Từ năm 2006 đến cuối năm 2012, khi Chính phủ quyết định phòng bệnh cúm gia cầm bằng vắc xin, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn vì chưa sản xuất được vacxin và nguồn cung cấp vacxin chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với sự cố gắng của các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) và Công ty NAVETCO, đến cuối năm 2012, vacxin cúm gia cầm H5N1, Navet-Vifluvac đã chính thức được Bộ NN-PTNT, Cục Thú y cho phép NAVETCO sản xuất và lưu hành.
Kết quả là chúng ta đã chủ động được nguồn cung cấp vacxin đảm bảo chất lượng, số lượng và quan trọng là rất kịp thời.
Đặc điểm chung của virus cúm A/H5N1 là rất dễ biến đổi. Sự biến đổi này có thể dẫn đến làm thay đổi tính tương đồng kháng nguyên giữa virus vacxin và virus cúm lưu hành trên thực địa. Đây chính là vấn đề gây lo lắng cho người sản xuất và người sử dụng vacxin.
Để chủ động và đảm bảo chất lượng vacxin, tiếp sau sự thành công sản xuất được vacxin cúm H5N1 Navet-Vifluvac, trong khuôn khổ Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia: “Vacxin phòng bệnh cho vật nuôi của Việt Nam”, Bộ KH-CN đã phê duyệt và giao NAVETCO thực hiện dự án “Công nghệ sản xuất vacxin cúm A/H5N1 cho gia cầm” với đề tài “Nghiên cứu sản xuất vacxin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra tại Việt Nam”, dự án được phê duyệt thực hiện từ tháng 12/2015 – 12/2019.
Một lần nữa, với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Công ty và sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan quản lý, đơn vị phối hợp, dự án đã được nghiệm thu cấp Quốc gia vào cuối năm 2019. Sản phẩm của dự án với tên gọi thương mại NAVET- FLUVAC 2 đã được Cục Thú y tiến hành kiểm nghiệm, khảo nghiệm và trên cơ sở đánh giá của Hội đồng khoa học chuyên ngành thú y; Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã cấp giấy chứng nhận cho phép NAVETCO sản xuất lưu hành vắc xin Navet- Fluvac 2, với số đăng ký 908/QLT-SX- 19, ngày 9/5/2019.
Vacxin Navet - Fluvac 2 được nghiên cứu và sản xuất thành công với sự kết hợp 2 thành phần kháng nguyên (vacxin Navet-Vifluvac chỉ có 1 thành phần kháng nguyên) và do vậy nó có phổ hoạt động rộng hơn, hỗ trợ lẫn nhau có khả năng bảo hộ chéo với 2 chủng vi rút lưu hành phổ biến ở Việt Nam là cúm A/H5N1 và A/H5N6.
Đặc biệt vacxin có thể phòng được cho gia cầm chống lại các biến chủng (subclade) của virus cúm A/H5N1 thuộc clade 1, 1.1; 2.3.2.1a, 2.3.2.1c, bao gồm cả clade 2.3.2.1b, một biến chủng mà vacxin trước đây không có khả năng bảo hộ hoặc tỷ lệ bảo hộ rất thấp.
Đồng thời với việc phối trộn nhiều hơn một loại kháng nguyên có trong thành phần vacxin, chất bổ trợ miễn dịch dùng sản xuất vacxin cũng đã được cải tiến nhằm nâng cao khả năng kích thích đáp ứng kháng thể cho gia cầm. Vacxin có thể dùng phòng bệnh cúm cho gà, vịt, ngan và chim cút khỏe mạnh.
Đánh giá hiệu quả phòng bệnh của vacxin bằng phương pháp thử thách cường độc với các biến chủng khác nhau của virus cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 ở các lần thí nghiệm khác nhau, cho kết quả tỷ lệ bảo hộ ở gà đạt từ 83,3 - 100%; vịt 90 - 100%, ngan 91,6 – 100% và cút 80 - 90% đối với các clade khác nhau của virus cúm A/H5N1 và tỷ lệ bảo hộ chống lại cúm A/H5N6 trên gà là 81.8 – 100%; vịt 90 - 100%; ngan 90% và cút 76 - 90%. Nếu so sánh với vắc xin cúm của Trung Quốc khi dùng chủng công H5N6, vacxin cúm Re 5 đạt tỷ lệ bảo hộ 60% và Re 6 là 40%. (Còn nữa)
Có một xu hướng dễ nhận thấy, khi một chương trình phòng bệnh bằng vacxin thất bại, thì đơn giản nhất đều cho nguyên nhân là vắc xin, không chỉ riêng với vacxin cúm gia cầm. Không thể phủ nhận, cũng có những trường hợp nguyên nhân là chất lượng vacxin.
Tuy nhiên chúng ta cần nhận thức một cách khách quan là: Có vacxin, nhưng dùng vacxin có hiệu quả lại là một vấn đề khác cần phải xem xét, chứng minh các nguyên nhân một cách khoa học.
Những nguyên nhân đó có thể do con người, kỹ thuật tiêm phòng, qui trình tiêm phòng, tình hình dịch bệnh, dịch tễ ở thời điểm tiêm, sức khỏe của gia cầm và loài gia cầm được tiêm phòng...