 3 năm.

Liên quan vấn đề này, chuyên viên tư vấn Phạm Chí Thành của Văn phòng Luật sư Phạm Sơn cho biết, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/9/2015 để thay thế tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Theo hướng dẫn của tổ chức ISO và Diễn đàn các tổ chức công nhận quốc tế (IAF), các Doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 có thời gian 3 năm kể từ ngày tiêu chuẩn mới được ban hành để chuyển đổi sang tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

“Điều này có nghĩa là mọi giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 sẽ hết hiệu lực sau ngày 14/9/2018”, ông Phạm Chí Thành khẳng định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.