Giải pháp có lợi nhiều bề
UBND tỉnh An Giang vừa giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng kế hoạch thí điểm sản xuất lúa rải vụ. Mô hình này được thực hiện trên 4 vùng sinh thái ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Chợ Mới và Châu Phú với tổng diện tích 40 ngàn ha trên cơ sở thống nhất với Cục Bảo vệ thực vật.
Tập đoàn Lộc Trời ký chủ trương xin thí điểm thực hiện mô hình này giai đoạn 2021 - 2022 phân tích: Mô hình sản xuất lúa rải vụ gồm 3 vụ sản xuất/năm. Mỗi vụ sẽ có 100 ngày xuống giống và thu hoạch, 23 ngày làm đất và cho đất nghỉ giữa các vụ.
Vụ lúa hè thu năm nay, Tập đoàn Lộc Trời triển khai thí điểm mô hình trồng lúa rải vụ tại huyện Thoại Sơn – An Giang giúp nông dân giảm giá thành đầu tư ban đầu khoảng 15%, không bị thương lái ép giá. Qua tính toán, nếu tiến hành sản xuất rải vụ trên toàn bộ diện tích sản xuất của huyện Thoại Sơn, tương đương với 36.000ha sẽ mang lại cho bà con nông dân tối thiểu 1.000 tỷ đồng/năm lợi nhuận.
Hiện nay, giá thành sản xuất lúa trung bình của ĐBSCL (tính cả giá thuê đất) khoảng 3.100 - 3.150 đồng/kg, nếu tiến hành sản xuất lúa rải vụ thì giá thành chỉ còn 2.200 – 2.600 đồng/kg, giảm 15% so với sản xuất bình thường.
Mô hình sản xuất lúa rải vụ chất lượng lúa cũng tăng lên, thời gian sản xuất lúa và thời gian cắt lúa sẽ được rút ngắn. Giá bán lúa trung bình ước tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với thu hoạch đồng bộ. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Tuy mô hình này không mới, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi diện tích sản xuất được gắn kết với người mua, đặc biệt là xuất khẩu ngay trước khi xuống giống.
Hiện nay, các nhà xuất khẩu đều mong muốn nông dân có kế hoạch sản xuất từ 3 - 6 tháng. Do đó, việc triển khai kế hoạch sản xuất rải vụ sẽ giúp người mua có được đơn hàng trước khi xuống giống, đó là sự an toàn nhất cho cả nông dân, người mua lẫn nhà xuất khẩu.
Theo ông Thuận, ngoài mô hình trồng lúa rải vụ, Lộc Trời hiện liên kết với bà con nông dân ở ĐBSCL sản xuất lúa phục vụ cho thị trường châu Âu. Hiện Lộc Trời có hơn 1.300 kỹ sư nông nghiệp (còn gọi là đội ngũ “ 3 cùng”) trực tiếp với bà con nông dân để hướng dẫn kỹ thuật trong canh tác lúa cùng hàng chục nhà máy và hơn 30 doanh nghiệp đối tác và nhiều ngân hàng đứng ra đồng hành thực hiện chương trình hợp tác sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp với Tập đoàn Lộc Trời nhằm phát triển HTX nông nghiệp, cùng với đó diện tích liên kết cánh đồng lớn sẽ được tăng lên theo hàng năm.
Trong chỉ tiêu, Tập đoàn Lộc Trời sẽ liên kết, phát triển mới 200 HTX nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025. Riêng kế hoạch trong năm 2021, đến thời điểm này đã thành lập mới được 24 HTX, gắn với vùng nguyên liệu cánh đồng lớn 50.000ha tại An Giang. Cùng với việc tham gia thành lập HTX, năm 2021, Lộc Trời đã thực hiện diện tích liên kết sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh khoảng 90.000ha, gồm 20.000ha vụ đông xuân, 50.000ha vụ hè thu và khoảng 20.000ha vụ thu đông 2021.
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại cuộc họp vào đầu tháng 7/2021 về ý tưởng liên kết với nông dân để trồng lúa rải vụ trên địa bàn An Giang và đã được đồng thuận.
Qua đó cho thấy, ngành nông nghiệp An Giang xem mô hình trồng lúa rải vụ của Lộc Trời khá mới mẻ và độc đáo. Không dừng lại ở vài chục ngàn ha tại An Giang, rộng hơn nữa, diện tích lúa rải vụ có thể tăng lên hàng trăm ngàn ha trong vùng ĐBSCL. Hiện tại, nông dân trồng lúa rải vụ ở An Giang đang mang lại hiệu quả cao vì thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thực hiện rải vụ không những ở cây lúa, mà còn có thể thực hiện ở nhiều mặt hàng rau, củ, quả khác. Đây chính là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giúp giá bán ổn định quanh năm...
Rải vụ hơn 12 nghìn ha vụ thu đông
Trong vụ lúa thu đông 2021, An Giang xuống giống 160.000ha, lớn nhất ĐBSCL. Đa phần diện tích lúa thu đông của An Giang đều nằm trong đê bao kiểm soát lũ an toàn 100% và dự kiến cho sản lượng 1 triệu tấn lúa, trong đó có trên 85% lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Để đảm bảo sản lượng đề ra, UBND tỉnh An Giang đã giao ngành nông nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”… Đồng thời rà soát, tính toán lại công thức phân bón theo hướng chuyển đổi sang các loại phân bón khác có giá thấp hơn, kết hợp với việc sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình sản xuất để giảm thấp nhất chi phí đầu vào.
Ngành nông nghiệp An Giang cũng chủ động trong việc hướng dẫn các địa phương thông tin đến người sản xuất các giải pháp giảm chi phí và tăng cường liên kết trong sản xuất.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tiếp đà thắng lợi vụ lúa hè thu, hiện nay An Giang đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua lúa gạo ở vụ thu đông 2021 với tổng diện tích 37.400 ha, chiếm 23,26% kế hoạch xuống giống với sự tham gia liên kết của 15 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Các địa phương tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa, giúp tiêu thụ hết sản lượng. Căn cứ theo lịch xuống giống vụ thu đông, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào các đợt: Đợt 1 từ 13-27/11 sẽ thu hoạch khoảng 300.000 tấn; đợt 2 từ 28/11 đến 10/12 sẽ thu hoạch khoảng 340.000 tấn.
Để góp phần tiêu thụ lúa thu đông 2021 trên địa bàn An Giang thuận lợi, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời cho biết đã đưa ra nhiều cam kết với lãnh đạo tỉnh An Giang và nông dân. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa rải vụ Lộc Trời 123 được tiếp tục triển khai tại An Giang trong vụ lúa thu đông 2021 là 12.000ha.
Tập đoàn Lộc Trời cam kết đầu tư toàn bộ vốn sản xuất lúa cho các nông dân và HTX tham gia vào mô hình Lộc Trời 123, đồng thời đảm bảo nông dân và HTX sẽ có thu nhập ổn định. Cụ thể như đảm bảo “3 bao” gồm: bao sâu bệnh, bao tiêu, bao lợi nhuận… Ngoài ra, nông dân được hướng dẫn và chứng nhận trồng lúa theo quy trình canh tác bền vững.
Bên cạnh đó, Lộc Trời đề xuất UBND tỉnh An Giang và ngành nông nghiệp sớm đồng ý trương trình 123 của Lộc Trời; ban hành công văn hướng dẫn cho các đối tượng tham gia liên kết trong toàn tỉnh; hỗ trợ truyền thông đến bà con nông dân và các thành viên khác thông qua các phương tiện truyền thông báo đài.
Lộc Trời cũng kiến nghị An Giang bảo lãnh vay vốn ngân hàng cho tập đoàn để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động tổ chức sản xuất và thu mua lúa gạo cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; áp dụng "luồng xanh" cho nhân sự Lộc Trời và phương tiện cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thu mua (ghe, tàu, xe...). Đặc biệt, nông dân cần tuân thủ hợp đồng, xuống giống theo kế hoạch theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra.
“ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước, nhưng bài toán đặt ra là làm sao chúng ta luôn đảm bảo có lúa quanh năm và đảm bảo thu hoạch, sản lượng, chất lượng để cung cấp theo thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, mô hình trồng lúa rải vụ ở An Giang sẽ giúp không xảy ra tình trạng ùn tắc khi vào thu hoạch chính vụ, áp lực về mặt nguồn nhân lực lao động, thiết bị máy móc, nhất là máy gặt, lò sấy và thương lái thu mua…”.
(Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt).