Tờ Daily Mail hôm nay đưa tin, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Đại học Sorbonne Paris Nord, Viện Curie và Inserm của Pháp đã phát hiện ra một loài kiến có tên là Formica fusca có khứu giác đáng kinh ngạc có khả năng đánh hơi ra các tế bào ung thư ở người.
Theo đó các thử nghiệm hạn chế cho thấy, loài kiến này có thể phân biệt các tế bào ung thư với các tế bào khỏe mạnh ở người nhờ vào khứu giác của chúng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết sẽ phải tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn trước khi có thể được ứng dụng trong các cơ sở y tế, bệnh viện.
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, loài kiến này có thể trở nên thăm dò bệnh tất giỏi hơn cả loài chó khi xác định vị trí các tế bào ung thư ở người.
Trước đó, trong quá trình tiến hành nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã thực hiện thử nghiệm với 36 con kiến Formica fusca, cho chúng ngửi các tế bào trong môi trường phòng thí nghiệm. Đầu tiên, các chuyên gia cho kiến tiếp xúc với mùi của một mẫu tế bào ung thư của người. Mùi này sau đó được kết hợp với một phần thưởng của dung dịch đường. Trong bước thứ hai, các nhà nghiên cứu cho kiến tiếp xúc với hai mùi khác nhau. Một là mùi mới và thứ hai là mùi của các tế bào ung thư.
Sau khi thử nghiệm này thành công, các nhà nghiên cứu đã cho kiến tiếp xúc với các tế bào ung thư khác nhau. Sau đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, loài kiến này có thể phân biệt giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh và giữa hai dòng ung thư.
Sau khi huấn luyện, kiến Formica fusca còn có khả năng phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi do các tế bào ung thư thải ra.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng khứu giác của động vật để xác định vị trí các tế bào ung thư.
Trước đây loài chó đã được thử nghiệm để chẩn đoán y tế và được sử dụng để phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, dấu hiệu đặc trưng của bệnh ung thư. Tuy nhiên, để huấn luyện loài chó làm được khả năng này phải cần tới vài tháng đến một năm.
“So với chó, côn trùng (kiến) lại có thể dễ dàng được nuôi trong điều kiện có kiểm soát, không tốn kém, chúng có hệ thống khứu giác rất phát triển và hàng trăm cá thể có thể ổn định với rất ít thử nghiệm”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu giải thích: Kiến là một công cụ phát hiện nhanh, hiệu quả, rẻ tiền và có tính khu biệt cao để phát hiện các chất bay hơi của tế bào ung thư. Cách tiếp cận mới của chúng tôi có khả năng được điều chỉnh cho một loạt các nhiệm vụ phát hiện mùi phức tạp khác bao gồm phát hiện chất gây nghiện, chất nổ, thực phẩm hư hỏng hoặc các bệnh khác, bao gồm cả sốt rét, nhiễm trùng và tiểu đường.
Các phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí iScience .