| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất chè VietGAP, tăng 30 - 40% giá trị

Thứ Ba 16/01/2024 , 07:45 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Nhờ chuyển sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chế biến sâu, giá bán chè đã tăng thêm từ 30 - 40% so với trước đây.

Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.300ha chè. Ảnh: Phạm Hiếu.

Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.300ha chè. Ảnh: Phạm Hiếu.

 

Huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) hiện có trên 1.300ha chè. Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP, chuyển đổi giống chè...

Điển hình như tại xóm Ba Nhất, nơi chiếm hơn 90% diện tích chè toàn xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) với 120ha, nhờ từng bước chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên từ năm 2022 đến nay, giá bán chè của người dân địa phương đã tăng cao so với những năm trước.

Theo ông Lý Văn Sinh (xóm Ba Nhất), hiện nay, toàn xóm có 19 hộ dân sản xuất chè VietGAP với quy mô hơn 5ha. Thông qua sản xuất chè VietGAP, người dân đã biết cách ghi chép nhật ký từ khâu làm đất, ươm giống, bón phân đến thu hái, chế biến; phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định…

“Từ đó giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt chi phí sản xuất giảm, giá trị sản phẩm được nâng lên. Hiện nay, giá bán 1kg chè búp khô dao động từ 120.000 - 150.000 đồng, cao hơn 30% so với chè sản xuất theo phương pháp truyền thống”, ông Lý Văn Sinh chia sẻ.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đi vào hoạt động từ năm 2018 với 10 thành viên, HTX Nông sản an toàn Liên Minh (xã Liên Minh, huyện Võ Nhai) chủ yếu sản xuất, kinh doanh chè khô. Thời điểm mới hoạt động, giá chè khô của HTX cao nhất cũng chỉ đạt 130.000 đồng/kg. Nguyên nhân do thương lái buôn cho rằng chè không đẹp nước, hương không thơm...

Xác định nhu cầu của thị trường về chè an toàn, chè ngon ngày càng cao, HTX Nông sản an toàn Liên Minh đã chủ động tìm kiếm các khóa đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ để đưa các thành viên đi học tập. Đồng thời, vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Theo bà Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Minh, với cách làm như vậy, qua hơn 4 năm hoạt động, giá trị nông sản của HTX đã tăng thêm hơn 40%, đồng thời thu hút 40 hộ thành viên, mở rộng diện tích chè lên trên 31ha. Thay vì giá bán chỉ từ 80.000 - 130.000 đồng/kg như trước đây, giá bán chè của HTX hiện đã đạt 180.000 - 200.000 đồng/kg.

“Hiện nay, 100% thành viên và các hộ gia đình hợp tác đều sử dụng phân bón hữu cơ, cũng như tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn. Qua đó, sản phẩm chè của HTX đã bảo đảm được chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, đạt giá trị cao hơn”, bà Hải cho hay.

Từ hiệu quả kinh tế của việc trồng và chế biến chè VietGAP mang lại, hiện nay, toàn huyện Võ Nhai đã và đang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng chè VietGAP, theo hướng hữu cơ. Riêng năm 2023, huyện đã mở rộng được khoảng 40ha chè VietGAP. Ngoài ra, các HTX, tổ hợp tác, nông dân trồng chè trên địa bàn huyện cũng đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng chè thương phẩm.

Năm 2023, huyện Võ Nhai đã mở rộng được khoảng 40ha chè VietGAP. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm 2023, huyện Võ Nhai đã mở rộng được khoảng 40ha chè VietGAP. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đặc biệt, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận cho các hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu, 50% kinh phí chứng nhận lại chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời hỗ trợ một lần giá mua máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè (máy sao chè bằng gas, máy sao chè bằng điện, tôn sao, máy vò, máy chế biến chè túi lọc, thiết bị bảo quản...).

Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai, nhờ các giải pháp cụ thể, đến nay toàn huyện đã có trên 60% diện tích chè giống mới, sản lượng chè búp tươi ước trung bình đạt trên 14.000 tấn/năm. Đặc biệt, giá bán chè thành phẩm của nông dân vùng cao Võ Nhai tăng từ 30 - 40% so với trước đây. Huyện đã có 5 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao…

“Đầu tư, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, đồng thời tăng cường chế biến là những giải pháp tích cực góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Bước phát triển này không chỉ mở ra tín hiệu tích cực nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho từng loại nông sản hàng hóa mà còn giúp các HTX, hộ kinh doanh có nhận thức đúng hơn trong định hướng phát triển sản phẩm”, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, mặc dù đạt được những kết quả nhất định song hiện nay việc phát triển chè trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn như chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh chè; nhiều người dân sản xuất còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng tuân thủ nghiêm thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân vi sinh…

Huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận lần đầu và hỗ trợ 50% cấp lại giấy chứng nhận VietGAP. Ảnh: Phạm Hiếu.

Huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận lần đầu và hỗ trợ 50% cấp lại giấy chứng nhận VietGAP. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè và thu nhập cho người dân, thời gian tới, huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục tiến hành rà soát những nương chè già cỗi và diện tích đất nông nghiệp phù hợp để trồng chè, thống kê các hộ có nhu cầu đăng ký cây chè giống nhằm đưa các giống chè mới vào trồng thay thế, trồng mới.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận lần đầu và hỗ trợ 50% cấp lại giấy chứng nhận VietGAP; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ sản xuất chè VietGAP chú trọng đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con…”, ông Nông Minh Tuấn thông tin.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ gần 20 thiết bị sao, sấy chè cho các chủ thể sản xuất - kinh doanh với tổng trị giá 450 triệu đồng. Huyện cũng hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đồng thời hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng xây dựng vùng cây ăn quả với tổng diện tích hơn 430ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ người dân trồng gần 350ha quế…

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.