| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ xanh của kinh tế tuần hoàn

Thứ Ba 04/01/2022 , 08:17 (GMT+7)

Thế giới đang đề cao phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững mà trong đó, kinh tế tuần hoàn là một xu thế lớn.

Tôi vẫn nhớ cái nheo mắt tinh nghịch của cô cháu gái khi dúi vào tay tôi món quà nhỏ là gói snack da cá có bao bì sặc sỡ của Trung Quốc. À, họ đã kịp nuôi được cá tra để làm ra snack da cá đây hả cháu? Cô cháu cười khanh khách: Dạ da cá tra sấy khô, họ còn phủ phô mai nên khá ngon, mà da cá này không phải từ cá tra họ nuôi đâu ạ, chính là họ đi mua từ ca tra của Việt Nam bác ơi...

Từ mô hình "kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp"

Từ mấy năm rồi, họ thuê người Việt Nam đi thu mua bằng hết những phụ phẩm của con cá tra sau khi các nhà máy chỉ lọc lấy phi lê làm hàng xuất khẩu: nào vây, đầu, xương, mỡ, da cá và cả... máu cá. Không bỏ sót thứ gì với giá cực rẻ. “Đồ bỏ” mà. Và từ đó nhiều món ăn vặt được chế biến hợp khẩu, hấp dẫn, đã quay lại bán trên thị trường mình với giá tốt.

Sen khô (lá và hoa) thành vật phẩm trang trí nghệ thuật tại các quán trà của CT Ecolotus ở TP.HCM và ở Pháp.

Sen khô (lá và hoa) thành vật phẩm trang trí nghệ thuật tại các quán trà của CT Ecolotus ở TP.HCM và ở Pháp.

Vừa qua, tham gia chấm thi chung kết các dự án khởi nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, tôi chú ý nhất là dự án “Trồng nấm Hoàng đế bằng rơm khô của ĐBSCL”. Cô giáo trẻ, kỹ sư sinh học Phạm Thị Phước Vân của Phước Vân farm trình bày lý lẽ khiến cô xây dựng nông trại này: đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm thải ra 50 triệu tấn rơm khô, nông dân dùng làm nấm rơm, làm phân và thức ăn gia súc mà vẫn không hết. Họ đem đốt đồng, hun khói, được các nhà thơ nhạc sĩ cảm tác nhiều bài hay nhưng lại gây ô nhiễm môi trường.

Cô Phước Vân nghĩ tới làm meo nấm và từ tháng 4 tới giờ, đã mở được 6 lớp gọc cho các gia đình nông dân đồng bằng. Cô nêu 8 thuận lợi khi dùng rơm khô trồng ra loại nấm giá trị cao, dễ làm, dễ bảo quản mang lại cho mỗi người trồng được 8 triệu đồng mỗi tháng.

Tôi nói với cô giáo trẻ: Em làm kinh tế tuần hoàn giỏi quá. Có vẻ đây là lần đầu tiên cô nghe tới cái tên đó, khẽ khàng hỏi tôi, đó là mô hình làm ăn mới hả cô?

Tôi kể chuyện với cô giáo trẻ về gói snack da cá mới ăn tuần qua. Đồng bằng Nam bộ mình, những thửa ruộng ngút mắt và những khu vườn mướt xanh, với khí hậu nhiệt đới mang lại biết bao nhiêu tài nguyên phong phú cho kinh tế tuần hoàn, mỗi loại cây, sau khi thu hoạch trái cây là món chính thì có biết bao nhiêu thứ “phụ tùng” có thể đem chế biến thành nhưng món độc đáo, từ cây dừa, cây chuối, cây mít, cây sen, cây lúa... Như mít non, mới đây, tổng kết 6 xu thế mới của khoa học công nghệ thế giới năm 2021, thì thịt chay, tức thịt thực vật đã được kể tới như một ngành kinh doanh mới đang phất và món mít non làm nguyên liệu chính cho thịt chay đã sớm được Công ty Vinamit chế biến và xuất khẩu đi châu Âu.

Tám năm trước, Vĩnh Hoàn bắt tay làm kinh tế tuần hoàn bằng cách chiết xuất collagen, gelatin từ da cá tra để tối ưu hóa giá trị phụ phẩm này. Nhà máy GMP-WHO ra đời sau đó đã sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm từ nguyên liệu là các chất được chiết xuất này, xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Bà Lệ Khanh từng nói tại Diễn đàn Mekong Connect 2020 rằng công ty đã thực hiện rất bài bản mô hình kinh tế tuần hoàn như giải pháp văn minh và bền vững: vùng nuôi thủy sản được qui hoạch 50% diện tích cho năng lượng tái tạo để tái tạo chất thải trong nuôi cá công nghiệp thành đầu vào của một quy trình mới...

Giám đốc Ecolotux Ngô Chí Công và chuyên gia Nguyễn Phi Vân trong buổi khai trương quán trà sen tại TP.HCM.

Giám đốc Ecolotux Ngô Chí Công và chuyên gia Nguyễn Phi Vân trong buổi khai trương quán trà sen tại TP.HCM.

Nhìn lại nền nông nghiệp Việt Nam, có thể nói, từ mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) cho đến rất nhiều cách làm truyền thống tận dụng cây, trái, hoa, lá, cành, cả trái non... các loại cây cối nhiệt đới, nông dân Việt Nam đã quá quen với kinh tế tuần hoàn?

Nhưng phải chăng kinh tế tuần hoàn chỉ thuận tiện để áp dụng cho nông nghiệp?

... đến nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững toàn cầu

Không, hoàn toàn không. Ngày nay đây là xu thế mới của các nền kinh tế phát triển thế giới. Thế giới đang đề cao phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững mà trong đó, kinh tế tuần hòan là một xu thế lớn, một mô hình hiện đại cần được đầu tư xây dựng có hệ thống và bài bản.

Điều rất quan trọng là mô hình này đã đươc công nhận chính thức trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII của chúng ta. Tại mục 5, về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, có đoạn: “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Và đây là lần đầu tiên mô hình kinh tế này được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng.

Với tư cách một mô hình, kinh tế tuần hoàn biểu hiện cụ thể qua cách ta đối xử với rác thải, bao bì sao cho tận dụng được tài nguyên và bảo vệ được môi trường. Thực tế là trên khắp hành tinh, tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác, sử dụng đến cùng kiệt, cộng thêm tác hại của thiên tai (biến đổi khí hậu, hạn mặn...) khiến nhân loại phải tính đến cách làm kinh tế khác, trong khi thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của con người, vẫn gìn giữ, bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Tôi có mấy lần được tham gia những chầu cà phê trao đổi chung quanh chuyện làm ăn của các công ty FDI, các công ty công nghệ của châu Âu và Bắc Mỹ. Vấn đề họ quan tâm là mối tương quan hữu cơ giữa tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Như lần mới đây, thảo luận với nhau về dự thảo của nghị định hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường, họ góp ý thẳng thắn: Nếu Văn kiện Đại hội coi “kinh tế tuần hoàn" là mô hình phải thực thi, thì các Bộ, ngành cần quán triệt định hướng này. Nếu quy định đưa tất cả các loại bao bì có giá trị thương mại như thùng carton, lon nhôm, chai thủy tinh, thùng nhựa, giấy vệ sinh... là rác thải, phải đóng phí tái chế thì sẽ làm tăng chi phí, giá thành của sản phẩm trong khi tất cả các nước công nghiệp trên thế giới đều coi đây nguyên liệu của một dòng sản phẩm tuần hoàn mới.

Các chuyên gia tư vấn về môi trường thẳng thắn khuyên chúng ta nên tập trung xây dựng một ngành công nghiệp quan trọng là xử lý và tái chế rác thải, bao bì.

Căn bản hơn, cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý, tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Dù các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn đã được đề cập trong một số văn bản hay trong một số đề án nông nghiệp (như đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030), tuy nhiên, rất cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn.

Về mặt các quy định quốc tế, nhiều quy định về tiêu chuẩn xuất khẩu đối với thủy sản, các chứng nhận sản xuất sạch (hữu cơ, sinh thái) sẽ ảnh hưởng lớn đển việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn theo đúng xu hướng các quốc gia tiến bộ trên thế giới. 

Mít non của Vinamit đã xuất khẩu đi Hoa Kỳ và châu Âu.

Mít non của Vinamit đã xuất khẩu đi Hoa Kỳ và châu Âu.

Nền công nghiệp thế giới đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khá lâu rồi bằng việc chuẩn bị công nghệ, kỹ thuật, nhân lực và xa hơn là thể chế, chính sách hỗ trợ để phát triển mô hình. Và đó là cả một kho tàng quý để chúng ta tham khảo vận dụng.

Giấc mơ xanh không có chỗ cho lời than "nho còn xanh"...

Cuộc sống đang thay đổi quá nhanh, nền kinh tế thế giới đã chuyển mình từ số hóa (áp dụng kỹ thuật số) tới chuẩn hóa tới hội nhập toàn vẹn để hướng tới phát triển bền vững.

Đến nay khái niệm mới nền kinh tế xanh, kết hợp 3 yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường mới đang là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế các nước, chống chọi với biến đổi khí hậu, thiên tai và tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.

Một câu khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng tuy ngắn nhưng bao hàm quá nhiều điều phải làm hiện nay: chuyển đổi tư duy, xây dựng hệ thống các công việc cần xây dựng, cần tổ chức hành động. Chậm chân là mua lấy sự tụt hậu, thua thiệt.

Giấc mơ kinh tế xanh cho Việt Nam, với tốc độ vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chúng ta không còn thời gian để trì hoãn. Nho còn xanh, đó là lời ta thán cho sự chậm trễ, thiếu sót về năng lực cạnh tranh khi ta còn chưa sẵn sàng để thay đổi và vượt lên.

Giấc mơ xanh nhất định phải xóa bỏ ám ảnh “nho còn xanh”. Giấc mơ xanh của nền kinh tế xanh nhất định phải là định hướng dẫn dắt thực sự Việt Nam ta về hướng tương lai.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.