| Hotline: 0983.970.780

Sản phụ ngưng tim nguy kịch, bác sĩ vừa nhồi tim vừa đặt ECMO

Thứ Năm 09/06/2022 , 19:25 (GMT+7)

Sản phụ 45 tuổi, mang thai 21 tuần, xuất huyết âm đạo nhiều lần, nhau cài răng lược, phải cắt bỏ tử cung trong đêm, vừa nhồi tim, vừa đặt ECMO.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Huy, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Huy, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày 9/6, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Huy, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân 45 tuổi, có tiền sử hiếm muộn và có con hơn 1 tuổi. Do mới sinh con nên chị không đi khám sức khỏe. Cộng với việc tắt kinh nguyệt thời gian dài, nên khi bị xuất huyết âm đạo trong vòng 1 tuần, chị không nghĩ mình đang mang thai.

Đến ngày 27/5, chị được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân vì xuất hiện nặng. Khi đó, chị mới biết mình có thai 21 tuần, chảy máu do tình trạng nhau cài răng lược. Các bác sĩ phẫu thuật đã khẩn cấp chấm dứt thai kỳ, cắt bỏ tử cung. 

Bệnh nhân mất hơn một lít máu trong ca mổ cắt tử cung, thai non tháng không giữ được em bé. Sau mổ bệnh nhân rung thất, ngưng tim, bác sĩ nghĩ đến nhồi máu cơ tim nên cho chụp mạch vành khẩn. Kết quả mạch vành chỉ hẹp rất ít, không phải nhồi máu cơ tim. Vừa về phòng hồi sức thì bệnh nhân tiếp tục ngưng tim nên bác sĩ báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy.

Qua hội chẩn giữa hai bệnh viện, các bác sĩ xác định cần can thiệp ECMO nên bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy gấp rút chuẩn bị máy móc, huy động ê kíp sang hỗ trợ. Hai bác sĩ từ nhà được điều động khẩn cấp vào viện lúc sáng sớm cùng hai bác sĩ đang trực tại bệnh viện và một kỹ thuật viên mang máy móc lên xe cấp cứu.

Đại diện êkip thực hiện ECMO là BS.CKII Trần Hoàng An cho biết, bệnh nhân mê sâu, đồng tử giãn, tình trạng nguy kịch. Trong lúc bệnh nhân được nhồi tim, dùng thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp, các bác sĩ thiết lập hệ thống ECMO trong 10-15 phút, đồng thời hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống khoảng 35 độ để bảo vệ não rồi đưa về Chợ Rẫy.

"Bệnh nhân vừa hồi sinh tim phổi, vừa thực hiện ECMO thường có tiên lượng xấu, khả năng hồi phục theo y văn thế giới khoảng 30%", bác sĩ Huy nói.

Sau 1 ngày, bệnh nhân chảy máu ổ bụng, được hội chẩn các chuyên khoa, đưa vào phòng mổ khâu cầm máu. Các bác sĩ cho lọc máu, phối hợp nhiều biện pháp hồi sức để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Sản phụ may mắn hồi phục ngoạn mục, đã rút được nội khí quản, ngưng ECMO, ngưng các phương pháp hỗ trợ, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Huy, đây là trường hợp hồi phục ngoạn mục khi đã bước chân vào cửa tử, là động lực giúp các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Trong số hơn 500 ca thực hiện kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ vài trường hợp thực hiện trong lúc nhồi tim, kết hợp hạ thân nhiệt, tỷ lệ thành công chưa đến 30%. Nếu nhồi tim không tốt, dù thực hiện ECMO thành công thì não bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng, khó hồi phục.

Mặt khác, việc chuyển bệnh nhân trên xe cấp cứu cùng với hệ thống ECMO đối diện nhiều rủi ro, bất cứ sai sót nào cũng có thể ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân, hầu như là không cứu được. 

Vừa qua cơn cửa tử, bệnh nhân vừa nói vừa chảy nước mắt khi nghĩ đến con. "Vào cấp cứu, bác sĩ nói mới biết là mình có thai, không giữ được con, tôi rất sốc và buồn. Cám ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi để tôi có thể hồi phục để chăm đứa lớn", người bệnh chia sẻ.

Theo các bác sĩ, nhau cài răng lược là một biến chứng của những thai phụ từng mổ lấy thai, khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Điều này gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu, nhiễm trùng, thủng hoặc vỡ tử cung có thể nguy hiểm tính mạng người mẹ. Nhau cài răng lược cũng là một trong những chỉ định cắt tử cung thường gặp nhất, cuộc mổ thường rất khó khăn và nguy hiểm.

Hiện nay, những tiến bộ của siêu âm giúp phát hiện nhau cài răng lược rất sớm, thậm chí ở ba tháng đầu cũng có dấu hiệu nhau cài răng lược, bác sĩ sẽ theo dõi và có kế hoạch can thiệp phù hợp, giúp cuộc vượt cạn an toàn.

Xem thêm
Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.