| Hotline: 0983.970.780

Sáng mãi ‘ngọn đèn làng học’

Thứ Hai 05/09/2022 , 21:42 (GMT+7)

Cẩm Bình là xã duy nhất trong cả nước đạt 4 danh hiệu Anh hùng, trong đó có 2 danh hiệu Anh hùng về giáo dục.

Cẩm Bình là xã duy nhất trong cả nước đạt 4 danh hiệu Anh hùng, trong đó có 2 danh hiệu Anh hùng về giáo dục. Mảnh đất thuần nông Cẩm Bình đã nuôi dưỡng 3 giáo sư, 6 phó giáo sư, 28 tiến sĩ trưởng thành.

Đi đầu trong “diệt giặc dốt”

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cũng như các địa phương trong cả nước, người dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngoài đói cơm, thiếu thốn đủ bề, còn “đói” chữ. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Cẩm Bình đứng lên xung kích trên các mặt trận, nhất là mặt trận “diệt giặc dốt”, mở đầu là lập Trường cấp I Cẩm Bình vào năm 1948. Với khẩu hiệu “sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, thời ấy tất cả nhân dân từ già trẻ, gái trai đều đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

49cd22aa3fccc2929bdd

Nhiều thập kỷ trôi qua, Cẩm Bình vẫn luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh Hà Tĩnh về phong trào phát triển kinh tế, giáo dục và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Nga.

Lịch sử Đảng bộ UBND xã Cẩm Bình gợi lại, năm 1959, Cẩm Bình chính thức phát động phong trào bổ túc văn hóa và bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) phổ cập cấp I trong Nhân dân. Ngày 19/5/1966, địa phương này được công nhận là xã đầu tiên trong cả nước thực hiện phổ cập cấp I cho toàn dân trong độ tuổi và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 1969 Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa. Không những vậy, vào năm 1978, Cẩm Bình còn được Tổ chức UNESCO tặng Giải thưởng Crúp-xcai-a - lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Đến 1985, Cẩm Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Empty

"Ngọn đèn làng học" ở Cẩm Bình chưa bao giờ "tắt lửa". Ảnh: TL.

Những danh hiệu trên đã minh chứng cho truyền thống hiếu học có một không hai của Nhân dân Cẩm Bình. Và bây giờ, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, các bậc làm cha, làm mẹ ở đây vẫn dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt cho việc trang bị kiến thức, đạo lý làm người cho con cái.

“Ngày xưa ăn chưa đủ no nhưng đêm đến từ già trẻ, gái trai đốt đuốc soi đường đến các lớp học để xóa mù chữ. Ngày nay, tấm gương của ông bà, cha mẹ chính là ngọn đèn thôi thúc con, cháu học hành thành tài, thoát cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, Chủ tịch Hội khuyến học xã Nguyễn Văn Bộ tự hào khi nói về truyền thống hiếu học của địa phương.

Sắc đỏ nơi mảnh đất học

Trong không khí chào mừng ngày Quốc Khánh 2/9, con đường làng dẫn vào Cẩm Bình ngập tràn sắc đỏ cờ hoa. Khuôn mặt ai nấy cùng bày tỏ niềm vui, chuẩn bị tinh thần cho ngày Tết độc lập dân tộc. Nhìn lại những chặng đường đã qua, với họ niềm tự hào, hạnh phúc là được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học và được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.

Dịp này, căn phòng truyền thống của xã, nơi trưng bày “bảo vật” về thành tựu trong giáo dục cũng trở nên nhộn nhịp người đến thăm quan hơn. Những tấm bằng khen, Huân chương, Cờ thi đua hay những bức hình về các sự kiện giáo dục trọng đại được đặt ở các vị trí trang trọng trong căn phòng rộng chừng 30m2.

Ông Nguyễn Thiên Toàn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình vừa giới thiệu danh sách “bảng vàng” vừa bảo: “Cẩm Bình là xã duy nhất trong cả nước đạt 4 danh hiệu Anh hùng, trong đó có 2 danh hiệu Anh hùng về giáo dục. Đây vừa là niềm tự hào vừa là động lực thôi thúc thế hệ con em hướng đến Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”.

Empty

Gia đình đông con, cuộc sống có lúc thiếu cơm ăn, áo mặc nhưng vợ chồng ông Nguyễn Đình Hiểu và bà Nguyễn Thị Phú chưa bao giờ để con "đói" chữ. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Toàn, việc phát triển giáo dục tại Cẩm Bình không chỉ có truyền thống từ thời chiến mà đến nay vẫn đang được gieo vào từng thế hệ. Mảnh đất Cẩm Bình đã nuôi dưỡng 3 giáo sư, 6 phó giáo sư, 28 tiến sĩ trưởng thành. Riêng tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng trong 10 năm trở lại đây bình quân đạt trên 85%. Trong đó, có những thôn như Tân An, Bình Luật, Đông Trung, Bình Minh, Yên Bình… tỷ lệ con em đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn trên cả nước chiếm đến 50 - 60%.

Để “thắp lửa” truyền thống hiếu học, năm 1999 ông Nguyễn Hữu Vang, nguyên Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Nghệ Tĩnh khởi xướng thành lập quỹ khuyến học dòng họ Nguyễn Viết Chi Ất với số tiền ủng hộ 10 triệu đồng. Kể từ đó đến nay, 65 hộ gia đình trong dòng họ gây dựng nguồn quỹ ngày càng lớn mạnh, hoạt động vinh danh con em chăm ngoan, học giỏi trở thành hoạt động truyền thống hàng năm, tổ chức vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch.

“Năm nay chúng tôi chi hơn 10 triệu đồng thưởng cho 82 cháu trong dòng họ đạt thành tích cao trong học tập; trong đó có 3 cháu ở nước ngoài. Mức chi thưởng có thể 500, 300, 200 ngàn đồng, thậm chí chỉ 50 ngàn đồng với những cháu mầm non, bé khỏe bé ngoan. Ngoài việc trích quỹ vinh danh, trao thưởng, quỹ khuyến học dòng họ còn có nhiệm vụ hỗ trợ cho con em những gia đình khó khăn vươn lên trong học tập”, ông Nguyễn Văn Bộ, một thành viên trong ban quản lý quỹ khuyến học dòng họ Nguyễn Viết Chi Ất nói.

Empty

Hạnh phúc của ông bà Hiểu Phú là chứng kiến con cháu trưởng thành có việc làm ổn định. Ảnh: Thanh Nga.

Sau dòng họ Nguyễn Viết Chi Ất, lần lượt là sự ra đời quỹ khuyến học của 37 dòng họ khác như Trác Văn, ở thôn Bình Quan; dòng họ Võ, thôn Vinh Thái... Trong đó, có những dòng họ xây dựng được nguồn quỹ hàng trăm, hàng chục triệu đồng; số lượng con cháu học hành thành tài, có công việc ổn định trong và ngoài nước không đếm xuể.

Ngoài quỹ khuyến học dòng họ, cấp thôn có chi hội khuyến học thôn; tổ liên gia có quỹ khuyến học tổ liên gia. Việc duy trì thường xuyên, hiệu quả các tổ chức khuyến học đã tạo cho con em một lối sống nề nếp, xem việc học không chỉ để thoát nghèo mà còn vì danh dự của bản thân, cội nguồn vùng đất học anh hùng.

Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo

Chính nền tảng giáo dục bền vững đã mang đến năng lượng sống tích cực cho con người. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng cụ Nguyễn Hữu Uẩn (92 tuổi) vẫn minh mẫn, rắn chắc tựa như cây lim cổ thụ giữa đại ngàn. Với cụ, điều hạnh phúc nhất là còn gìn giữ được gia phong, hiếu đạo của gia đình “tứ đại đồng đường”. Cụ Uẩn bảo, để làm được như vậy đòi hỏi nền móng gia đình phải vững chắc, ông bà mẫu mực, con cháu mới hiếu thảo.

Đến cái tuổi gần đất xa trời, hạnh phúc của cụ Uẩn đơn giản là còn gìn giữ được gia phong, hiếu đạo của gia đình “tứ đại đồng đường”. Ảnh: Thanh Nga.

Đến cái tuổi gần đất xa trời, hạnh phúc của cụ Uẩn đơn giản là còn gìn giữ được gia phong, hiếu đạo của gia đình “tứ đại đồng đường”. Ảnh: Thanh Nga.

“Niềm vui cuối đời là khi thấy các con cháu có công việc ổn định, có sức khỏe. Trước đến nay nền giáo dục ở địa phương luôn được đề cao, vì vậy tôi luôn động viên con, cháu phải cố gắng sống và làm việc có ích cho xã hội. Muốn làm được điều đó trước tiên là phải học”, cụ Uẩn nói.

Cụ Uẩn hiện đang sống cùng con trai Nguyễn Hữu Trung và cháu, chắt. Trong căn nhà tuy nhỏ, giản dị nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Ông Trung bảo, vợ chồng ông học cách sống chuẩn mực từ ông bà, cha mẹ nên luôn chú trọng đầu tư trong giáo dục cho con cái. Đến nay 3 người con của ông đều học hành thành đạt, trở thành những người có ích cho xã hội.

“Ông bà, cha mẹ là tấm gương lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến con cháu. Nếu mình không sống mẫu mực, không biết cách yêu thương, dạy dỗ con cháu thì gia đình sẽ có những đứa con, đứa cháu đi lạc hướng. Bản thân tôi và bà nhà tôi cũng luôn phải tự rèn luyện, đổi mới cách nhìn để có thể gần gũi hơn với con cháu, phải luôn tiếp thu cái mới ở xã hội hiện đại để dạy con, cháu hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Hữu Trung tâm sự.

Empty

Cuộc sống bình yên trong ngôi nhà cụ Uẩn. Ảnh: Thanh Nga.

Cũng giống như gia đình cụ Uẩn, ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Đình Hiểu (81 tuổi), bà Nguyễn Thị Phú (80 tuổi), thôn Bình Luật là chốn đi về bình yên, là địa chỉ tụ họp của con cháu sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Những năm tháng bom đạn ác liệt, bố mẹ của ông Hiểu, bà Phú dù đói ăn nhưng quyết không để con “đói” chữ. Ông Hiểu lớn lên, công tác trong cơ quan nhà nước nên xa nhà biền biệt. 6 người con 3 trai, 3 gái do một tay bà Phú chăm lo, nuôi dạy.

“Thời đó phong trào hiếu học được chú trọng, đàn ông đi xa thì đàn bà ở nhà phải lo việc học hành cho con. Nhà tôi con đông, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng động viên vợ dù đói, dù khổ nhưng không để con mất chữ”, ông Hiểu nhớ lại.

Giờ đây khi các con của ông đã thành đạt, bao nhiêu trí tuệ, đạo nghĩa làm người ông lại truyền dạy cho thế hệ cháu, chắt. Những lời nói, hành động chuẩn mực của ông bà trong cuộc sống thường ngày trở thành kim chỉ nam cho các cháu, chắt nhìn vào học tập, noi theo.          

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.