| Hotline: 0983.970.780

Những chuỗi liên kết lúa gạo điển hình

Thứ Tư 22/11/2023 , 06:15 (GMT+7)

Hà Nội Tôi bất ngờ khi vào trang web gạo thơm Bối Khê thấy giao diện là một hình nền xanh màu lúa non và bốn con số liên tục 'nhảy múa'…

3 chuỗi liên kết điển hình

Rồi cuối cùng, chúng dừng ở hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, 730ha đất lúa, 2.597 thành viên và 4.500 tấn gạo cung ứng ra thị trường. HTX Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) được thành lập từ năm 1958, sau bao thăng trầm, hiện chinh phục thị trường qua các sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng. Chuỗi sản xuất – tiêu thụ mang nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” tại HTX Nông nghiệp xã Tam Hưng là đại diện cho văn hóa, lịch sử và người dân nơi đây.

Tự hào gạo thơm Bối Khê. Ảnh: NNVN.

Tự hào gạo thơm Bối Khê. Ảnh: NNVN.

Năm 2012, địa phương được chọn tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của TP Hà Nội. Năm 2014, vùng trồng lúa chất lượng cao Bối Khê được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Điểm khác biệt làm nên thương hiệu gạo thơm Bối Khê chính là chất đất trũng, giàu khoáng chất, lại thêm cách chăm sóc kỳ công giúp cho hạt lúa kết tinh được nhiều dinh dưỡng.

Từ Bắc thơm số 7 đến nếp cái hoa vàng khi thổi cơm đều có mùi thơm, vị đượm, đậm đà khó quên. Bởi thế mà TP Hà Nội đã công nhận chúng là những sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Non trẻ hơn là chuỗi sản xuất – tiêu thụ lúa gạo mang nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Đồng Phú” của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). HTX thành lập năm 2017 với 89 thành viên. Đến nay, HTX đã phát triển lên trên 100 thành viên và áp dụng những biện pháp kỹ thuật như chỉ dùng phân chuồng ủ mục, lọc nước bằng than hoạt tính trước khi dẫn vào ruộng, ghi chép nhật ký, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng khi thu hoạch…100% sản phẩm lúa bà con có nhu cầu bán được HTX bao tiêu, bán cho các doanh nghiệp. So với sản xuất thông thường, phương pháp sản xuất hữu cơ cho thu nhập cao hơn 96 triệu đồng/ha.

Một trường hợp khác là chuỗi lúa gạo của HTX Sản xuất - Kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa). HTX đang liên kết với hàng ngàn nông dân để sản xuất lúa Nhật J02 với diện tích khoảng 300 - 400ha mỗi vụ. Nhờ giá thu mua lúa tươi ngay tại đồng cao hơn thông thường 400 - 500đ/kg và năng suất cao hơn 20 - 30kg/sào nên nông dân có lãi khoảng 1 triệu đồng/sào, tăng thêm được 15 - 20%. HTX liên kết với Công ty TNHH Châu Anh để xây dựng gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa, gạo tại Hà Nội và phân phối tới các đại lý tại nhiều tỉnh, mỗi vụ tiêu thụ gần 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo.

Mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: VĐ.

Mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: VĐ.

Ngoài 3 chuỗi lúa gạo khép kín trên, Hà Nội đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết tiêu thụ thóc tươi ở HTX nông nghiệp xã Đỗ Động, HTX nông nghiệp xã Bình Minh, HTX nông nghiệp thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) và HTX nông nghiệp xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn). Tất cả những chuỗi lúa gạo đó đều ghi dấu ấn đậm nét của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội.

Dấu ấn đậm nét đằng sau kế hoạch

Hà Nội hiện có hơn 160.000ha lúa, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 60%. Trong “Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 -  2025”, Hà Nội xác định mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội được Sở NN-PTNT Hà Nội giao thực hiện kế hoạch này. Đơn vị đã hướng dẫn, chỉ đạo các HTX xây dựng các vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc; đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất (quản lý vùng trồng bằng công nghệ eGAP, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái).

Xác định sản phẩm tốt mà không biết cách đóng gói, quảng bá và bán hàng thì cũng không tạo ra hiệu quả kinh tế nên Trung tâm đã giúp các HTX xây dựng nhãn hiệu, chuỗi. Từ hiệu quả kinh tế đã lôi cuốn thêm nông dân tham gia vào kế hoạch, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao từ 190 vùng (năm 2019) lên 225 vùng (năm 2023), tăng 35 vùng. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao tại Hà Nội năm 2020 là 55,3%, đến năm 2023 đạt 65,5% (tăng 18,4%)…

Riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023, Trung tâm đã triển khai sản xuất được 3.862ha lúa Japonica và lúa chất lượng cao an toàn, VietGAP, hữu cơ. Đồng thời tư vấn, giám sát quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản. Phối hợp với đơn vị chứng nhận lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu thóc phân tích chất lượng.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái tại mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao năm 2023 tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: VĐ.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái tại mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao năm 2023 tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: VĐ.

Kết quả, các chỉ tiêu về hàm lượng các kim loại nặng trong đất (Asen, Cadimi, chì, đồng, kẽm, Crom), trong nước (Asen, Cadimi, chì, thuỷ ngân) đều nằm dưới ngưỡng cho phép, không có dư lượng thuốc BVTV. Theo đó, 3 giấy chứng sản xuất hữu cơ đã được cấp cho 60ha lúa, 6 giấy chứng nhận chuyển đổi hữu cơ cho 120ha, 39 giấy chứng nhận sản xuất theo VietGAP cho 1.630ha.

Để minh bạch hóa sản phẩm, chống gian lận, Trung tâm đã phối hợp cùng Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đưa công nghệ 4.0 vào HTX Nông hữu cơ Đồng Phú và HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) trên quy mô 40ha; giám sát vùng trồng bằng camera; cập nhật quy trình sản xuất bằng sổ nhật ký điện tử; áp dụng tem qr-code.  

Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các đối tượng sâu bệnh hại phát triển mạnh và không tuân theo quy luật. Để công tác phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả cao, Trung tâm đã phối hợp với các HTX lựa chọn dịch vụ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, giúp giảm 50% chi phí nhân công, an toàn cho người lao động, môi trường. Các lớp tập huấn đã giúp cán bộ, nông dân tại các HTX quản lý tốt các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản lúa gạo chất lượng cao; biết được cách xây dựng, duy trì, phát triển để đảm bảo sản xuất đến tiêu thụ.

Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ hình thành được 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao gồm: Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ; Gạo chất lượng cao Bình Minh – Thanh Oai; Gạo Japonica Mỹ Thành – Mỹ Đức; 1 nhãn hiệu tập thể "Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ - Hà Nội”.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn các HTX đầu tư máy móc phục vụ xay xát, hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, tuyên truyền trên các báo, đài. Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại và 6 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các quận, kết nối 6 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thóc tươi.

        

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.