| Hotline: 0983.970.780

Sắp tới lúc con người ‘giành giật’ khẩu phần của động vật

Thứ Tư 21/09/2022 , 14:22 (GMT+7)

Việc tính toán chuyển đổi thức ăn chăn nuôi hiện tại có thể tạo ra nguồn thức ăn cho thêm 1 tỷ người, trước những thách thức và áp lực của hệ thống canh tác.

Không chỉ riêng châu Âu, tình trang lãng phí thực phẩm gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là một vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: FAO

Không chỉ riêng châu Âu, tình trang lãng phí thực phẩm gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là một vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: FAO

Một nghiên cứu vừa công bố đầu tuần này của các nhà khoa học Phần Lan cho biết, việc chuyển ngũ cốc và các nguồn thức ăn chăn nuôi khác sang phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người có thể tạo ra thêm nguồn cung lương thực đủ để nuôi sống một tỷ người.

Lý do là nhiều động vật chăn nuôi như gia súc, gia cầm và thủy sản đang được cho ăn các loại thực phẩm như ngũ cốc, cá và các loại đậu đỗ giống như con người.

Khi thế giới đang phải vật lộn để tìm nguồn cung cấp cho hàng trăm triệu người có đủ calo và chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe, các nhà nghiên cứu ở Phần Lan đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều loại thực phẩm được trồng để làm thức ăn chăn nuôi được chuyển cho con người.

Họ đã phân tích dữ liệu hệ thống lương thực toàn cầu hiện tại bao gồm, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tập trung vào việc sử dụng thức ăn và sự sẵn có của các nguồn thức ăn tiềm năng khác cho động vật, chẳng hạn như các sản phẩm phụ và bã hèm còn sót lại trong quá trình sản xuất.

Với nhu cầu năng lượng của các loài động vật và nguồn cá trên thế giới, các nhà khoa học đã tính toán rằng việc chuyển đổi thức ăn chăn nuôi hiện tại có thể làm tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho con người trên toàn cầu thêm 13% về lượng calo và 15% về protein.

"Con số này đủ nuôi sống thêm khoảng 1 tỷ người", tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Vilma Sandstrom, thuộc Đại học Aalto của Phần Lan cho hay.

Cụ thể, khoảng 15% trong số hơn 6 tỷ tấn thức ăn chăn nuôi được tiêu thụ mỗi năm bao gồm các sản phẩm có thể được sử dụng trực tiếp làm thức ăn cho con người. Xét trên quy mô toàn cầu, 49% nguồn thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thủy sản, 68% trong gia cầm và 38% trong sản xuất thịt lợn có thể được chuyển đổi sang cho con người.

Chỉ tính riêng ngành sản xuất thịt thế giới đã chiếm hơn 14% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hệ thống nông nghiệp hiện tại đang sử dụng tới hơn 3/4 nguồn nước ngọt sẵn có của Trái đất.  Ảnh: Stockholmresilience

Chỉ tính riêng ngành sản xuất thịt thế giới đã chiếm hơn 14% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hệ thống nông nghiệp hiện tại đang sử dụng tới hơn 3/4 nguồn nước ngọt sẵn có của Trái đất.  Ảnh: Stockholmresilience

Không chỉ đưa ra kết quả báo cáo trên, các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được các lựa chọn thức ăn thay thế đối với động vật để bù đắp cho sự thiếu hụt như sản phẩm phụ từ sản xuất cây trồng như rơm rạ, lá cây, bã ngũ cốc chưng cất, củ cải đường, hạt cải dầu và hạt bông, cũng như các sản phẩm phụ từ động vật như thịt và bột xương.

Bà Sandstrom cho biết: “Rất nhiều nguyên liệu có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi đã bị rơi sót lại trên cánh đồng hoặc bị lãng phí. Chúng chính là một tiềm năng mà chúng tôi nhận thấy".

 “Chúng tôi đang xem xét các cách khác nhau để giúp cung cấp thực phẩm cho nhân loại trong bối cảnh nhiều thách thức. Có rất nhiều loại thức ăn hiện nay được cung cấp cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là thứ mà chúng ta có thể tiêu thụ. Đây là một trong những điểm đòn bẩy mà nhân loại đang tìm kiếm", bà Sandstrom khẳng định.

Trước đó, một nghiên cứu có tên Feedback EU, dự án của liên minh Châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua thay đổi hành vi và kiến thức tiêu dùng cho biết, có khoảng 153 triệu tấn thực phẩm ở châu lục này bị tiêu hủy mỗi năm, cao gấp đôi ước tính trước đó.

Theo đó, chỉ tính riêng lượng lúa mì ở EU bị lãng phí đã bằng khoảng 50% lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine. Trong khi đó tạp chí Nature Food hồi tuần trước dự báo, giá ngô và lúa mì thế giới có thể sẽ tăng lần lượt 4,6% và 7,2% trong năm 2023.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres hồi tháng 7 cảnh báo rằng, xung đột Nga-Ukraine kết hợp với những tác động thương mại kéo dài của đại dịch COVID-19 co thể tạo ra một "cuộc khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có".

Còn chuyên gia phân tích thị trường ngũ cốc, Abdolreza Abbassian, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO cho biết, thời đại của thực phẩm giá rẻ đã qua và giá cả có thể sẽ vẫn đứng ở mức cao. Nguyên nhân là do giá năng lượng leo thang, phân bón khan hiếm, cùng vô số bất ổn trên thế giới, từ hậu cần đến vận chuyển rồi biến đổi khí hậu ...

(AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.