Lúa chất lượng cao chiếm ưu thế
Kiên Giang là tỉnh sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL với diện tích gieo trồng mỗi năm trên 700.000ha. Do địa hình trải rộng nên quanh năm lúc nào trên đồng ruộng tại Kiên Giang cũng có lúa được gieo trồng, sinh trưởng hoặc thu hoạch. Với ba tiểu vùng sinh thái khác nhau, gồm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng, ngành nông nghiệp Kiên Giang có mùa vụ sản xuất khá đa dạng, gồm vụ đông xuân, hè thu, thu đông và vụ mùa.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, ngành luôn khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm - 3 tăng", "1 phải - 5 giảm", áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, cấy máy, sạ cụm hoặc gieo sạ thưa với lượng lúa giống từ 80 - 100kg/ha. Tập trung sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, nhất là theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Kiên Giang ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, phấn đấu tăng diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao. Định hướng, khuyến cáo sản xuất các giống lúa mà thị trường tiêu thụ tốt, bán được giá như OM5451, OM18, OM4900, OM2517, Đài thơm 8, ST24, ST25, RVT, Jasmine 85...
Đối với vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 279.000ha, tỷ lệ gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích trở lên và sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn. Để phòng tránh hạn, mặn vào cuối vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng lịch xuống giống sát với từng vùng, tiểu vùng sản xuất trên địa bàn, tập trung xuống giống sớm và gieo sạ dứt điểm vào cuối tháng 12/2023.
Khuyến cáo nông dân tranh thủ bơm tát nước ra, làm đất, vệ sinh đồng ruộng... Đến cuối tháng 11, diện tích lúa đã xuống giống của Kiên Giang đạt khoảng 120.000ha, tập trung ở các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng.
Liên kết sản xuất cánh đồng lớn
Về giải pháp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương đang tập trung xây dựng, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, đơn vị đã hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện các cánh đồng lớn có diện tích từ 50ha trở lên và thực hiện cùng một loại giống.
Để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với xu hướng của thị trường, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã và doanh nghiệp tự chủ động chọn giống, nhưng phải đảm bảo về chất lượng hạt giống, sử dụng giống cấp xác nhận, sản xuất theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và doanh nghiệp, gieo sạ mật độ thưa dưới 100kg lúa giống/ha, sử dụng gói sản phẩm hữu cơ vi sinh trong canh tác để giảm lượng phân bón vô cơ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.334 cánh đồng lớn, diện tích 167.225ha, tăng so với năm 2022 là 641 cánh đồng và tăng gần 57.900ha. Trong đó, 1.026 cánh đồng lớn có lên kết tiêu thụ với diện tích gần 120.700ha.
Cụ thể, vụ mùa và đông xuân 2022 - 2023 đã xây dựng được 717 cánh đồng lớn, diện tích 82.585 ha. Diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao đạt 100% diện tích sản xuất ở vụ mùa và đạt trên 98% diện tích gieo trồng ở vụ đông xuân. Vụ hè thu và thu đông năm 2023 xây dựng được 617 cánh đồng lớn, diện tích 84.756ha.
Qua đó, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa thuận lợi, doanh nghiệp thu mua lúa trong cánh đồng lớn cao hơn giá thị trường bình thường do có kiểm soát dư lượng và sản xuất an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là xuất khẩu gạo sang các thị trường có yêu cầu cao như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Sản xuất cánh đồng lớn nông dân được tập huấn kỹ thuật và được cán bộ khuyến nông kiểm gia, giám sát chặt chẽ để đảm bảo nông dân và doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình. Các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm trong cánh đồng lớn đã được chọn lọc và là các doanh nghiệp có uy tín, gắn kết lâu dài với nông dân.
Cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu
Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang, hiện đa số các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… đều yêu cầu nông sản của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này. Trong quá trình sản xuất, các nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào đối với các vùng trồng đã được cấp mã số về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, kiểm dịch thực vật.
TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, mã số vùng trồng không những là "giấy thông hành" xác nhận nông sản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới thuận lợi mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất cần phải đảm bảo chặt chẽ về chất lượng, hạ giá thành.
Từ năm 2022, thực hiện chỉ thị của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thực hiện công tác thiết lập, quản lý và cấp mới mã số vùng trồng tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Cụ thể, trong năm 2022, toàn tỉnh Kiên Giang được Cục Bảo vệ thực vật cấp 165 mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu đối với 13 loại cây trồng trong tỉnh.
Quy định để được cấp mã số vùng trồng hiện nay là nhân sự chủ chốt (người đại diện vùng trồng) phải được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn thì mới hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng. Từ tháng 7/2023 đến nay, Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang đã tổ chức tập huấn được 68 lớp/15 loại cây trồng với 1.796 người tham dự và được cấp giấy chứng nhận.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được cấp 389 mã số vùng trồng với tổng diện tích 13.189ha cho 15 loại cây trồng. Trong đó, có 165 mã số được Cục BVTV cấp từ năm 2022 cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada... Riêng cây lúa đã được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất với 325 mã, tổng diện tích 11.886ha, sản lượng trên 147.000 tấn/năm, đăng ký xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời là doanh nghiệp hoạt động liên kết với các hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng trên cây lúa để xuất khẩu gạo sang thị trường EU từ năm 2022 đến nay. Ngoài ra, trong tháng 10/2023, Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang đã cấp 14 mã số vùng trồng cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang đăng ký xuất khẩu lúa gạo sang thị trường EU và Hoa Kỳ.
Theo TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường cấp mới mã số vùng trồng xuất khẩu, đồng thời duy trì các vùng trồng đã được cấp mã số và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất theo thị trường đăng ký.
Riêng đối với cây lúa, sẽ đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho người sản xuất có vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết thị trường theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là thực hiện theo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính của Bộ NN-PTNT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quyết định đã được UBND tỉnh ban hành.