Hội thảo dành nhiều thời gian thảo luận về công tác tuyên truyền, vận động để người dân ý thức việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường |
Hàng năm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng là 352.000 tấn, trong đó thuốc BVTV 11.000 tấn, phân bón 341.000 tấn.
Tình trạng sử dụng phân bón và thuốc BVTV không hợp lý đang gây ảnh hưởng đến môi trường nông nghiệp, nông thôn. Ngày 10/8/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng không được thu gom, vứt bỏ bừa bãi xuống kênh, rạch đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Trước thực trạng trên, ngày 20/6/2018 tại thành phố Cao Lãnh, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Đồng Tháp (VnSAT) đã tổ chức hội thảo về “Bảo vệ môi trường, thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng” nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV.
Hội thảo dành nhiều thời gian thảo luận về công tác tuyên truyền, vận động để người dân ý thức việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng dẫn một số Điều trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thông tư liên tịch số 05 giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên - Môi trường, nâng cao vai trò của cộng đồng, nhất là cộng đồng nông thôn tham gia tích cực và thực hiện tốt các hoạt động về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Để giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, dự án VnSAT đã xây dựng 35 mô hình “1 phải 5 giảm” tại 6 huyện tham gia dự án VnSAT. Số lần phun thuốc sâu trung bình ruộng trong mô hình 1 lần/vụ, ít hơn ngoài mô hình 2 lần/vụ, ngoài mô hình nông dân có tập quán phun thuốc trừ sâu sớm (phun ngừa). Số lần phun thuốc bệnh trong mô hình 3 lần/vụ, ít hơn ngoài mô hình 2 lần/vụ. Chi phí thuốc BVTV trong mô hình tiết kiệm trung bình 1 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.
Trong thời gian tới, dự án VnSAT tiếp tục hỗ trợ tập huấn, xây dựng mô hình về tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ trấu...) để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.