| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất giống lúa thích hợp vùng sinh thái

Thứ Sáu 21/06/2019 , 13:44 (GMT+7)

Từ hàng chục giống lúa được nghiên cứu, lai tạo, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang (Trung tâm) đã chọn ra 2 giống là GKG 5 và GKG 24, thích ứng với vùng sinh thái mặn lợ để đẩy mạnh phát triển.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất sản xuất lúa lớn nhất cả nước, với 3 vùng sinh thái đặc thù, gồm: Vùng Tây sông Hậu, có nước ngọt quanh năm, đất đai phì nhiêu, thích hợp cho sản xuất lúa 3 vụ/năm. Vùng Tứ giác Long Xuyên, bị nhiễm phèn và ảnh hưởng lũ lớn hàng năm, canh tác lúa 2 vụ/năm là phù hợp. Vùng U Minh Thượng, các tháng mùa khô bị nhiễm mặn, thích hợp phát triển mô hình luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm nước lợ (lúa - tôm).  

Giống lúa GKG 24 được chọn tạo thích hợp với vùng lúa - tôm.

Tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch phát triển bền vững khoảng 80.000 ha lúa – tôm tại 4 huyện vùng U Minh Thượng là: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Mô hình đã phát triển được hơn 20 năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa trước đây. Hiện tỉnh đang tiếp tục quy hoạch chuyển đổi hơn 20.000 ha ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên (chủ yếu thuộc huyện Hòn Đất) từ 2 vụ lúa sang luân canh lúa – tôm.

Sản suất lúa trên nền đất nuôi tôm cần có giống thích hợp, vì đất thường bị nhiễm nặm trong quá trình nuôi tôm, khó rửa mặn một cách triệt để. Trước đây, nông dân vùng U Minh Thượng thường sử dụng giống lúa mùa địa phương để canh tác, lúa phát triển tốt nhưng chất lượng gạo không ngon. Gần đây, có thêm một số giống lúa lai và giống ST 5 của Sóc Trăng, có thể thích nghi được. Tuy nhiên, giá giống lúa lai rất cao, thường gấp 5-6 lần lúa thuần nên nông dân ngại đầu tư.

Nông dân thăm quan, đánh giá ruộng sản xuất khảo nghiệp giống lúa GKG.

Ông Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu về lúa giống cho bà con nông dân sản xuất, trong những năm qua đơn vị đã đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu, chọn tạo. Kết quả đã có hàng chục giống lúa mới ra đời. Trong đó, giống GKG 5 và GKG 24 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận cho sản xuất thử tại khu vực ĐBSCL.

GKG 5 là giống lúa được chọn tạo từ kỹ thuật nuôi cấy túi phấn, có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh khá, tiềm năng cho năng suất cao. Kết quả khảo nghiệm quốc gia được thực hiện tại các tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…) cho thấy, giống lúa này đạt năng suất trung bình từ 5,3 tấn/ha (vụ hè thu) đến 8,1 tấn/ha (vụ đông xuân), thuộc tốp đầu trong nhóm giống khảo nghiệm. GKG 5 cho phẩm chất gạo tốt, xay xát đạt tỷ lệ cao, hạt gạo trắng, thon dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nông dân đánh giá cao tính thích nghi của giống GKG 5, cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.

Theo đánh giá của những hộ nông dân trực tiếp tham gia sản suất thử, giống lúa GKG5 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sản xuất tại địa phương, dễ canh tác, cho năng suất cao và có khả năng phát triển, nhân rộng trong sản xuất.

Giống lúa GKG 24 được chọn tạo bằng phương pháp chọn lọc phả hệ, có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, chiều cao cây 95-105 cm, cứng cây, đẻ nhánh mạnh, chống chịu sâu bệnh khá, tiềm năng cho năng suất cao. Kết quả khảo nghiệm quốc gia tại các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ, cho thấy, GKG 24 cho năng suất trung bình khá cao, đạt 7,5 tấn/ha trong vụ đông xuân, đứng thứ 6/24 giống khảo nghiệm. Còn trong vụ hè thu, giống lúa này đạt 5,4 tấn/ha, đứng thứ 2/21 giống khảo nghiệm.

Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2017 - 2018, GKG 24 trồng khảo nghiệm tại tỉnh Tiền Giang, cho năng sất rất cao, đạt 9,59 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng tới 1,74 tấn/ha. Còn trồng tại Kiên Giang, GKG 24 cũng cho năng suất cao hơn giống đối chứng 1,11 tấn/ha, đạt 8,11 tấn/ha. Bình quân tại các điểm khảo nghiệm, giống GKG 24 có năng suất cao hơn giống đối chứng là 12,7%.

Theo ông Thức, kết quả thanh lọc mặn cho thấy, giống lúa GKG 24 có khả năng chống chịu mặn khá tốt, ở giai đoạn mạ là từ 6‰ - 8‰. Như vậy, đây là gống lúa thích hợp sản xuất ở những vùng sinh thái bị nhiễm mặn, canh tác luân canh theo mô hình lúa – tôm. Hiện Trung tâm đang hoàn tất thủ tục gửi Cục Trồng trọt xin công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới đối với 2 giống GKG5 và GKG24.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.