| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi góp phần nâng cao thu nhập

Thứ Sáu 01/11/2019 , 08:24 (GMT+7)

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại các địa phương do Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

09-29-07_chn_nuoi_theo_chuoi_gi_tri_giup_nong_dn_co_thu_nhp_on_dinh
Chăn nuôi theo chuỗi giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với xã Thủy Phù (TX Hương Thủy) triển khai mô hình SX nông nghiệp theo chuỗi giá trị cho các hội viên chăn nuôi gà. Bước đầu, chương trình hỗ trợ cho 3 hộ dân nuôi gà hữu cơ theo hình thức này.

Đầu năm 2019, tiếp tục có thêm 7 hộ đăng ký tham gia. Trong quá trình phối hợp chăn nuôi, phía Hội Nông dân xã Thủy Phù hỗ trợ bà con thành lập tổ hợp tác, bước đầu chăn nuôi thành công, mang lại thu nhập khá cho các hội viên nông dân.

Điển hình trong việc chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị là gia đình ông Ngô Phước Toàn (thôn 2, xã Thủy Phù). Ông Toàn gắn bó với nghề chăn nuôi mấy chục năm nay, nhưng kể từ khi chuyển sang mô hình chuỗi giá trị, mới thấy hiệu quả rõ rệt. Gia đình ông hiện có một trại gà hữu cơ với 600 con, đàn lợn gần 40 con, 6 con bò và gần 100m2 đất nuôi giun quế. Lấy chất thải của bò nuôi giun quế, lấy giun quế để nuôi gà và sắp tới ông tiếp tục tận dụng chất thải của gà, dùng làm phân để trồng bưởi da xanh.

“Chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị rất có lợi cho người nông dân. Hầu như tận dụng được hết tất cả phụ phẩm nông nghiệp, không vứt bỏ cái gì. Ngoài bò, lợn, gà, giun quế và bưởi da xanh thì gia đình tôi cũng có gần 2ha ruộng nước. Tất cả số lúa thu hoạch được đều dành làm thức ăn cho gà.

Tuy nhiên, tính toán về năng suất, giá cả so với thức ăn chăn nuôi ngoài thị trường với giá lúa thô đem bán thì chúng tôi vẫn có lợi hơn. Trong khi, trại gà lại đạt chất lượng theo hướng chăn nuôi hữu cơ, vừa bán được giá lại luôn rộng đầu ra”, ông Toàn tính toán.

Ông Trần Như Thảo (thôn 1B, xã Thủy Phù) cũng là hội viên nông dân thành công với mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Hiện ông có đàn bò 13 con, một trại gà 300 con, ngoài ra nuôi lợn và gần 50m2 diện tích đất nuôi giun quế.

“Do mới triển khai nên mô hình quy mô còn nhỏ, bình quân mỗi năm thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng. Lãi không nhiều nhưng bù lại thu nhập ổn định, tránh được các rủi ro trong chăn nuôi. Đặc biệt không có hộ nào thua lỗ”, ông Trần Như Thảo cho hay.

Ông Châu Văn Hồng, Chủ tịch HND xã Thủy Phù, TX Hương Thủy cho biết: “Với một mô hình khép kín theo chuỗi giá trị, tận dụng được tất cả phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, nên tiết kiệm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập. Không những thế, do là chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt chất lượng. Các hộ không những hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi mà còn đứng ra vận động tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra”.

Theo Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, SX nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tang thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết tại Thủy Phù đã mở đường cho SX nông nghiệp hàng hoá bền vững mà Hội Nông dân tỉnh đang tích cực triển khai, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Cái lợi rõ nét nhất là nông dân sản xuất tập trung hơn nên thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Người nông dân tham gia mô hình liên kết yên tâm về đầu ra sản phẩm. Hình thức chăn nuôi này tận dụng được nguồn lực lao động gia đình, đất đai, thức ăn, nhất là phụ phẩm nông nghiệp; không cần nhiều vốn, không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ quản lý và tạo nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình.

Ông Phan Văn Xuân, Phó Chủ tịch HND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Việc tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân, các tổ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất truyền thống trước đây. Tuỳ từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15% và giá trị sản lượng tăng 20 - 25%. Mô hình này Hội Nông dân tỉnh chỉ mới thí điểm hỗ trợ triển khai, nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt”.

Để nhân rộng hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Lớp tập huấn thu hút hơn 100 thành viên, là cán bộ các cấp hội cơ sở và các hội viên nông dân tiêu biểu của 4 đơn vị Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà và Quảng Điền.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.