| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lợn giống bằng thụ tinh nhân tạo

Thứ Tư 12/12/2018 , 14:30 (GMT+7)

Vừa qua, tại Hưng Yên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ”.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2018, ngành chăn nuôi khởi sắc, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 10 tháng đầu năm nay ước đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.

10-41-30_nh_2
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Riêng 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt hơn 22,3 triệu USD (tăng hơn 2,5 lần); sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 89,6 triệu USD (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2017). Giá thịt lợn ổn định ở mức cao trong nhiều năm qua. Tổng đàn lợn cả nước tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Nguyễn Duy Điều, Chủ nhiệm dự án cho hay, năm 2018, dự án được triển khai ở 6 tỉnh gồm Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Cần Thơ. Mô hình có 60 hộ gia đình tham gia, trong đó mỗi hộ nuôi lợn đực giống được hỗ trợ 2 con/hộ, lợn nái được hỗ trợ 5 con/hộ và ngoài ra còn hỗ trợ thức ăn, vật tư, thuốc thú y cho các hộ tham gia.

Mỗi mô hình được xây dựng 2 điểm trình diễn với 12 cơ sở nuôi, SX ra 48.000 liều tinh cung cấp cho 240 con lợn nái trong dự án và các hộ chăn nuôi trong vùng, tăng số lượng lợn nái được phối giống bằng thụ tinh nhân tạo. Trong năm 2018, dự án đã khai thác được 32.224 liều tinh, phối giống cho 10.119 lợn nái trong và ngoài mô hình.

Tại các địa phương, hộ tham gia mô hình đều áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, lợn sinh trưởng phát triển tốt, khỏe mạnh nên không bị dịch bệnh. Lợn đực giống được khai thác tinh thường xuyên, khoảng 2 - 3 ngày/lần, chất lượng tinh tốt, số liều tinh đảm bảo và đã được phối giống cho lợn nái trong vùng bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Theo đó, thể tích trung bình đạt 235,00 - 278,60 ml/lần, hoạt lực đạt trên 80,6 - 85,65%, nồng độ trung bình đạt 226,65 - 256,145 triệu tinh trùng/ml.

Đàn lợn nái trong mô hình có khả năng sinh sản tốt, đáp ứng yêu cầu của dự án, phát huy được tiềm năng con giống, có năng suất cao hơn hẳn so với giống hiện có tại địa phương. Trung bình tuổi đẻ lứa đầu đạt 11,33 tháng, số lứa đẻ/năm/mái đạt 2,34 lứa; tỷ lệ thụ thai trung bình 86,43%, số con sơ sinh sống/lứa đạt 12,38%, khối lượng sơ sinh đạt 1,35kg; tỷ lệ nuôi sống đến sau cai sữa đạt 93,67%.

Ông Điều khẳng định: “Hiệu quả kinh tế của lợn đực trong dự án tăng 26,2%, lợn nái tăng 27,50% so với lợn ngoài mô hình”.

Tại Hưng Yên, năm 2017 tổng đàn lợn là 575.195 con. Trong đó, lợn thịt là 508.024 con, lợn nái 66.137 con, lợn đực giống 1.034 con, lợn xuất chuồng hơn 1,2 triệu con. Sản lượng thịt 111.649 tấn.

Năm 2018, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện dự án tại 2 xã Tân Dân (huyện Khoái Châu), Thắng Lợi (huyện Văn Giang). Đây là 2 xã có tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn và đáp ứng được yêu cầu của dự án.

Sau một thời gian triển khai dự án, hiệu quả của lợn đực trong dự án tăng 32,78% so với lợn đực khai thác thụ tinh nhân tạo trước dự án. Ngoài ra, 40 con lợn nái được phối giống và có chửa, 3 con nằm trong số này chuẩn bị đẻ.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chia sẻ, dự án đã giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về hiệu quả của việc đưa đàn nái có năng suất cao vào mô hình, đồng thời áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, góp phần nâng cao chất lượng đàn lợn thương phẩm, giảm dịch bệnh trên đàn lợn nái.

10-41-30_nh_1
Tham quan mô hình nuôi lợn sinh sản ở Hưng Yên
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các địa phương trong dự án cần quan tâm sát sao, theo dõi chặt chẽ hơn nữa về mô hình. Ghi chép đầy đủ và tích cực phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch lợn tả châu Phi, lở mồm long móng...

Ngoài ra, giúp người chăn nuôi thay đổi hành vi trong công tác phòng chống bệnh gia súc ở địa phương. Và, dự án cũng đã mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn…

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn ở Hưng Yên được dự án hỗ trợ, ông Cao Văn Tạch (xã Thắng Lợi) vui mừng nói: "Gia đình tôi được hỗ trợ 5 con lợn nái, đảm bảo chất lượng, sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khi được tiếp cận mô hình lợn nái sinh sản, tôi thấy rất hiệu quả. Hiện gia đình đang chăn nuôi lợn theo kiểu chuồng khép kín, khi áp dụng theo công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ không mang dịch bệnh vào cho đàn lợn".

Tại tỉnh Nam Định, dự án đã triển khai tại 3 xã Xuân Đài, Xuân Kiên (huyện Xuân Trường), xã Yên Thành (huyện Ý Yên). Theo đó, dự án hỗ trợ 4 con lợn đực giống Duroc, 40 con lợn nái giống LY có chất lượng tốt nhất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mỗi con lợn đực cho khai thác ít nhất 1.000 liều tinh/năm và cấp tinh phối giống cho tối thiểu 200 con lợn nái sinh sản/năm và cấp tinh phối giống miễn phí cho 25 con lợn nái sinh sản/năm. Lợn nái có tuổi đẻ lứa đầu dưới 12 tháng, tỷ lệ nuôi sống đến khi cai sữa trên 90%...

Và, dự án cũng đã đạt kết quả như mong muốn. Đàn lợn khai thác tinh sinh trưởng tốt, chất lượng tinh đảm bảo yêu cầu về các chỉ tiêu kỹ thuật, khai thác tinh ổn định. Đàn lợn nái đã đẻ lứa đầu, đảm bảo các chỉ tiêu của mô hình đề ra. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi lợn trong mô hình tăng từ 15% trở lên so với các hộ nuôi lợn ngoài mô hình.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho biết, dự án được triển khai tại 6 tỉnh. Các hộ chăn nuôi lợn được hỗ trợ vacxin, thuốc sát trùng, dụng cụ khai thác tinh và thức ăn. Đối với hộ nuôi lợn đực được hỗ trợ lợn đực, hộ nuôi lợn nái được hỗ trợ lợn nái. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn nâng cao kỹ thuật trong chăn nuôi.

"Dự án đã mang lại hiệu quả lớn. Đẻ lứa đầu, trung bình là 11,33 tháng, số lứa/mái/năm đạt 2,24 lứa; tỷ lệ thụ thai đạt trung bình 28,63%, trọng lượng sơ sinh là 1,35kg; tỷ lệ nuôi sống đạt trên 90%. Hiệu quả kinh tế tăng 20 - 30%", bà Hạnh chia sẻ.

 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.